Biên phòng - Sáng 26-8, trong khi bão số 7 đi vào phía Đông khu vực Biển Đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 100km với tốc độ nhanh, gió giật mạnh cấp 11 thì ngay giữa khu vực Biển Đông xuất hiện một áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hồi 4 giờ sáng nay, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 1309'N-11208'E. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5km.
Đến 4 giờ ngày 27-8, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 1307'N-11105E, cách bờ biển các tỉnh Bình Định - Khánh Hòa khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ cấp 6, giật cấp 8. Vùng nguy hiểm từ vĩ tuyến 11-170 N; phía Tây kinh tuyến 1150E.
Do ảnh hưởng của ATNĐ ở vùng biển phía Đông khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-8.
Hồi 7 giờ ngày 26-8, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 1704'N-11905'E, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 100km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25-30km. Đến 7 giờ ngày 27-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 2007'N-11303'E, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 13. Đến 7 giờ ngày 28-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 2204'N-1080E, trên khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Sáng nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 49 yêu cầu các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền đang hoạt động trên biển để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến, nhất là các khu neo đậu của các đảo. Đồng thời sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.
Về thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 6, theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đến nay đã có 2 người chết. Mưa lũ do hoàn lưu bão số 6 làm 5 nhà bị sập hoàn toàn; 387 nhà bị hư hỏng; hơn 1.800 ha lúa và hoa màu bị hư hỏng; hơn 1.700 con gia súc, gia cầm bị chết; 10 điểm trường bị hư hỏng.
Hệ thống giao thông một số tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cụ thể, tại tỉnh Bắc Cạn, quốc lộ 3C bị sạt lở 15.000 m3 đất đá đoạn từ Km35+00 ÷ Km67+900 và ngập 100m tại vị trí Km41+200; tại Thái Nguyên, sạt lở 200m đoạn đi qua địa bàn xã Yên Đổ, huyện Phú Lương. Ngoài ra, một số tuyến đường tỉnh, liên huyện, liên thôn bị sạt lở với tổng khối lượng 9.952 m3 đất đá (Bắc Cạn: 5.122; Tuyên Quang: 3.450; Hà Giang: 1.380) và sạt lở 820m trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Hiện tại, các tuyến đường cơ bản đã được thông tuyến, riêng đối với các điểm sạt lở tại tỉnh Hà Giang và các tuyến đường thuộc địa bàn huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên việc lưu thông còn khó khăn.
N.B