Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:17 GMT+7

Bảo tồn bản sắc dân tộc trước nguy cơ mai một

Biên phòng - Ở các huyện miền Tây Nghệ An có 5 dân tộc anh em cùng chung sống gồm: Kinh, Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú. Trong quá trình chung sống, giao lưu, hội nhập văn hóa giữa các dân tộc, nền văn hóa của dân tộc Kinh đã ảnh hưởng mạnh mẽ vào mọi mặt đời sống sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt là đối với các dân tộc Thái, Thổ. Từ đó, dẫn đến nguy cơ mai một, phai nhạt dần bản sắc văn hóa các dân tộc.

Một buổi học chữ Thái hệ Lai Tay của đồng bào Thái ở huyện Quỳ Hợp (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Ngọc Ánh

Nguy cơ mai một do pha tạp văn hóa

Khi nói về quá trình giao thoa, hội nhập văn hóa giữa các dân tộc ở huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An), cử nhân Lịch sử Lương Viết Thoại (65 tuổi, dân tộc Thái) ở bản Còn, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp cho biết, cách đây vài chục năm, bản Còn chỉ có vài chục hộ dân tộc Thái định cư trong bản. Người Thái ở bản Còn nói riêng, vùng Quỳ Hợp nói chung đều ở nhà sàn, phụ nữ mặc trang phục truyền thống, số đồng bào Thái nói thạo tiếng Kinh chưa nhiều. Khi trong bản có chuyện vui hay buồn đều được thông báo rộng rãi qua tiếng cồng, chiêng...

Tuy nhiên, từ những năm thập niên 60 của thế kỷ trước, người Kinh ở vùng xuôi lên miền núi Quỳ Hợp lập nghiệp, phát triển vùng kinh tế mới đã hình thành các nông - lâm trường, hình thành các làng người Kinh cận kề các làng người Thái. Sau vài chục năm giao lưu, hội nhập văn hóa, bản Còn đã không còn giữ lại được một nếp nhà sàn cổ nào của dân tộc mình.

Bản Còn có 215 hộ dân thì có tới 87 hộ dân tộc Kinh sống xen ghép cùng128 hộ dân tộc Thái. Trong nhiều gia đình người Thái, bố mẹ nói chuyện với ông bà bằng tiếng dân tộc mình nhưng nói chuyện với các con bằng tiếng phổ thông.

“Trong gia đình tôi hiện nay chỉ có vợ chồng tôi và con trai giao tiếp với nhau bằng tiếng Thái, còn con dâu và các cháu nội đều giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Ông bà thì lúc nào cũng đau đáu với văn hóa nguồn cội nhưng lớp trẻ thì khác. Xét về mặt xã hội, môi trường sống, làm việc và học tập của các cháu bây giờ đã khác với thời của chúng tôi. Vì thế cũng không thể trách được chúng nó không mặn mà, tha thiết với văn hóa nguồn cội” - Ông Lương Viết Thoại cho biết.

Cũng đề cập về vấn đề này, nghệ nhân dân gian Sầm Văn Bình ở xóm Yên Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp cho biết thêm, khi ông đi vào các bản người Thái để tìm hiểu ngôn ngữ và chữ viết Thái cổ thì phát hiện ra nhiều điều khác biệt giữa ngôn ngữ Thái ở các bản vùng trong và vùng ngoài. Trong khi người Thái ở các xã vùng ngoài như Châu Quang, Châu Cường, Châu Thái nói khá chuẩn tiếng Thái thì tại các xã vùng sâu như Nam Sơn, Bắc Sơn, Châu Thành, Châu Tiến..., ngôn ngữ Thái bị pha tạp, vay mượn nhiều tiếng Kinh. Ví dụ như ngôn từ của người Thái chỉ một số đồ gia dụng trong gia đình như cái nồi, cái chảo, cái muôi, cái bát... đã bị thay thế bằng tiếng Kinh.

Bên cạnh đó, trong ngày cưới, nhiều cô dâu Thái không mặc trang phục dân tộc, thay vào đó là chiếc váy cưới trắng toát, chú rể thì diện comple, thắt cà vạt như quý ông ở thành thị. Gia đình nào khá giả thì rước dâu bằng xe hoa, kinh tế eo hẹp hơn thì rước dâu bằng xe máy và tổ chức tiệc mặn ở nhà trai như đám cưới của người Kinh vùng xuôi...

“Neo giữ” bằng cách nào?

Lý giải về việc tại sao ngôn ngữ của người dân tộc Thái ở các xã vùng sâu tại địa phương lại bị pha tạp tiếng Kinh nhiều hơn so với các xã vùng ngoài, nhà nghiên cứu văn hóa Thái Sầm Văn Bình cho rằng, một phần là do tâm lý tự ti mặc cảm dân tộc. So với người Thái ở vùng ngoài thì đồng bào Thái ở các xã vùng sâu ít giao tiếp xã hội, giao lưu văn hóa hạn chế hơn. Nhưng khi có nhiều người Kinh hơn vào bản, sự giao thoa văn hóa được mở rộng thì chính đồng bào lại mong muốn được học hỏi ở người Kinh nhiều hơn, sinh hoạt, giao tiếp giống như người Kinh hơn. Theo đó, ngôn ngữ cũng dần dần bị pha tạp tiếng Kinh nhiều hơn.

Ông Lương Viết Thoại lý giải: Trong quá trình giao lưu hội nhập, văn hóa dân tộc Thái bị pha tạp, biến đổi là theo quy luật tất yếu của sự phát triển, chúng tôi phải chấp nhận sự thay đổi đó. Ví dụ như xưa kia, người Thái ở nhà sàn vì có sẵn gỗ, khi cột nhà bị mối mọt hư hỏng, người dân có thể vào rừng đẵn gỗ để thay thế cột khác. Bây giờ, rừng hết gỗ rồi thì người dân làm sao bảo tồn được nhà sàn nữa? Bởi vậy, xu hướng trệt hóa nhà ở trong bản làng người Thái là hợp với quy luật phát triển.

Tuy nhiên, ông Thoại cũng cho rằng, có một số giá trị văn hóa được coi là linh hồn của dân tộc thì cần có phương án bảo tồn khẩn cấp trước nguy cơ mai một, chẳng hạn như ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, lễ hội, dân ca, dân vũ...

Được biết, trong những năm qua, huyện Quỳ Hợp đã đưa ra một số giải pháp nhằm bảo tồn chữ viết Thái cổ. Cụ thể, từ năm 2009-2011, Phòng Công thương huyện Quỳ Hợp chủ trì Đề tài khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu, biên soạn và tổ chức dạy chữ Thái Lai tay huyện Quỳ Hợp, Nghệ An”. Đề tài do nghệ nhân Sầm Văn Bình, ở bản Yên Luốm làm chủ nhiệm.

Tiếp đến, từ năm 2012-2015, UBND huyện Quỳ Hợp triển khai tiếp Dự án “Tổ chức dạy học chữ Thái ở Quỳ Hợp, Nghệ An” với tổng kinh phí trên 900 triệu đồng. Dự án đã tổ chức đào tạo được 1 lớp giáo viên dạy tiếng Thái cho 30 học viên; triển khai 15 lớp dạy chữ Thái cho người dân và học sinh dân tộc Thái tại các xã Châu Cường, Châu Quang, Châu Thái... Năm 2017, có một số lớp dạy chữ Thái cổ đang được triển khai tại các xã Châu Thành và Châu Thái.

Bên cạnh đó, UBND huyện Quỳ Hợp cũng đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển các làn điệu dân ca dân tộc Thái, Thổ và dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh huyện Quỳ Hợp, giai đoạn 2017-2020” với tổng kinh phí 900 triệu đồng. Đề án bắt đầu được triển khai từ giữa năm 2017.

Theo đề xuất của ông Lương Viết Thoại, để việc bảo tồn di sản văn hóa Thái được triển khai có hiệu quả và mang tính khả thi cao, ngành giáo dục nên đưa chương trình dạy chữ Thái cổ vào một số trường học có đông con em học sinh người dân tộc Thái. Các trường học nên mời nghệ nhân văn hóa phối hợp với các giáo viên bộ môn truyền dạy dân ca, dân vũ cho các em học sinh ngay từ trong trường học. Làm được việc đó, ngôn ngữ mẹ đẻ và một số di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Thái mới có thể neo lại được với các thế hệ con cháu mai sau.

Ngọc Ánh

Bình luận

ZALO