Biên phòng - Từ bao đời nay, nghề rèn thủ công truyền thống của người Mông đã nổi tiếng cả nước bởi độ bền, độ sắc bén của các sản phẩm. Song, dù nghề rèn nổi tiếng là thế, nhưng đầu ra cho sản phẩm truyền thống độc đáo này vẫn dậm chân tại chỗ, khiến nhiều thợ rèn người Mông phải ngậm ngùi bỏ nghề vì không cạnh tranh nổi với các sản phẩm nông cụ được sản xuất bằng máy móc công nghiệp có giá thành rẻ.
Là một trong 5 ông chủ lò rèn nổi tiếng của bản Còn Lao, xã Mường Nhà, tỉnh Điện Biên, nhưng cuộc sống của gia đình anh Thò A Công vẫn phụ thuộc chính vào nương rẫy. Hỏi lý do vì sao tay nghề giỏi như vậy mà không sống được với nghề, anh Thò A Công chia sẻ: Theo tập quán của người Mông, lò rèn của gia đình anh chỉ nổi lửa lúc nông nhàn, mưa gió, hay khi bắt đầu vào mùa vụ. Mục đích của việc "nổi lửa" cũng chỉ để phục vụ nhu cầu của gia đình và bà con trong bản sửa chữa, tu chỉnh nông cụ và đồ gia dụng chứ không sản xuất hàng loạt để bán sẵn. Khách qua đường biết tiếng tìm vào mua, may gặp anh Công thì chờ vài tiếng để anh nổi lửa rèn, không gặp thì về tay không mà lòng tiếc hùi hụi.
Thậm chí, do thiếu vốn mua nguyên liệu tích trữ nên đa phần khách hàng nhà anh Công đều đem nguyên liệu đến đặt hàng rồi trả công bằng tiền, thóc, gạo hoặc đơn giản chỉ là đổi công lao động trên nương. Nếu khách hàng là thanh niên khỏe mạnh, có thể tham gia làm thợ phụ với các thao tác: Kéo bễ, quai búa tạ... để được trừ tiền công thợ. Nếu tôi có tiền để mua nguyên liệu thì sản xuất ra cũng không biết bán ở đâu - anh Công tâm sự.
May mắn hơn anh Thò A Công, lò rèn của gia đình ông Phàn A Chùa, bản Giàng II, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đỏ lửa suốt ngày. Gặp ông tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội) khi được hỏi về nghề rèn của dân tộc mình, dường như chạm đúng đến niềm đam mê của ông, ông hồ hởi khoe: "Mỗi tuần mình mang các sản phẩm nông cụ xuống chợ phiên một lần, hàng xuống đến chợ là bán hết veo, vì sản phẩm của mình chất lượng tốt, dùng đến mòn vẹt mà vẫn sắc. So với nhiều hộ cùng nghề, hộ mình là làm ăn khấm khá nhất, mỗi tháng thu về 5 triệu đồng. Ban đầu thấy mình đem các sản phẩm nông cụ xuống chợ bán, nhiều người cứ cười vì tập quán người Mông không mấy ai đem sản phẩm của mình đi bán mà chỉ có khách tự tìm đến mua mà thôi. Nhưng giờ thấy gia đình mình làm ăn hiệu quả, nhiều người trong bản học làm theo đấy. Song có mỗi cái chợ phiên bé tí, hàng hóa lại nhiều, sản phẩm là thủ công giá thành cao, giá một con dao giao động từ 200 đến 250.000 đồng, trong khi sản phẩm cùng loại sản xuất bằng máy móc, giá chỉ bằng một nửa, mẫu mã lại đẹp, sáng choang nên không phải ai cũng dám bỏ tiền ra mua, dù biết nó tốt thật đấy. Nhiều người ở xã tôi, để có thể sống được với nghề rèn, họ đã chấp nhận mua máy móc về để đúc, mài nhằm hạ giá thành, nhưng cũng vì thế mà những bí quyết nghề rèn truyền thống của người Mông cứ mai một dần. Ước gì, có người bao tiêu hết sản phẩm nông cụ được rèn bằng phương pháp rèn truyền thống của người Mông thì hay biết mấy" - ông Phàn A Chùa bộc bạch.
Chia sẻ về nghề rèn truyền thống của dân tộc mình, anh Thào A Dơ, cán bộ văn hóa của tỉnh Điện Biên cho biết: Các sản phẩm nông cụ được làm ra bằng phương pháp thủ công truyền thống của người Mông đã nổi tiếng khắp cả nước bởi độ bền, chắc và sắc bén. Bất cứ ai đến với Tây Bắc đều mong mỏi mua được một sản phẩm nông cụ, song không phải ai cũng thỏa mãn được ý thích này, hoặc cũng có khi mua nhưng chưa chắc đúng là sản phẩm do thợ rèn người Mông làm ra bằng bàn tay tài hoa của họ.
Để có thể ra lò những sản phẩm tốt, được người dùng ưa thích, các thợ rèn người Mông rất "kén chọn" nguyên liệu. Đó phải là những loại thép, sắt có độ bền cao, khi đưa vào sử dụng không bị giòn và chống gỉ tốt. Vì theo kinh nghiệm truyền thống, khâu chọn sắt, thép rất quan trọng, nếu thanh sắt có độ đàn hồi cao, thì khi tạo thành sản phẩm (dao, liềm, xẻng...) khi sử dụng dễ bị sứt mẻ, gãy. Đối với loại sắt, thép có độ cứng cao, khi tạo thành sản phẩm rất khó mài, đồng thời, độ sắc của lưỡi dao không bén, nên không được ưa dùng.
Vì vậy, để biết được loại sắt, thép mình lựa chọn có đủ tiêu chuẩn hay không, người thợ phải quan sát và thử thực tế bằng cách cắt ra một miếng nhỏ cho vào lò nung đỏ rồi đem tôi vào nước, sau đó dùng búa gõ nhẹ xem độ giòn hoặc dẻo của thanh sắt, thép đó để đánh giá chất liệu sắt, thép có đạt tiêu chuẩn không, lúc đó mới quyết định đưa vào sản xuất. Khi đã chọn đúng loại thép tốt thì công đoạn rèn, đúc cũng cực kỳ quan trọng.
Loại than mà thợ rèn người Mông ưa thích là cây dẻ chua già được đốn khúc dài 1m, phơi nắng trong 2-3 tháng và được đốt trong hố sâu 1m. Khi đã có than, người thợ rèn lại tiếp tục chế tạo ống bễ. Ống bễ thường là cây gỗ có đường kính khoảng 40-50cm, dài 1,8m, thường được làm bằng gỗ pơ mu, có cấu tạo như một cái bơm xe đạp khổng lồ nằm ngang, pít tông là một miếng gỗ tròn như cái thớt được gắn lông gà xung quanh để dễ dàng tịnh tiến trong lòng cây gỗ, có nhiệm vụ bơm khí để than trong lò cháy đều trong suốt quá trình rèn. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các công đoạn và vật liệu để rèn, người ta sẽ tiến hành xây đắp lò.
Lò được xây đắp ngay dưới gầm sàn. Lò được làm bằng đất sét dẻo, cao khoảng 30cm, hình trụ, đường kính khoảng 60cm, mặt lò võng xuống khoảng 15-20cm để cho than vào. Quan trọng nhất trong việc xây đắp lò là phải tạo được lỗ thông hơi tốt từ ống bễ vào mặt lò, lỗ gió thổi phải ở sát đáy mặt lò và lỗ nhỏ vừa ngón tay. Đặc biệt, khâu tôi thép cực kỳ quan trọng, thợ giỏi phải nhìn màu sắc thép để tôi, có loại thì tôi bằng nước pha muối, có loại tôi bằng thân cây chuối hoặc dầu nhớt. Tôi xong thì chọn cán dao phải là cây gỗ già thân dẻo, mọc trên núi cao để tránh gẫy hay mối mọt. Công đoạn cuối cùng là mài dao, trước đây, người Mông thường mài dao bằng đá cuội, nhưng bây giờ dùng máy mài để mài dao, trước khi mài dao phải ngâm trong nước muối 20 phút, phải mài từ ngoài vào trong bằng đá thô đến khi hình thành lưỡi mới bắt đầu mài bằng đá mịn.
Nghề rèn của người Mông độc đáo và tinh xảo là thế, nhưng do tập quán cộng với sự cầu kỳ trong nghề rèn, giá thành lại cao so với các sản phẩm cùng loại nên sản phẩm nông cụ của người Mông chưa thể tìm được chỗ đứng trên thị trường. Chính điều này đã khiến nghề rèn truyền thống của người Mông đang dần bị mai một, có nhiều thợ rèn giỏi đã chuyển sang sử dụng công nghệ đúc, rèn theo phương pháp hiện đại. Một vấn đề nữa là, những bí quyết của nghề rèn, người Mông chỉ truyền lại cho con cháu, không truyền cho người ngoài, nên khi các nghệ nhân không còn, người kế nghiệp không mặn mà với cái nghề cực nhọc này thì việc mai một là điều dễ hiểu.
Vì vậy, việc khôi phục, bảo tồn và đưa nghề rèn truyền thống của người Mông tiếp cận thị trường là một việc làm cần thiết, đòi hỏi có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, ngành văn hóa từ Trung ương đến địa phương và chính cộng đồng người Mông ở Tây Bắc. Có như vậy, nghề rèn mới thực sự được hồi sinh, phát triển và đem lại sự sung túc cho bà con người Mông.
Hương Mai