Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Bảo hiểm tai nạn cho lao động tự do

Biên phòng - Thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2021, cả nước xảy ra hơn 6.500 vụ tai nạn lao động làm hơn 6.600 người gặp nạn. Riêng khu vực không có quan hệ lao động (lao động tự do) có 707 vụ tai nạn lao động làm 748 người bị nạn.

Ảnh minh họa.

Lý giải nguyên nhân tai nạn lao động vẫn đang ở mức báo động, chuyên gia lao động cho biết, từ năm 2020 tới nay, nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải dành nhiều thời gian, tập trung chi phí, nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên thiếu chú trọng đến công tác phòng ngừa, quản lý kiểm soát rủi ro tai nạn và bệnh nghề nghiệp.

Điều này cũng lý giải vì sao thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Quảng Nam... là những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong thời gian qua. Các vụ tai nạn chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực khai khoáng, xây dựng, cơ khí, dệt may, da giày.

Cục An toàn lao động cảnh báo tác động của dịch bệnh, việc khôi phục sản xuất kinh doanh sẽ khiến nguy cơ mất an toàn lao động gia tăng, các địa phương cần dành nhiều nguồn lực hơn cho công tác phòng ngừa tai nạn lao động. Các ngành, doanh nghiệp cần tăng cường các hoạt động để giảm thiểu rủi ro tai nạn lao động, cải thiện điều kiện làm việc và thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19. Đây cũng là chủ đề hướng tới của Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 (1/5 - 31/5).

Hậu quả từ các vụ tai nạn trong năm 2021 là rất lớn, gây tổn thất gần 4.000 tỷ đồng, khiến gần 19.000 người phải chữa trị, điều trị. Tuy nhiên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thừa nhận, một số quy định về mức hỗ trợ trong Luật An toàn, vệ sinh lao động tới người bị tai nạn lao động còn thấp, cần điều chỉnh mức hỗ trợ để người lao động và thân nhân của họ đỡ khó khăn hơn.

Ngoài ra, mặc dù chính sách bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đã đi vào đời sống nhưng cần tiếp tục được hoàn thiện, đặc biệt là về Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thực tế, đang có khoảng trống về thực hiện chính sách bảo hiểm tai nạn lao động với những lao động tự do. Người lao động tự do rất thiệt thòi khi gặp nạn do không được hỗ trợ đầy đủ tiền thuốc men, mai táng, bồi thường cho gia đình người chết, người bị thương...

Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021 - 2025 nêu mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trung bình hằng năm giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người; trung bình hằng năm tăng thêm 5% số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp; 5% số cơ sở được quan trắc môi trường lao động. Đặc biệt, trên 80% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp theo quy định của pháp luật...

Các chuyên gia kiến nghị, mục tiêu trên chỉ đạt được khi Chính phủ sớm ban hành nghị định cho phép người lao động tự do có thể đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như các đối tượng ở khu vực chính thức. Qua đó, người lao động tự do có thể được hưởng các chế độ như người lao động có quan hệ lao động.

Để giữ an toàn cho người lao động trong bối cảnh trần làm thêm đã tăng từ 40 giờ lên 60 giờ mỗi tháng ở tất cả ngành nghề, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường thanh tra, công đoàn cơ sở giám sát chặt để đảm bảo giờ làm thêm, tiền lương, phúc lợi thực hiện đúng quy định.

Giải pháp mang tính căn cơ để giảm thiểu tai nạn lao động là hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn, vệ sinh lao động; tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động; hỗ trợ cải thiện điều kiện lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Các địa phương cần sớm triển khai mô hình các giải pháp kỹ thuật an toàn để phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, trong các ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO