Biên phòng - Sáng nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, lúc 6 giờ ngày 28-10, tâm bão số 9 cách Đà Nẵng khoảng 305km, cách Quảng Nam 220km, cách Quảng Ngãi 190km, cách Phú Yên 180km; gió cấp 13, giật cấp 16. Bão số 9 được đánh giá là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua. Trong đêm qua đã gây gió mạnh và mưa lớn cho các tỉnh miền Trung. Đã có 2 tàu cá bị chìm và 1 tàu cá mất liên lạc với đất liền. Tại Quảng Ngãi đã có 314 nhà bị tốc mái hư hỏng.

Bão gây gió giật mạnh cấp 15
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhấn mạnh: đến 7 giờ ngày 28-10, vị trí bão 114,8 độ Vĩ Bắc - 109,8 độ Kinh Đông ngay trên vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên, bão giảm tiếp 1 cấp, gió cấp 12, giật cấp 15.
Tại các tỉnh từ Đà Nẵng - Bình Định có gió cấp 11-13, giật cấp 15. Tỉnh Thừa Thiên Huế, Phú Yên có gió cấp 8-10, giật cấp 12. Tỉnh Kon Tum, Gia Lai gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Còn tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió cấp 6-7, giật cấp 10.
Trong khi đó, số liệu thực đo lúc 7 giờ sáng 28-10 tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cách tâm bão 150km gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; tại Bình Châu gió cấp 10, giật cấp 12. Tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Còn tại đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), gió đạt cấp 4, giật cấp 7.
Ông Lâm cho biết, trong đất liền gió đang mạnh lên. Khu vực có gió mạnh nhất là từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên gió cấp 8, giật cấp 12. Cụ thể, sau 10 giờ ngày 28-10, tại tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng gió sẽ mạnh lên và mạnh nhất từ trưa tới đầu giờ chiều. Tại Bình Định, Quảng Nam có gió cấp 12, giật cấp 14, Quảng Bình, gió cấp 6-7.
Ông Lâm cũng cho biết, bão số 9 sẽ gây mưa rất lớn cho các địa phương nó quét qua. Ban chỉ đạo Tiền phương ứng phó bão số 9 dự báo từ ngày 28 đến 29-10, từ Thừa Thiên Huế, Phú Yên có mưa 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 150-250mm/đợt. Trong ngày hôm nay (28-10) mưa trọng điểm tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, sau đó kéo lên phía Bắc.
Từ ngày 28 tới 31-10, Nam Nghệ An và Hà Tĩnh mưa 500-700mm/đợt. Quảng Bình, Quảng Trị mưa 200-400mm/đợt.
Số liệu đo thực tế từ 19 giờ ngày 27-10 đến 4 giờ ngày 28-10, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên đã có mưa 50-150mm. Riêng Quảng Ngãi có nơi mưa trên 200mm một số trạm mưa lớn như: Trà Hiệp (Quảng Ngãi) 223mm, Trà Thanh (Quảng Ngãi) 211mm, Khe Tre (Thừa Thiên Huế) 154mm, Tam Trà (Quảng Nam) 139mm.
Sóng và nước dâng từ 7,5 - 9,5m vùng biển Đà Nẵng đến Phú Yên.
44 ngư dân đang lênh đênh trên biển
Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đến 5 giờ 28-10, còn 46 tàu của tỉnh Bình thuận/368 lao động đã di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Trên biển hiện có 2 tàu chìm, 1 tàu đang thả neo, 1 tàu mất liên lạc. Tổng cộng có 40 ngư dân đang lênh đênh trên biển.
Trước đó, trong quá trình di chuyển thoát khỏi bão số 9, chiều 27-10, đã có 2 tàu thuyền gặp sự cố. Cụ thể, tàu BĐ 96388-TS/12 lao động bị chìm lúc 13 giờ 30 phút ngày 27-10, tại khu vực 12 độ 43 phút vỹ Bắc, 111 độ 27 phút kinh Đông, cách bờ Phú Yên 330km về phía Đông.
Tàu BĐ97469-TS/14 lao động bị chìm tại 12 độ 17 phút vỹ Bắc, 112 độ 8 phút kinh Đông, cách Hòn Tre (Khánh Hòa) 310 km.
Điều đáng nói là cả hai tàu trên đều đã nhiều lần nhận được thông tin kêu gọi di chuyển vòng tránh bão số 9 của lực lượng chức năng.
Khi nhận được yêu cầu ứng cứu của tàu BĐ 96388-TS, tàu BĐ 98658-TS có 14 lao động đã cơ động đến khu vực tàu bị nạn để tìm kiếm. Tuy nhiên, do thời tiết xấu, có mưa to, sóng biển lớn, gió mạnh, tầm nhìn hạn chế nên chưa tìm thấy 12 lao động của tàu BĐ 96388-TS.
Trong khi đó, thông qua hệ thống Giám sát tàu cá, kíp trực của Chi cục Thủy sản Bình Định nhận thấy có 2 tàu cá BĐ 98685-TS và BĐ 98605-TS đang ở gần vị trí tàu BD 97469-TS bị nạn. Chi cục Thủy sản Bình Định đã liên lạc nhờ 2 tàu cá nói trên hỗ trợ cứu giúp tàu bị nạn nhưng thuyền trưởng cho biết thời tiết rất xấu, gió giật cấp 9 nên không thể hỗ trợ cứu nạn. Đến 5 giờ sáng 28-10, 2 tàu BĐ 98685-TS và BĐ 98605-TS đã di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão.
Công tác tìm kiếm 2 tàu BĐ 96388-TS/12 lao động và BĐ97469-TS/14 đang gặp nhiều khó khăn. Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho biết, hiện, đã điều 2 tàu kiểm ngư tại Khánh Hòa ra biển tìm kiếm. Dự kiến 16 tiếng sau mới tiếp cận được khu vực này. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Dũng, việc tìm kiếm rất khó do thời tiết rất xấu. Dự kiến đến chiều nay khi bão qua khu vực đó, gió giảm sẽ huy động tất cả tàu để tìm kiếm.
Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết thêm, đến 8 giờ sáng 28-10, có thêm 1 tàu cá của Bình Định bị mất liên lạc với đất liền. Cụ thể, lúc 23 giờ 15 phút ngày 27-10, trạm bờ vẫn còn liên lạc được với tàu BĐ98685 TS/4 lao động do ông Lê Văn Tình làm chủ tàu. Sau đó mất liên lạc. Vợ chủ tàu cho biết, lúc 1 giờ sáng 28-10, chủ tàu vẫn liên lạc về nhà qua radio Đà Nẵng và cho biết thiết bị giám sát hành trình bị hỏng. Sau đó, vợ chủ tàu BĐ98685 TS không còn liên lạc được. Trên hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản cũng không thấy tín hiệu của tàu cá BĐ98685 TS.
Bích Nguyên