Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 02/06/2023 06:39 GMT+7

Bão số 9 gây thiệt hại nghiêm trọng, khẩn trương cứu nạn người dân bị sạt lở đất

Biên phòng - Bão số 9 kèm theo gió mạnh và mưa lớn đã gây hậu quả nghiêm trọng cho các địa phương mà nó quét qua. Thống kê ban đầu cho biết, đã có 12 người chết, 47 người mất tích. Điều đáng lo ngại là nước lũ trên các sông miền Trung đang lên lại do mưa lớn gây ngập sâu 1-2m, một số khu vực đã bị sạt lở vùi lấp nhiều người dân. Ngoài ra, một cơn bão mới đang hình thành, dự kiến sẽ vào biển Đông ngày 1-11.

Đại tá Nguyễn Xuân Dũng cho biết, lực lượng cứu hộ đang khẩn trương tìm kiếm người mất tích trên biển và nạn nhân bị đất đá vùi lấp. Ảnh: Bích Nguyên

Hơn 88.000 ngôi nhà bị hư hỏng

Theo thống kê ban đầu, đã có 12 người chết, 47 người vẫn đang mất tích và 28 người bị thương do bão số 9. Mưa bão cũng làm sập 227 nhà, hơn 88.000 ngôi nhà khác bị tốc mái, hư hỏng, nhiều nhất là Quảng Ngãi với hơn 84.000 người. Ngoài ra, có 31 trụ sở, cơ quan bị tốc mái, hư hỏng; 49 điểm trường bị tốc mái, hư hỏng. Hơn 6.600 cây xanh bị gãy, đổ.

Hệ thống giao thông cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mưa lũ. 1 cầu treo tại Kon Tum và 2 cầu tại tỉnh Bình Định bị cốn trôi. Sạt lở gây ách tắc giao thông tại 14 điểm tại Thừa Thiên Huế, 14 điểm trên địa bàn tỉnh Kon Tum, 5 điểm tại Quảng Nam.. Đường Hồ Chí Minh bị sạt lở, chia cắt hoàn toàn tại Km 1353+5 thuộc địa phận huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Đến sáng 29-10, sân bay Chu Lai bị tốc mái, tạm dừng hoạt động đến hết ngày 30-10.

Tại Quảng Ngãi, mưa lớn gây ngập lụt 1-2m tại các khu vực trũng, thấp thuộc 29 phường, xã ở ven các sông Trà Khúc, Vệ, Trà Câu thuộc các huyện và thành phố Quảng Ngãi. Tỉnh đã sơ tán 6.081 nhà/16.829 người khu vực ngập sâu đến nơi an toàn. Kon Tum ngập lụt gây chia cắt 2 thôn/259 hộ/1.225 người tại xã Ngọk Réo, huyện Đắk Hà và một số khu vực trũng thấp.

Gió mạnh của bão số 9 cũng gây thiệt hại nặng nề cho ngành Điện lực. Có 106 cột điện bị gãy đổ. Đường dây trung thế của tỉnh Phú Yên bị đứt. Đến 7 giờ sáng 29-10 còn 718 xã bị mất điện (nhiều nhất tại các tỉnh Quảng Trị 90 xã, Quảng Ngãi 168 xã, Quảng Nam 233 xã). Về tàu thuyền, báo cáo của các địa phương đến sáng 29-10 có 13 tàu cá bị chìm.

Sạt lở vùi lấp 53 người dân

2 vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra tại 2 điểm xã Trà Leng và xã Trà Vân thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, vùi lấp 53 người dân.

Cụ thể, tối ngày 28-10, tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra vụ sạt lở đất vùi lấp 11 hộ dân (49 người), 4 người may mắn thoát nạn, còn 45 người vẫn đang bị đất đá vùi lấp. Vụ việc ở Trà Vân khiến 8 người bị vùi lấp, lực lượng tại chỗ đã tìm thấy 8 thi thể.

Ngoài ra, tại huyện Phước Sơn có 2 cán bộ bị vùi lấp do sạt lở đất.

Ngay trong tối 28-10, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện cho các cơ quan liên quan tập trung khẩn trương cứu hộ, cứu nạn người dân bị vùi lấp.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng) và UBND tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã tổ chức đoàn công tác trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo các lực lượng tìm kiếm cứu nạn người bị mất tích. Tuy nhiên, đường lên hiện trường sự cố ở Trà Leng rất xa và khó đi, nhiều đoạn bị sạt lở. Hiện các lực lượng chức năng đang huy động phương tiện, lực lượng giải phóng đất đá trên các đoạn đường bị sạt lở để thông đường.

Sáng 29-10, Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho biết, Bộ Quốc phòng đã huy động quân khu 4, khu 5, đặc biệt là Binh chủng Công binh phối hợp với các lực lượng thiết lập 2 hướng tiếp cận khu vực bị sạt lở đất để tìm kiếm với mục tiêu ứng cứu nhanh nhất có thể.

Trước tình hình sạt lở đất xảy ra liên tục, gây hậu quả rất nghiêm trọng, ông Dũng đề nghị các tỉnh tập trung rà soát lại toàn bộ khu vực có nguy cơ bị sạt lở để có kế hoạch sơ tán dân. Đối với các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, cần sơ tán dân trước khi có mưa lũ vì sạt lở diễn ra rất nhanh, không dự báo được. Hơn nữa việc cứu hộ các vụ việc sạt lở đất thường rất khó khăn.

“Sạt lở rất phức tạp và xảy ra rất nhanh, chúng ta không biết trước chỗ nào, mà hậu quả khó lường. Dân có khi mấy chục năm ở không sao nhưng bây giờ sạt lở phức tạp, trước đây không có như vậy, bây giờ rừng bị chặt phá, kết cấu của đất bị phá vỡ nên khi mưa xuống sẽ xảy ra sạt lở ở bất cứ chỗ nào” – ông Dũng nói

Tiếp tục thực hiện cứu hộ 2 tàu cá bị chìm

Về việc cứu hộ 2 tàu cá Bình Định (tàu BĐ 96388 TS/12 lao động và BĐ 97469TS/14 lao động) bị chìm ngày 27-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều 2 tàu Hải quân, 2 tàu kiểm ngư từ Cam Ranh ra cứu hộ và 1 thủ phi cơ tham gia tìm kiếm. Tuy nhiên, đến sáng 29-10 chưa phát hiện được 26 lao động của 2 tàu trên.

Một diễn biến khác, lúc 1 giờ sáng ngày 29-10, Sở Chỉ huy phía trước, Quân chủng Hải quân, đặt tại Vùng 4 Hải quân đã nhận được tin báo, biên đội tàu cứu nạn của Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam là Tàu KN473 và Tàu KN467 đã tiếp cận được với Tàu BĐ 98658TS gặp nạn trên biển. Hiện tại tàu và 14 thuyền viên đều đảm bảo an toàn, tình trạng sức khỏe tốt.

Hiện các lực lượng chức năng đang tiếp tục tổ chức tìm kiếm 2 tàu bị chìm. Thượng tá Trần Tuấn Anh, Phòng Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tham mưu BĐBP cho biết, hiện các đơn vị BĐBP đang phối hợp với địa phương rà soát thiệt hại do bão số 9 và huy động các tàu cá của ngư dân tham gia tìm kiếm 2 tàu cá bị chìm trên biển, đồng thời sẵn sàng phương tiện, chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở đất tại huyện Nam Trà My.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO