Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 04/10/2023 06:16 GMT+7

Bảo đảm thời gian, chất lượng tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính

Biên phòng - Ngày 20-7, tại Hà Nội, Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh BĐBP chủ trì buổi họp Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan đến thẩm quyền của BĐBP (sau đây gọi tắt là các Nghị định).

Thiếu tướng Lê Văn Phúc phát biểu tại buổi họp. Ảnh: Trọng Thành

Tại buổi họp, Đại tá Bùi Văn Lua, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đã công bố quyết định thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung các Nghị định. Theo đó, Ban chỉ đạo được thành lập gồm 5 thành viên, do Thiếu tướng Lê Văn Phúc làm Trưởng Ban; Tổ giúp việc được thành lập gồm 7 thành viên.

Các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc đã tham gia đóng góp ý kiến, thống nhất một số nội dung, cách thức thực hiện nhằm bảo đảm thời gian, tiến độ được giao; bảo đảm chất lượng, hiệu quả các ý kiến tham gia sửa đổi, bổ sung các Nghị định.

Phát biểu tại buổi họp, Thiếu tướng Lê Văn Phúc cho biết, ngày 13-11-2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Trong đó có khoảng 50 Nghị định được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Vậy nên, việc thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung các Nghị định là hết sức cần thiết.

Thời gian tới, Thiếu tướng Lê Văn Phúc yêu cầu, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP chuẩn bị chu đáo nội dung, tài liệu tại các phiên họp tiếp theo của Ban chỉ đạo. Các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc nêu cao tinh thần trách nhiệm tham gia, đóng góp ý kiến có chất lượng vào dự thảo các Nghị định; tập trung vào chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực mà cơ quan, đơn vị quản lý, phụ trách khi Cơ quan thường trực xin ý kiến; ứng dụng công nghệ thông tin, phương pháp làm việc nhóm, tập trung thảo luận, nghiên cứu theo nhóm các vấn đề, bảo đảm về thời gian hoàn thành và chất lượng văn bản tham gia ý kiến.

Đồng thời, các ý kiến tham gia cần thể hiện rõ chức năng của BĐBP quy định trong Luật Biên phòng Việt Nam 2020 là “chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”.

Trọng Thành

Bình luận

ZALO