Biên phòng - Mối quan hệ giữa Anh và Nga đang rơi vào một nấc thang căng thẳng mới khi Anh ra “tối hậu thư”, cho thời hạn 2 ngày để Nga giải thích rõ về cáo buộc sử dụng chất độc thần kinh để đầu độc cựu điệp viên “hai mang” Sergei Skripal và con gái của ông này Yulia.

Quan hệ giữa Nga và Anh bất ngờ rơi vào căng thẳng khi ngày 4-3 vừa qua, cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái được tìm thấy trong trạng thái bất tỉnh trên một chiếc ghế trong công viên tại thành phố Salisbury, phía Tây Nam nước Anh. Vụ việc này được báo chí Anh so sánh với vụ đầu độc ông Litvinenko ở Luân Đôn năm 2006, khiến quan hệ giữa Moscow và Luân Đôn khi đó rơi vào khủng hoảng.
Trong bài phát biểu tại Hạ viện ngày 12-3, Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng, Moscow "khả năng rất cao" đứng sau vụ đầu độc ông Sergei Skripal và con gái. Theo bà, chất độc thần kinh được sử dụng trong vụ đầu độc là được sản xuất tại Nga. Mặc dù khẳng định sẽ không hành động nóng vội, nhưng phía Anh kiên quyết sẽ có phản ứng mạnh mẽ một khi có đủ bằng chứng cho thấy Nga dính líu tới vụ án.
Theo đó, Anh yêu cầu Nga đưa ra lời giải thích muộn nhất là vào cuối ngày 13-3 (theo giờ địa phương). Nếu Nga không có câu trả lời thỏa đáng, chính phủ Anh sẽ kết luận vụ tấn công có liên quan đến việc Nga sử dụng phương tiện bất hợp pháp chống lại Anh, khi đó Thủ tướng May sẽ quay lại Hạ viện đề xuất đáp trả một cách mạnh mẽ và thích đáng, như: trục xuất các nhà ngoại giao, điệp viên của Nga, tiến hành các biện pháp trừng phạt tài chính mới chống Nga…. Thậm chí, Anh sẽ lên kế hoạch thảo luận với Mỹ và các đồng minh ở châu Âu về khả năng tẩy chay World Cup 2018 tại Nga.
Phía Nga ngay lập tức phản bác cáo buộc của Anh, cho rằng lời buộc tội này chỉ là “vở kịch” và là sự khiêu khích của Anh. Đại sứ quán Nga tại Luân Đôn nêu rõ, nước này không trả lời tối hậu thư của Anh vì cho đến nay các chuyên gia Moscow vẫn chưa được tiếp cận với hóa chất mà phía Luân Đôn cho là sử dụng trong vụ đầu độc cựu đại tá Sergei Skripal cùng con gái. Ngoài ra, Moscow cũng yêu cầu Anh tuân thủ các quy định của Công ước Vũ khí hóa học (CWC) khi Luân Đôn yêu cầu Moscow cung cấp các thông tin nắm giữ về vụ đầu độc.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, theo CWC, Anh phải ngay lập tức gửi yêu cầu tới nước bị nghi sử dụng hóa chất, đồng thời nước được gửi yêu cầu có quyền được tiếp cận với hóa chất được sử dụng để có thể tự phân tích. Trong khi đó, sau khi xuất hiện tin đồn được giới lãnh đạo Anh cho rằng hóa chất được sử dụng trong vụ đầu độc ông Skripal được sản xuất tại Nga, phía Nga đã ngay lập tức gửi công hàm chính thức cho Anh yêu cầu được tiếp cận với hóa chất này để phân tích cũng như được tiếp cận với tất cả chứng cớ liên quan đến cuộc điều tra do người bị hại, con gái ông Skripal, bà Yulia là công dân Nga. Tuy nhiên, phía Anh đã từ chối chấp nhận những yêu cầu của phía Nga. Ông Lavrov kêu gọi Anh thực hiện nghĩa vụ của mình trước khi đưa ra tối hậu thư.
Với những cáo buộc mạnh mẽ từ phía Anh cùng phản ứng đáp trả cũng khá gay gắt từ Nga cho thấy quan hệ hai bên không thể tránh khỏi những rạn nứt mới từ vụ việc gây căng thẳng vừa qua. Quan hệ Nga - Anh trước đó cũng không ít lần gặp sóng gió vì những vụ án đầy bí ẩn, với nạn nhân là cựu tình báo và doanh nhân Nga sinh sống tại Anh. Trong đó đáng chú ý là cái chết của cựu trung tá tình báo Alexander Litvinenko năm 2006, doanh nhân Alexander Perepilichny năm 2012 và tỉ phú Boris Berezovsky năm 2013.
Thu Uyên