Biên phòng - Ngày 3-3-1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg về việc: Thống nhất các đơn vị bộ đội quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vu trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP). 60 năm qua, BĐBP không ngừng lớn mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP luôn được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chăm lo xây dựng, giáo dục, rèn luyện. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP tuyệt đối trung thành với Đảng, tận tụy với nhân dân, mưu trí, dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Trong những năm qua, BĐBP đã tiếp tục phát huy truyền thống của lực lượng 2 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. BĐBP luôn quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, làm tốt vai trò tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; các chủ trương, đối sách sát, đúng kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan đến biên giới, vùng biển, góp phần tăng cường công tác đối ngoại biên phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, tạo môi trường ổn định lâu dài để phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
BĐBP đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp thiết thực, hiệu quả để xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng khu vực biên giới, khu vực phòng thủ biên giới, phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới.
Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của BĐBP bên cạnh những thuận lợi cơ bản, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội; tình hình trên các tuyến biên giới, nhất là biển, đảo vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, khó lường. Để xây dựng BĐBP vững mạnh toàn diện làm nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, cần thực hiện tốt một số nội dung định hướng cơ bản sau:
Một là, tiếp tục ổn định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng BĐBP. Trước hết, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị, Nghị quyết, kết luận, kế hoạch thực hiện của cấp trên gắn với tình hình thực tiễn đơn vị. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, trong đó xác định “BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, quản lý, bảo vệ biên giới quốc trong tình hình mới”. Bảo đảm cho BĐBP thực hiện tốt ba chức năng quản lý Nhà nước về an ninh, quốc phòng, đối ngoại ở khu vực biên giới.
Hệ thống tổ chức BĐBP phải nằm trong tổng thể tổ chức quân đội, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất, thông suốt, nhanh chóng và có hiệu lực trong công tác biên phòng và xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.
Giữ ổn định lâu dài hệ thống tổ chức và chức năng, nhiệm vụ BĐBP như Nghị quyết số 11/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa VII) đã xác định. Xây dựng quy hoạch tổ chức biên chế BĐBP tinh gọn, quân số hợp lý, nâng cao năng lực về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong giai đoạn mới.
Hai là, xây dựng lực lượng BĐBP vững mạnh về mọi mặt. Trước hết, cần tập trung xây dựng BĐBP vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức là nhiệm vụ hàng đầu, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải thường xuyên được giáo dục, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tình hình nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị gắn với quản lý, định hướng tư tưởng, chủ động đấu tranh với những quan điểm, nhận thức sai trái, không để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với BĐBP, giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, với nhân dân. Tăng cường giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP về chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới nói riêng.
Thường xuyên bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, giản dị, nâng cao lòng yêu nước, ý chí quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật cao cho cán bộ, chiến sĩ. Luôn củng cố và tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, xây dựng tình cảm gắn bó với đồng bào các dân tộc, bồi dưỡng khả năng vận động, tuyên truyền giác ngộ quần chúng để thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền biên phòng toàn dân.
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Trước hết, cần bảo đảm chặt chẽ khâu tuyển chọn con người để xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Biên phòng theo hướng bảo đảm tin cậy về chính trị. Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng phải được huấn luyện, đào tạo chu đáo, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ quân sự và nghiệp vụ về công tác biên phòng tốt, nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ Biên phòng, chống tiêu cực trong quá trình đào tạo, sử dụng cán bộ. Đẩy mạnh công tác tuyển chọn con em đồng bào dân tộc thiểu số và người nơi khác đến định cư ở khu vực biên giới, hải đảo để đào tạo, phục vụ trong BĐBP. Cần nâng tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong cơ cấu đội ngũ sĩ quan, nhất là quân nhân chuyên nghiệp ở các đồn Biên phòng.
Đối với đội ngũ cán bộ, cần chú trọng đào tạo kiến thức toàn diện và tiếng dân tộc, biết ngoại ngữ, nắm chắc phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc, nắm vững chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo vệ biên giới. Tiếp tục đề xuất với Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách thu hút, đãi ngộ đối với cán bộ, chiến sĩ hoạt động, công tác ở vùng sâu, vùng xa. Riêng đối với các đơn vị Biên phòng, cần quan tâm ưu tiên bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ biên phòng ở các đồn, trạm và chính sách hậu phương quân đội với cán bộ.
Bốn là, tiếp tục tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trang bị, kiện toàn tổ chức, biên chế, thực hiện có hiệu quả Đề án “Tổ chức lực lượng BĐBP” giai đoạn 2017-2021 và những năm tiếp theo, Đề án “Quy hoạch đồn, trạm Biên phòng đến năm và những năm tiếp theo”... Cần tăng cường trang bị, vũ khí, khí tài chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, phương tiện vận tải, tuần tra, kiểm soát, vận chuyển, cơ động lực lượng trên bộ, trên biển, phương tiện thông tin liên lạc để chỉ huy, chỉ đạo tác chiến và xử lý các tình huống đột xuất, phương tiện trinh sát thám không và tác chiến điện tử, quản lý, kiểm soát cửa khẩu và công cụ hỗ trợ cho nhiệm vụ trấn áp các loại tội phạm, nhất là đối tượng gây rối, bạo loạn và tội phạm hình sự nguy hiểm... Đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật phù hợp với chiến lược trang bị của BĐBP trong tình hình mới.
Thượng tướng, Viện sĩ, TS Nguyễn Huy Hiệu - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng