Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 23/03/2023 07:55 GMT+7

Báo động tình trạng bồi lắng ở cảng cá Lạch Bạng

Biên phòng - Nhiều tháng qua, hàng trăm tàu thuyền neo đậu tại cảng Lạch Bạng (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) không thể ra khơi, phải nằm bờ do luồng lạch ra cửa biển bị bồi lắng nghiêm trọng, khiến hàng ngàn ngư dân mất việc làm.

5ad6fcfd7a76dfb2db000dc2
Hàng trăm tàu thuyền tại cảng Lạch Bạng, huyện Tĩnh Gia phải nằm bờ vì cảng biển bị bồi lấp, không thể ra khơi. Ảnh: Sông Mã

Tàu nằm bờ, dân mất kế sinh nhai

Cảng neo đậu tàu thuyền Lạch Bạng nằm trên địa bàn xã Hải Bình và Hải Thanh (huyện Tĩnh Gia) là một cảng biển lớn, quan trọng của tỉnh Thanh Hóa. Mỗi ngày có hàng trăm tàu thuyền qua lại cửa lạch để đổ hàng, tiếp nhiên liệu và ra khơi đánh cá. Không những thế, đây còn là nơi trú ẩn của hàng trăm tàu thuyền của ngư dân vào mùa mưa bão. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 năm trở lại đây, cảng biển này đang bị bồi lắng nghiêm trọng, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào. Đặc biệt, từ sau Tết Nguyên đán năm 2018 đến nay, khi thủy triều xuống thấp luồng lạch bị bồi lắng khiến hàng trăm tàu thuyền của ngư dân không thể ra khơi, phải nằm bờ nhiều tháng.

Ghi nhận thực tế tại xã Hải Bình, chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng trăm con tàu có công suất lớn đang nằm phơi mình dọc hai bên bờ. Có rất nhiều chiếc tàu bị hư hỏng, mục nát do nằm phơi nắng trên bờ lâu ngày hoặc trong quá trình vào cảng bị va phải đá ngầm.

Theo nhiều ngư dân, việc cửa Lạch Bạng bị bồi lắng khiến mọi người rất lo lắng vì mỗi con tàu ra khơi phải đầu tư nhiều tỉ đồng, thậm chí hàng chục tỉ mà giờ nằm “phơi xác” trên bờ, không có công ăn việc làm, nợ ngân hàng không trả được nên khó khăn chồng chất khó khăn. “Cảng biển bị bồi lắng khiến việc ra khơi bấp bênh, chúng tôi còn phải đối mặt với tình trạng bão lũ tàu thuyền phải tới nơi khác để tránh trú bão. Khi tàu hư hỏng, muốn đánh vào trong cảng để sửa chữa cũng không thể vào được. Chúng tôi cũng nghe nói có dự án nạo vét mà nhiều năm nay vẫn chưa thấy thực hiện” - Ông Nguyễn Văn Đồng, trú tại thôn Liên Thịnh, xã Hải Bình cho hay.

Theo báo cáo, hiện, xã Hải Bình và Hải Thanh có hơn 750 tàu thuyền lớn nhỏ thu mua và đánh bắt hải sản, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 3.000 lao động (vừa đánh bắt và chế biến). Nhưng nhiều tháng qua, nước sông Bạng xuống ở mức thấp, cộng với thủy triều rút sâu nên có khoảng 250 tàu thuyền neo đậu bị mắc cạn không thể ra khơi được, kéo theo đó là hàng nghìn lao động không có việc làm, gây tổn thất rất lớn về kinh tế cho địa phương.

Cảng biển bồi lắng còn khiến cho ngành chế biến hải sản tại địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì nhiều tàu cá không vào được cảng để nhập nguyên liệu nên một số cơ sở chế biến hải sản không có hàng thường xuyên phải sản xuất cầm chừng, thậm chí có cơ sở phải đóng cửa. “Luồng lạch và cảng bị bồi lắng khiến nhiều đối tác cung cấp hàng cho chúng tôi ngại vào cảng, do sợ bị đụng đáy va phải đá gây hư hỏng tàu nên chúng tôi phải thuê các tàu nhỏ chạy ra chở vào khiến cho chi phí đội lên rất cao. Đã có nhiều tàu hủy hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho chúng tôi nên công ty rất khan hiếm hàng để sản xuất, đời sống công nhân cũng bị ảnh hưởng” - Anh Nguyễn Anh Tiến, chủ một cơ sở chế biến hải sản đóng tại xã Hải Bình nói.

Nhanh chóng đưa ra phương án nạo vét

Trước tình trạng trên, một số công ty chế biến hải sản và ngư dân đã nhiều lần có đơn gửi UBND huyện Tĩnh Gia và tỉnh Thanh Hóa kiến nghị tìm giải pháp để khơi thông luồng lạch, giúp người dân và các cơ sở chế biến hải sản yên tâm đầu tư tàu thuyền để vươn khơi bám biển, vừa sản xuất, đánh bắt, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên, hiện, những kiến nghị trên vẫn chưa được thực hiện.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Chi, Chủ tịch UBND xã Hải Bình cho biết: “Năm 2015, Cục Đường thủy nội địa (Bộ Giao thông Vận tải) đã giao cho Công ty Vĩnh Phúc thực hiện nạo vét luồng lạch ở cửa Lạch Bạng theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, thời gian nạo vét của đơn vị này ngắn nên chẳng bao lâu cảng đã bồi lắng trở lại”. Cũng theo ông Chi, do luồng lạch bị cạn nên từ năm 2013 đến nay, có rất nhiều tàu bị chìm, đắm, hư hỏng chân vịt gây thiệt hại cho ngư dân nhiều tỉ đồng.

Theo một lãnh đạo UBND huyện Tĩnh Gia, dự án nạo vét cảng Lạch Bạng nằm trong dự án nạo vét chung của Khu kinh tế Nghi Sơn. Năm 2017, trong cuộc tiếp xúc cử tri, người dân tại đây cũng có phản ánh việc này, sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất phương án nổ mìn phá đá ngầm ngoài cửa biển để tàu thuyền ra vào dễ dàng, nhưng chưa rõ vì sao vẫn chưa thực hiện. Cảng này hiện thuộc sự quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.

Trước tình trạng trên, mới đây ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã cùng đoàn đi kiểm tra việc bồi lắng luồng ra vào cảng cá Lạch Bạng để tìm giải pháp khắc phục, nhanh chóng giúp tàu thuyền ra khơi để người dân yên tâm lao động, sản xuất.

Qua kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Đức Quyền cho rằng, tình trạng cảng, luồng lạch cho tàu thuyền vào cảng Lạch Bạng bị bồi lắng đã ảnh hưởng đến việc phát triển ngành thủy sản của địa phương nên phải nhanh chóng có phương án nạo vét. Ông Quyền giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các ban ngành tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét xử lý khẩn cấp, để tàu thuyền của ngư dân thuận tiện ra vào trước mùa mưa bão.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu, trước mắt phải nhanh chóng lập dự án nạo vét khẩn cấp cửa Lạch Bạng cho tàu thuyền ra vào dễ dàng, giúp ngư dân sớm ra khơi đánh bắt được thuận tiện, đồng thời, có các phương án bảo vệ môi trường ở khu vực cảng cá Lạch Bạng.

Sông Mã

Bình luận

ZALO