Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:40 GMT+7

Bảo tàng Quảng Ninh, kho tri thức quý của vùng đất Mỏ

Biên phòng - Bên trong khối kiến trúc màu than đá đen tuyền, Bảo tàng Quảng Ninh là tập hợp đồ sộ tư liệu lịch sử văn hóa của vùng đất này. Những năm gần đây, trong tình trạng các bảo tàng đều hoạt động cầm chừng, tẻ nhạt, thiếu sức hút thì Bảo tàng Quảng Ninh luôn tấp nập đón khách, không ngừng nghỉ.

Phần trưng bày tái hiện thương cảng cổ Vân Đồn của Bảo tàng Quảng Ninh. Ảnh: TTH

Thời gian tuân thủ quy định phòng, chống dịch Covid-19, Bảo tàng Quảng Ninh mở cửa và sắp xếp bố trí khách tham quan theo giờ, khoa học, an toàn, chỉ tạm dừng đón khách khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Có nhiều thời điểm bảo tàng miễn phí vé tham quan, nhất là vào lúc Quảng Ninh chỉ diễn ra hoạt động du lịch nội tỉnh, bảo tàng phục vụ nhu cầu không nhỏ các học sinh hoạt động Hè, ngoại khóa và chuẩn bị nhiều hạng mục chuyên đề để chờ đợi thời điểm tái thiết hoạt động du lịch trong nước và quốc tế.

Gần một thập kỷ đi vào hoạt động, Bảo tàng Quảng Ninh vẫn sừng sững là một tòa nhà kiến trúc hiện đại, kiểu dáng và hình khối ấn tượng, có thẩm mỹ và công năng vượt trội, rất nổi tiếng trong giới kiến trúc quốc tế.

Công trình có giá trị hơn 900 tỷ đồng này do kiến trúc sư người Tây Ban Nha Salvador Perez Arroyo thiết kế đã giúp Bảo tàng - Thư viện Quảng Ninh đoạt giải Công trình của năm 2013 do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam bầu chọn.

Bảo tàng và Thư viện Quảng Ninh là 2 khối nhà nằm trên một quảng trường lớn cạnh bờ biển. Nơi này đã được xây dựng thành công viên bên bờ biển cả và không nói quá khi 2 tòa nhà được ví von như 2 viên ngọc đen của Quảng Ninh.

Vào các mùa lễ hội trước, mọi hoạt động văn hóa đều tổ chức ở không gian ngoài trời này, trong đó, có lễ hội mở biển Carnaval sôi động. Không chỉ bề ngoài được mô phỏng theo màu sắc và hình khối của than đá sắc cạnh, long lanh như gương mà đây là nơi lưu giữ kí ức, bề dày lịch sử của vùng mỏ Quảng Ninh anh hùng.

Bảo tàng trưng bày khối than đá kíp lê 28 tấn là điều ngạc nhiên đầu tiên dành cho khách tham quan. Mặc dù than đá không hiếm, nhưng rất ít người biết đến hình thù địa mạo, địa chất của than đá và đó là ví dụ sinh động nhất, cũng rất hiếm khi than đá được khai thác theo kết cấu trọng lượng lớn như thế. Đây là quà tặng của ngành than dành cho bảo tàng mà việc khai thác đưa nó lên từ độ sâu hơn trăm mét của tầng than cọc 6 Cẩm Phả đã là một câu chuyện thú vị.

Bộ xương cá voi lớn – điều không thể thiếu đối với một bảo tàng nằm ở một địa phương miền biển được Bảo tàng Quảng Ninh trưng bày choán không gian tầng 1.

Đây chính là bộ xương đã được lưu giữ rất lâu của một con cá voi trôi dạt vào vùng biển Đông Bắc. Đi kèm với hiện vật này là hệ sinh thái biển đặc trưng và vẻ đẹp của vịnh Hạ Long. Một tập hợp đồ sộ và choáng ngợp các loài thực vật, động vật biển đặc hữu của vịnh Hạ Long.

Phần văn hóa lịch sử của Bảo tàng Quảng Ninh khá thành công khi tái hiện lại đời sống tín ngưỡng, nghệ thuật của nhiều dân tộc thiểu số sinh sống trên đất Quảng Ninh.

Đặc thù là tỉnh có biển đảo, có miền núi và vùng biên giới, Quảng Ninh có nhiều dân tộc thiểu số giữ được đời sống văn hóa giàu bản sắc. Các cộng đồng đóng góp vào sự phát triển của vùng đất, thích ứng nhanh với tốc độ phát triển đô thị của đất biển Quảng Ninh.

Các phần khác của bảo tàng trưng bày các thời kỳ xây dựng và phát triển vùng Mỏ. Tinh thần vùng Mỏ bất khuất xuyên suốt những năm đấu tranh cách mạng, tinh thần của những tháng năm phất cờ hồng trên núi Bài Thơ vẫn còn đó và được nhắc đến hào hùng bằng những hiện vật thiêng liêng.

Điều thú vị nhất của Bảo tàng Quảng Ninh nằm ở tầng trên cùng, đó là phần trưng bày được xây dựng mô phỏng y hệt một đường hầm lò khai thác than. Ở đó, khách tham quan có thể tìm hiểu lịch sử phát triển ngành than và kỹ thuật cơ bản khai thác than bằng phương pháp hầm lò.

Trong khu trưng bày này dành một nơi trang trọng với bức phù điêu lớn miêu tả nội dung Bác Hồ với vùng Mỏ, những lần Người về thăm và huấn thị, khen ngợi khích kệ tinh thần anh dũng của thợ mỏ Quảng Ninh trong lao động sản xuất và trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Ngoài ra, bảo tàng cũng dành thời lượng cho các trang sử hào hùng về chiến thắng Bạch Đằng, hoạt động của thương cảng cổ Vân Đồn, góc tâm linh Yên Tử non thiêng và thiền phái Trúc Lâm. Một số nghề thủ công mỹ nghệ tưởng chừng không còn nữa nhưng vẫn được các nghệ nhân giữ gìn, phục dựng lại như nghề đan thuyền, đan ngư cụ, làm mỹ nghệ than đá...

Bảo tàng Quảng Ninh đi liền với Thư viện và Cung quy hoạch, triển lãm của tỉnh Quảng Ninh tiên phong áp dụng phương pháp trưng bày kỹ thuật số tiên tiến. Một số mô hình trưng bày 3D, ảnh không gian 360 độ khiến khách tham quan ngỡ ngàng thích thú.

Bảo tàng Quảng Ninh lưu giữ đầy đủ các giá trị tinh thần của vùng mỏ, đồng thời đó là kho tàng lịch sử nghệ thuật sống động hiện đại không hề nhàm chán và buồn tẻ như các bảo tàng truyền thống.

Đây cũng là nơi giới trẻ cả nước rất thích thú tìm đến để chụp các bức ảnh đẹp, tham quan vịnh Hạ Long đồng thời tìm hiểu lịch sử của vùng đất bằng buổi tham quan bảo tàng. “Đây là bài học lịch sử đẹp mà còn ý nghĩa, dễ hiểu nữa ạ. Em và các bạn thích thú vì ngoài tham quan, học tập và trau dồi kiến thức lịch sử địa lý, văn hóa thì các em còn có thể chụp ảnh nghệ thuật để chia sẻ trên mạng xã hội” – Vĩnh Khánh, một học sinh phổ thông trung học của Hạ Long cho biết sau chuyến tham quan.

Trong bối cảnh các bảo tàng truyền thống thưa vắng người tham quan thì cách vận hành và kỹ thuật trưng bày mới, cập nhật, mô hình sáng tạo của Bảo tàng Quảng Ninh là một hình mẫu để ngành văn hóa các địa phương học hỏi, áp dụng.

Thúy Hằng

Bình luận

ZALO