Biên phòng - Ở nơi cuối trời Cà Mau, cách đây 3 thập kỷ, cứ vào quãng tháng 2 đến tháng 4 âm lịch hằng năm, từng đàn cá đường từ ngoài khơi xa lại rủ nhau kéo về các vùng cửa biển để “họp chợ tình”. Nhằm sẵn sàng đón dịp may trời cho, trước đó mấy tháng trời, ngư dân ở vùng biển này đã chuẩn bị sẵn ghe thuyền, ngư lưới cụ, để rồi những ngày sau đó, hễ thấy gió biển thổi hây hây đưa con nước xanh trong vào bờ, người ta lại thắc thỏm hỏi nhau: “Cá đường đã về tụ hội?”…

“Rẽ nước bắt cá”
Theo các ngư dân cao tuổi ở xứ biển Rạch Gốc (thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), những năm 80 của thế kỷ trước, việc chuẩn bị cho ngày hội cá đường được chuẩn bị rất công phu. Kinh nghiệm hằng trăm năm trước đã đúc kết, muốn đánh bắt được cá đường, phải có bộ lưới được dệt bằng sợi gai, còn gọi là lưới gộc. Thời đó, ngư dân ở vùng biển Cà Mau, hầu như nhà ai cũng rành nghề đan loại lưới đặc biệt này. Để có được những bộ lưới gai đạt tiêu chuẩn, đầu tiên, người ta mua gai về chắp. Chắp xong rồi, các cuộn gai được ngâm nước mặn trong khạp.
Sau công đoạn ngâm xả, các quả gai được đánh sợi và đan thành lưới. Khi những tấm lưới đã hình thành, sản phẩm thô cho vào chảo gang lớn, đổ nước đun sôi đúng một ngày rưỡi, rồi vớt ra, ngâm, xả. Tiếp đến, lưới được phơi khoảng mươi nắng cho trắng ra. Xong công đoạn này, vỏ cây đước được giã nhuyễn để nhuộm lưới. Sau khi hoàn tất việc bắt viền, vô phao làm bằng gỗ cây quao, người ta nhúng lưới vào dầu thắp đun sôi. Thế là hoàn chỉnh một dàn lưới chuyên dùng để quây cá đường…
Ngày xuất hành đi đánh bắt cá đường, sau lễ cúng thần biển, các ngư phủ đồng loạt giong buồm nhằm hướng các bãi bồi thềm biển bằng phẳng, sâu độ một mét nước đã được đánh dấu là nơi loài cá này thường về “họp chợ tình” từ những năm trước. Từ cửa Rạch Gốc, đi mất chừng hai giờ đồng hồ là đến nơi cần đến. Chỉ mới cách “phiên chợ tình” của cá đường mấy trăm mét, các ngư phủ đã nghe tiếng kêu ục ục của những đàn cá dày đặc. Đó là tiếng gọi tình của cá đường mùa giao phối. Chúng quần tụ về đây để sinh sôi nòi giống, quẫy xôn xao một vùng biển.
Không vội vàng, hàng trăm chiếc ghe lớn nhỏ của ngư dân lần lượt quăng lưới dồn đuổi bắt cá. Những con cá đường ú nụ, trắng phau khiến các ngư dân quên cả cơm nước. Từng con cá đường, nhỏ thì cỡ dăm, bảy ký, lớn thì lên đến trên dưới hai yến được họ kéo lên liên tục như kéo những chiếc phao. Những vòng tay đỏ au, rắn chắc ôm sát những con cá mắc lưới, để cho người trên ghe dùng câu bắt giật lên.
“Cá đường nhiều đến nỗi người ta thường nói đùa với nhau là phải “rẽ nước bắt cá”. Mỗi mùa hội kéo dài khoảng 6-7 ngày, thuyền đầy cá thì về. Nhưng cũng có những vụ, ngư phủ phải “tăng bo” vài chuyến vào đất liền vì chở không xuể. Bấy giờ, ở Cà Mau, người ta truyền tụng câu ca nói về cái sự cá đường nhiều vô số kể: Bao giờ hết đước Năm Căn/ Ông Trang hết cá, Viên An hết rừng/ Khai Long hết xác cá đường/ Mũi Cà Mau đó tao nhường cho bay” - Ông Sáu Tuôi, một lão ngư ở ấp Kinh 3, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển kể.
Chỉ còn là cổ tích
Ông Sáu Tuôi còn cho biết, ngày xưa, ở vùng mũi Cà Mau, cá đường không chỉ có vào những “phiên chợ tình” mà những mùa vụ khác, người ta vẫn thấy chúng vào tận các cửa biển. Nhưng nhiều nhất vẫn là vào độ từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch, khi trời êm biển lặng, ngư dân vùng mũi Cà Mau còn gọi là “mùa lòng chung” hay ngày hội cá đường. “Đã hơn 30 năm nay, không thấy cá đường tụ hội ở mũi Cà Mau. Nghề lưới gộc truyền thống chuyên làm loại lưới săn bắt loại cá đã gắn bó với ngư dân ở đây đã bao đời bây giờ cũng không còn nữa. Có lẽ, ngày hội cá đường chỉ còn trong cổ tích…” - Thốt ra những lời ấy, trên ánh mắt lão ngư Sáu Tuôi thấp thoáng nỗi buồn.
Theo ông Sáu Tuôi, quãng những năm 80 của thế kỷ trước, cứ mỗi mùa tụ hội, cá đường từ tít tắp mù khơi kéo về vô số kể. Gia đình ông thường bắt được hàng nghìn con, mỗi con nặng từ 10-15 ký, có con chỉ buồng trứng cũng trên nửa ký. Cá đường có màu vàng, thân hình thuôn dài, có kỳ vi cũng như nhiều loại cá khác, vảy tròn nhỏ cỡ đồng xu, mỏng manh như lá lúa. Thịt cá đường làm khô mặn, đặc biệt bong bóng rất đắt tiền. Bắt cá lên còn sống, mổ lấy bong bóng, cạo sạch lớp mỡ bọc, xẻ đôi, lột bỏ các gân máu, rửa bằng nước sạch cho đạt độ trong, sau đó đặt lên tấm phản, căng phơi chừng mươi nắng. Bong bóng thành phẩm có màu trắng ngà, giá trị mua bán có thể tính bằng vàng.
Thời gian từ năm 1990-2000, bong bóng cá đường loại hảo hạng, dài 4-6 tấc, cỡ 3 cái/kg có giá 2-3 cây vàng/kg, ngoài việc chế ra các loại thuốc quý, nghe nói chế biến đúng cách thì ăn rất bổ, lại có chức năng hồi dương. “Chả thế, cứ mỗi mùa hội cá đường, các đầu nậu ở TP Hồ Chí Minh tranh nhau tìm về Đất Mũi đặt cọc, thu mua, đem về bán cho các nhà hàng Tàu ở chợ Lớn. Nghe nói, họ còn bán qua Hồng Công, Đài Loan (Trung Quốc); Thái Lan với giá đắt gấp nhiều lần so với giá thu mua của ngư dân. Nhưng giờ, dù có tiền, nhà giàu cũng không thể tìm đâu ra bong bóng cá đường…” - Ông Sáu Tuôi hồi tưởng.
Cũng như ông Sáu Tuôi, các ngư dân già ở xứ biển Cà Mau trong câu chuyện về hội cá đường thường nhắc đến những bạn đồng nghề một thời vắng bóng với chất giọng đầy tự hào về một thời trai trẻ sung mãn, làm cho làng biển Rạch Gốc vang danh bởi tuyệt kỹ nghề chế biến khô bong bóng cá đường - thứ đặc sản đã được liệt vào hàng cao lương mĩ vị. Dân xóm biển Cà Mau bây giờ ở đầu mâm, cuối tiệc hay trong quán cà phê đều râm ran chuyện làm giàu bằng vuông tôm hay đầu cơ đất ngoài mặt lộ, nhưng hồi ức của lớp ngư dân cao tuổi như ông Sáu Tuôi, ngày hội cá đường vẫn còn đau đáu. Thế nhưng, cá đường đã “một đi không trở lại”.
Những năm 1990 trở đi, kỹ thuật đánh bắt tối tân, máy móc ầm ĩ, bị động ổ nên cá đường hội thất thường. Thêm vào đó, do bong bóng cá đường ngày càng đắt giá nên ai nấy cứ tranh nhau đánh bắt bừa bãi, mổ bụng lấy bong bóng, bỏ xác cá nổi trắng một vùng. Có lẽ do quá sợ sự tàn sát của con người nên cá đường rủ nhau đi tìm vùng biển mới. Đã mấy chục năm nay, không khí cả làng, cả xóm chộn rộn chuẩn bị chờ ngày hội cá đường không còn nữa.
Ở vùng mũi Cà Mau bây giờ, người ta không thể tìm thấy tăm hơn con cá đường, dù chỉ bằng ngón tay cái. Con cá đường là của quý mà biển cả đã ban tặng xứ sở này nhưng con người đã tự hủy diệt nó. Việc tận diệt cá đường cùng với nghề cào cạn càn quét thềm biển tự nhiên vùng đất Mũi, đã làm cho cá đường bỏ đi, không về chốn cũ. Bao giờ cá đường trở lại là câu hỏi không biết đến bao giờ mới có lời giải.
Long Nguyễn