Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 04/06/2023 01:13 GMT+7

Bão táp cách mạng 1945

Biên phòng - Nói về ý nghĩa lịch sử vĩ đại của Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết : "Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc".

 media
Biểu tình cướp chính quyền tại Phủ Khâm sai Bắc Kỳ, ngày 19-8-1945.
Thật kỳ diệu, chỉ mới 15 tuổi, Đảng ta đã ra quân với trận đánh quyết định trong 15 ngày bằng cuộc bão táp Cách mạng tháng Tám 1945. Sự kiện thần kỳ có một không hai ấy đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc và mãi mãi là niềm kiêu hãnh, tự hào của mọi thế hệ Việt Nam.

Với tư duy chiến lược sắc sảo và nhãn quan chính trị nhạy cảm tuyệt vời, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã thấy trước được cục diện chiến tranh thế giới đang chuyển biến nhanh chóng có lợi cho ta; và tình hình trong nước có nhiều điều kiện thuận lợi đòi hỏi Đảng ta phải khẩn trương có những quyết sách sáng suốt nhằm đẩy mạnh công tác chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 9-3-1945, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng quyết định phát động phong trào kháng Nhật, cứu nước. Ngày 12-3-1945, ban hành rộng rãi chỉ thị: “ Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị quan trọng này đã thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, chủ động và sáng tạo của Đảng, chỉ rõ phương hướng và biện pháp hành động cách mạng đúng đắn trong cao trào kháng Nhật, cứu nước.

Từ ngày 15 đến ngày 20- 4-1945, Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ quyết định phát triển lực lượng vũ trang, nửa vũ trang và quan trọng là thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân, xây dựng 7 chiến khu chống Nhật trong cả nước.

Ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị: “Về việc tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng” và chuẩn bị thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam.

Từ tháng 4-1945 trở đi, các lực lượng cách mạng đã phối hợp với quần chúng giải phóng một loạt các xã, châu, huyện thuộc các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang, Quảng Ngãi.

Ngày 12-8-1945, Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng ra mệnh lệnh khởi nghĩa. Ngày 13-8 -1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Ngày 14 và 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng quyết định kế hoạch phát động và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước.

Ngày 16-8-1945, Quốc dân Đại hội tại Tân Trào đã nhiệt liệt hưởng ứng chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Trước cơ hội giải phóng dân tộc, ngàn năm có một, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Lúc này thời cơ đã đến, dù hi sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập...” “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Cả dân tộc theo tiếng gọi của Người, đồng loạt đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa nhanh chóng và mạnh mẽ. Ở các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam, thị xã Hội An, chính quyền đã thuộc về tay nhân dân. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội ngày 19 -8 đã cổ vũ và thúc đẩy mạnh mẽ các tỉnh, thành phố khác khẩn trương nổi dậy giành chính quyền. Ngày 23-8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và các thị xã: Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Định, Lâm Viên, Gia Lai, Tân Yên, Bạc Liêu. Thắng lợi của khởi nghĩa Sài Gòn ngày 25- 8 có ảnh hưởng quyết định đối với khởi nghĩa ở các tỉnh miền Nam như Sóc Trăng, Vĩnh Long, Thủ Dầu Một, Châu Đốc, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre, Sa Đéc... Ở Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành chính quyền, làm chủ trên đảo.

Như vậy, chỉ sau 15 ngày ra quân quyết liệt với cuộc bão táp cách mạng, cả nước đã giành được chính quyền về tay nhân dân; cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám đã giành thắng lợi hoàn toàn.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc Bản Tuyên ngôn độc lập - vang vọng hồn thiêng sông núi - tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời; xóa bỏ những đêm dài nô lệ, chấm dứt một thời kỳ đô hộ, thống trị của thực dân, phong kiến, trở thành một trong những nước đi tiên phong trong công cuộc xây dựng chế độ mới - chế độ dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trọng Phan

Bình luận

ZALO