Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:23 GMT+7

Bão số 3 di chuyển men theo vùng bờ biển các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng

Biên phòng - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Lúc 19 giờ ngày 2-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc-108,4 độ Kinh Đông; ngay phía Đông Móng Cái (Quảng Ninh), cách Hải Phòng khoảng 200km, cách Nam Định khoảng 250km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

ttxvnbaoso3-2
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra khu vực neo đậu tàu thuyền vào tránh trú bão tại Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km, men theo vùng bờ biển các tỉnh Quảng Ninh- Hải Phòng và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7 giờ, ngày 3-8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Hải Phòng-Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, sau đó đổi hướng di chuyển hướng Tây, mỗi giờ đi được 10km và suy yếu dần thành vùng áp thấp trên khu vực đất liền các tỉnh Đồng Bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): Phía Bắc vĩ tuyến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông. Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km, suy yếu và tan dần.

Cảnh báo gió mạnh và sóng lớn trên biển: Ở vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 11. Sóng biển cao từ 2-4m, biển động rất mạnh.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Các tỉnh ven biển từ Thái Bình đến Thanh Hóa gió mạnh dần lên cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 8.

Dự báo, từ nay đến ngày 4-8, ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa 200-400mm). Khu vực Hà Nội từ đêm nay (2-8) có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm). Cấp độ rủi ro thiên tai do bão là cấp 3.

Theo thông tin của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, hiện các lực lượng đã sẵn sàng ứng phó với các tình huống của bão số 3 gây ra.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 3, ngày 2-8, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức Đoàn công tác đi Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Hà Nội để chỉ đạo công tác ứng phó với bão, mưa lũ. Trong đó, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 tại tỉnh Quảng Ninh. 

Ngoài ra, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị tuyến biển phối hợp cùng địa phương kiểm soát, sắp xếp neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản; di dời, đảm bảo an toàn dân cư ở các đảo; các đơn vị vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ chủ động ứng phó mưa lũ, sạt lở đất. Tổ chức 1 đoàn công tác của Bộ Tư lệnh BĐBP do Đại tá Phạm Xuân Diệu, Phó Tham mưu trưởng BĐBP kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bão tại Hải Phòng, Quảng Ninh.

Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; hỗ trợ các địa phương di dời, đảm bảo an toàn dân cư. Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Tài Nguyên Môi trường, Công Thương cử lãnh đạo tham gia các Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo.

Tại địa phương, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban, theo dõi các bản tin bão số 3 và diễn biến thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; BĐBP các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đã thành lập 20 đoàn công tác, điều động 2.175 lượt cán bộ, chiến sĩ/ 252 lượt phương tiện phối hợp, hỗ trợ các địa phương sắp xếp neo đậu tàu thuyền, di dời dân khu vực nguy hiểm và sẵn sàng xử lý tình huống khi có yêu cầu.

Tính đến ngày 2-8, TP Hải Phòng đã kêu gọi 3.344 tàu thuyền vào nơi tránh trú bão, hiện không còn phương tiện hoạt động trên biển; di chuyển 41/465 lồng bè (216/1.290 lao động); sơ tán 288 lao động trên các chòi canh hải sản, 728/7.308 người ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Tại tỉnh Thái Bình, toàn bộ tàu thuyền đã vào khu neo đậu tránh, trú bão (1.279 tàu thuyền/3.643 lao động); di dời 1.395/1.395 người trên 1.308 chòi canh, 1.415/1.524 lao động ở 1.013 đầm nuôi trồng thủy, hải sản; tiến hành tiêu nước đệm tại các hệ thống thủy nông.

Tại tỉnh Nam Định, các đơn vị đã sắp xếp, neo đậu tại bến 100% tàu thuyền của tỉnh (2.137 tàu thuyền/6.039 lao động), 94 tàu thuyền/740 lao động của các ngoại tỉnh; kêu gọi, di dời 1.317 lao động trên 1.024 lều, chòi canh, 221 lồng bè nuôi trồng thủy sản ngoài đê, trên sông vào nơi tránh trú bão; triển khai tiêu rút nước trên tất cả các hệ thống công trình thủy nông (mở các cống tiêu lúc triều thấp, vận hành 34 máy bơm hệ thống Bắc Nam Hà). Tỉnh Ninh Bình hoàn thành 100% việc neo đậu tàu, thuyền trú tránh bão với 127 phương tiện/346 lao động; kêu gọi, di dời toàn bộ 224/224 lao động ở vũng bãi ven biển vào bờ; vận hành 29 máy bơm, 21 cống dưới đê và 4 cống hồ tiêu nước đệm các hệ thống thủy nông.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh BĐBP, các đơn vị đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho toàn bộ tàu thuyền vào nơi trú tránh bão. Về 21 tàu cá/129 lao động của Quảng Bình đang neo đậu tại đảo Hải Nam, Trung Quốc, Bộ Tư lệnh BĐBP đã xác minh nắm được thông tin tàu, thuyền nhưng hiện không liên lạc được.

P.V

Bình luận

ZALO