Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:11 GMT+7

Bảo tồn di sản thông qua lễ hội Al Dhafra

Biên phòng - Diễn ra trong 2 tuần đầu của tháng 12 hằng năm, Lễ hội Al Dhafra - sự kiện văn hóa của Các tiểu vương quốc Arab (UAE) đã thu hút nhiều người yêu thích tìm hiểu các di sản cũng như du khách từ các quốc gia khác nhau mong muốn trải nghiệm bản sắc dân tộc của UAE nói chung và cuộc sống, văn hóa của người Arab du cư nói riêng.

uql0_27a
Những con lạc đà thuần chủng tham gia cuộc thi Mazayna trong lễ hội.  Ảnh: middleeast.com

Được tổ chức hằng năm tại thị trấn Madinat Zayed, UAE dưới sự bảo trợ của Thái tử UAE Sheikh Mohammed Bin Zayed Al Nahyan, lễ hội Al Dhafra là cơ hội để các thế hệ trẻ tôn vinh di sản văn hóa dân tộc. Các hoạt động khác nhau trong lễ hội giúp du khách và người dân hiểu thêm về truyền thống, văn hóa và di sản của người bản địa tại UAE. Lễ hội Al Dhafra tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008 đã đạt được thành công ngoài sự mong đợi với số lượng lớn người tham gia (riêng số lạc đà tham gia lễ hội năm 2008 là gần 15.000 con). Đến nay, mỗi năm có khoảng 25.000 con lạc đà được chủ mang tới lễ hội để tham dự các cuộc thi.

Vài tuần trước khi lễ hội chính thức khai mạc tại địa điểm là khu sa mạc Empty Quarter rộng lớn và các cồn cát xung quanh, từng đoàn người du cư Arab, các bộ lạc Arab và lạc đà từ khắp nơi trên bán đảo Arab bắt đầu di chuyển tới thị trấn Madinat Zayed. Đến khi lễ hội chính thức bắt đầu, hàng trăm người từ nhiều bộ lạc trong khu vực cùng hàng ngàn con lạc đà thuần chủng đã có mặt đông đủ để tham gia lễ hội.

Hoạt động của lễ hội bắt đầu bằng cuộc thi có tên gọi Mazayna - một cuộc thi tranh tài “sắc đẹp” dành cho lạc đà. Trước thời đại của dầu mỏ và sự giàu có tại UAE, lạc đà đóng vai trò rất to lớn trong việc duy trì sự sống cho các vùng đất sa mạc khô cằn. Vì vậy, cuộc thi được tổ chức để người dân bày tỏ lòng biết ơn đối với lạc đà. Khách tham dự sẽ nghe thấy những tiếng cổ vũ và hô vang của các bộ lạc khi Ban tổ chức cuộc thi công bố tên của các con lạc đà chiến thắng. Mỗi chú lạc đà thắng cuộc sẽ được đánh dấu trên đầu bằng miếng dán được làm bằng sợi nghệ tây đắt tiền và quý hiếm cùng các loại chất thơm khác.

Bên cạnh cuộc thi mang khía cạnh văn hóa, lễ hội cũng là nơi để các nhà buôn mua bán lạc đà với các hợp đồng trị giá nhiều triệu USD. Tại lễ hội có riêng một khu vực dành để bán đấu giá hoặc trao đổi, mua bán lạc đà. Nhiều hoạt động khác trong mùa lễ hội Al Dhafra bao gồm thi nhiếp ảnh, thi đua xe ngựa cổ điển, thi đua xe cổ điển, triển lãm các loài chim ưng, thi đọc thơ và hát nhạc dân gian...

Theo Ban tổ chức lễ hội, mục tiêu của lễ hội là nhằm bảo vệ di sản văn hóa của UAE và truyền tải thông điệp bảo tồn văn hóa tới các thế hệ tương lai của UAE. Một yếu tố di sản của lễ hội thu hút khách tham quan là Hội chợ truyền thống với khẩu hiệu “100% sản xuất tại UAE, 100% hàng thủ công bằng tay”. Tại hội chợ, nhiều nghệ nhân sẽ thực hành nghệ thuật Sadu (nghệ thuật dệt bông và len), nghệ thuật Al Telli (thêu đặc biệt), nghệ thuật Al Khous (dệt từ lá cọ) và một số các món ăn truyền thống phổ biến của UAE cũng sẽ được bày bán.

Điểm đặc biệt của lễ hội là tại đây, trẻ em sẽ được tham gia các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống bằng cách học điệu nhảy Al Youla (điệu nhảy cổ của người Arab), nấu các món ăn truyền thống và làm đồ thủ công.

Năm nay, Ban tổ chức lễ hội công bố, tổng trị giá các giải thưởng trong lễ hội sẽ tăng lên con số 20 triệu Dirhams (tương đương 5 triệu USD) nhằm thu hút thêm số lượng lạc đà có giống thuần chủng tham gia cuộc thi Mazayna; đồng thời thúc đẩy tổ chức nhiều lễ hội di sản hơn tại UAE.

Hà Thu

Bình luận

ZALO