Biên phòng - Tuần qua, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Vấn đề được nhiều ĐBQH cho ý kiến là các dự thảo luật cần phù hợp, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia cũng như quy định của Luật Quốc phòng, Luật Biên phòng Việt Nam về chức năng, nhiệm vụ của BĐBP trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, kiểm soát xuất, nhập cảnh tại khu vực cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý.
Cơ bản nhất trí với các nội dung dự thảo luật, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) đã đóng góp một số ý kiến để hoàn thiện dự án luật. Theo đó, tại Điều 33 của dự án luật, đại biểu Hoàng Hữu Chiến đề nghị bổ sung thẩm quyền của BĐBP trong tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài tạm trú ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
Đồng thời, đại biểu Hoàng Hữu Chiến đề nghị bổ sung thẩm quyền của BĐBP trong giải quyết các trường hợp có dấu hiệu vi phạm về tạm trú của người nước ngoài ở khu vực biên giới, cửa khẩu vào Điều 45a của dự luật. Đại biểu Hoàng Hữu Chiến cho rằng, báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp có nêu, BĐBP cũng là đơn vị có thẩm quyền trong việc kiểm soát tạm trú của người nước ngoài ở khu vực biên giới, do đó, đề nghị làm rõ để bảo đảm tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Báo cáo giải trình của cơ quan soạn thảo cho biết, lực lượng Công an sau khi tiếp nhận thông tin tạm trú sẽ thông báo cho lực lượng BĐBP ở khu vực biên giới. Theo đại biểu Hoàng Hữu Chiến, giải trình và quy định như dự thảo sẽ phát sinh những bất cập, xung đột pháp luật trong tổ chức thực hiện pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu, nhất là với các hiệp định quản lý biên giới, quy chế quản lý khu vực biên giới, cửa khẩu.
Đối với Điều 45a của dự luật, đại biểu Hoàng Hữu Chiến dẫn chứng các quy định của các hiệp định về quy chế quản lý biên giới, đang giao quyền hạn cho lực lượng BĐBP phòng ngừa, đấu tranh với những hành vi vi phạm quy chế biên giới theo hiệp định, cấp phép qua lại cho cư dân biên giới, giải quyết, xử lý vi phạm về cư trú bất hợp pháp ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến dẫn nội dung của Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam đều quy định lực lượng Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới, là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật...
Do đó, đại biểu Hoàng Hữu Chiến đề nghị Ban soạn thảo, các cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát các quy định của điều ước quốc tế, pháp luật trong nước để quy định cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các lực lượng, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, người nước ngoài ra, vào, hoạt động ở khu vực biên giới và cửa khẩu.
Bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu Hoàng Hữu Chiến về khai báo tạm trú và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan, ĐBQH Vương Thị Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) cho rằng, quy định như dự thảo luật tức là chỉ có Công an cấp xã mới có thẩm quyền tiếp nhận khai báo tạm trú, tiếp nhận các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cư trú bất hợp pháp của người nước ngoài.
Đại biểu Vương Thị Hương đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của lực lượng BĐBP trong khai báo tạm trú quy định tại khoản 5, Điều 2 của dự thảo luật và trách nhiệm trong việc phát hiện dấu hiệu vi phạm của người nước ngoài quy định tại khoản 8, Điều 2 của dự thảo nhằm bảo đảm tính tương thích với hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới, phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tránh tình trạng sửa luật này xong lại phải sửa đổi nhiều luật khác.
Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) dẫn chứng theo các điều ước quốc tế về quản lý biên giới, cửa khẩu do Việt Nam ký kết với các nước có chung đường biên giới và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia đều quy định, người nước ngoài xuất, nhập cảnh vào khu vực biên giới, cửa khẩu, kể cả cư dân biên giới nước đối diện hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả doanh nghiệp sử dụng lao động đối tác phía Việt Nam hoặc đại diện của tổ chức phi chính phủ nước ngoài, cơ sở lưu trú đưa người nước ngoài vào khu vực biên giới, cửa khẩu, nếu ở qua đêm, đăng ký tạm trú, lưu trú đều phải thông báo và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của BĐBP nơi gần nhất.
Vì vậy, đại biểu này đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của BĐBP tại dự thảo luật; sửa đổi, bổ sung Điều 33 về khai báo tạm trú và trách nhiệm của BĐBP ở khu vực biên giới, hải đảo có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
“Thực tiễn hiện nay, trên tuyến biên giới Việt Nam có 433 đồn Biên phòng và đây là nguồn lực rất lớn trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, hải đảo. Trong thời gian qua, BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an cấp xã, huyện khu vực biên giới trong công tác quản lý người nước ngoài rất hiệu quả, lực lượng BĐBP cũng có trách nhiệm trong quản lý hoạt động cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam...”. ĐBQH Vương Thị Hương khẳng định.
Thu Minh