Biên phòng - Hàng chục nghìn hiện vật hóa thạch về trầm tích văn hóa, lịch sử trong lòng đất Tây Nguyên có niên đại hàng triệu năm được trưng bày khoa học, đẹp mắt trong một khu vườn rừng 1.000m2 giữa trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đây có lẽ là “bảo tàng hóa thạch cổ sinh” độc nhất trên vùng đất Tây Nguyên này.
Bảo tàng hóa thạch
Bảo tàng hóa thạch cổ sinh này là của ông Hoàng Thành (sinh năm 1961), ở phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Sở dĩ gọi bộ sưu tập độc đáo này của ông Thành là “bảo tàng đá” bởi nơi đây đang trưng bày hơn 20.000 mẫu hóa thạch cổ sinh có niên đại hàng triệu năm.
Những mẩu đá đủ mọi hình dáng từ con sò, con ốc cuộn tròn trong đá đến những bộ đàn đá, tượng đá, chiếc chuông đá khổng lồ và cả cây thông thủy tùng hóa thạch được ông bày biện đẹp mắt trong không gian vườn rừng.
Dẫn chúng tôi tham quan “bảo tàng”, ông Thành giới thiệu tỉ mỉ các hiện vật hóa thạch. Bộ cúc đá (vỏ sò hóa thạch) gồm nhiều loài khác nhau được ông xếp gọn gàng, ghi chú rõ ràng để khách thuận tiện thăm thú, trải nghiệm.
Dừng lại ở hiện vật khổng lồ gồm nhiều mẫu hóa thạch lớn, nhỏ xếp thành hình thân cây, ông Thành bảo: Đây là cây thông thủy tùng hóa thạch hàng trăm triệu năm trên vùng đất Tây Nguyên với chiều dài 30m, đường kính thân cây từ 70-80cm, còn phần gốc cây, tôi xếp đứng phía dưới. Cây thủy tùng hóa thạch này được giới nghiên cứu cổ sinh đánh giá là một trong những hiện vật quý giá để tìm hiểu về lịch sử trong lòng đất Tây Nguyên. Đây cũng là mẫu hóa thạch mà tôi mất nhiều thời gian, công sức nhất để sưu tầm.
Bên cạnh cây thông thủy tùng hóa thạch là chiếc chuông đá khổng lồ có chiều dài 2,5m, đường kính khoảng 60cm, nặng 800kg, khi gõ nhẹ lên mặt chuông sẽ phát ra âm thanh binh boong như tiếng chuông chùa. Theo ông Thành, chiếc chuông đá này ông tìm thấy trong vùng núi Chư Yang Sin trên địa bàn huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk và phải mất rất nhiều công sức, ông mới đưa về được đến nhà.
Để nuôi dưỡng đam mê với đồ hóa thạch và giới thiệu đến cộng đồng, trước đây, ông Thành có một quán cà phê với cái tên độc lạ là “Cà phê Chuông Đá”. Điểm nhấn thu hút khách đến với quán cà phê này là nơi đây có một tảng đá to phát ra âm thanh kỳ thú cùng những bộ đàn đá và các hiện vật hóa thạch cổ sinh khác. Khách đến quán không chỉ đơn thuần thưởng thức cà phê, mà còn thưởng lãm bộ sưu tập hóa thạch quý, nghe ông chủ quán giới thiệu các hiện vật bằng vốn kiến thức nghiên cứu chuyên sâu.
Ngoài các hiện vật về hóa thạch cổ sinh, ông Thành còn dựng một ngôi nhà dài của người Ê Đê với đầy đủ “nội thất” như ghế dài, giường được làm bằng gỗ quý hiếm, cồng chiêng, ché xưa, thuyền độc mộc, đàn đá và rất nhiều nồi, chén, lư đồng cổ...
“Kho báu” vô giá
Hơn 20.000 hiện vật hóa thạch cổ sinh được trưng bày trong “bảo tàng đá” có giá trị to lớn về địa chất và cổ sinh địa tầng của mảnh đất Tây Nguyên. Ông Thành chia sẻ: Mấy năm nay, tôi không bán cà phê nữa mà chuyên tâm vào việc nghiên cứu, tìm hiểu, sưu tầm đầy đủ hơn bộ sưu tập của mình và sắp xếp hiện vật mình đang có theo các chủ đề cụ thể, sinh động và rất khoa học. Để làm được như vậy, tôi phải tìm kiếm, tập hợp nhiều tư liệu khoa học từ các chuyên gia trong nước và quốc tế. Tôi sử dụng tư liệu khoa học để minh họa cho “5 kỳ đại tuyệt chủng” đã từng xảy ra trên trái đất suốt 4 tỷ năm lịch sử.
Năm 2010, đoàn khảo sát của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã đến tận nhà ông Thành để nghiên cứu. Theo kết quả điều tra địa chất của đoàn chuyên gia, hiện vật hóa thạch của ông Thành có niên đại hàng trăm triệu năm trước. Sau đó, rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu về cổ sinh vật học đã đến “kho” cổ vật của ông để tìm hiểu, nghiên cứu. Các nhà khoa học xác định đây là những hiện vật có niên đại từ thời kỳ khủng long còn sống trên trái đất cách đây hàng trăm triệu năm. Các nhà khoa học cũng xác định, hiện vật ở đây được chia thành 5 nhóm: Nhóm mẫu hóa thạch thuộc nhóm cúc đá; hóa thạch thuộc nhóm hai mảnh vỏ; hóa thạch thuộc nhóm chân bụng; hóa thạch ngành thực vật hạt trần; hóa thạch thực vật thân gỗ.
Với giá trị văn hóa, lịch sử mang tính khoa học, nhiều năm nay, “bảo tàng đá” của ông Thành đã trở thành điểm tham quan, học tập, nghiên cứu của nhiều đoàn khách du lịch, các nhà chuyên môn trong và ngoài nước. Những hiện vật cổ sinh hóa thạch này chính là bài học về thiên nhiên nói chung và văn hóa, lịch sử Tây Nguyên nói riêng.
Phúc An