Biên phòng - Nằm trong khu vực Biển Đông, biển Việt Nam giàu, đẹp và có vị thế địa chính trị đặc biệt quan trọng; cung cấp tiềm năng to lớn và tạo tiền đề cho nước ta phát triển kinh tế biển bền vững. Vì thế, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng vai trò đặc biệt quan trọng của kinh tế biển (KTB) trong chiến lược phát triển và bảo vệ các quyền và lợi ích biển, đảo của đất nước.
Điều này được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 09/2007/NQ-TW ngày 9-2-2007 về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 và tiếp tục được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ngày 22-10-2018 về “Chiến lược Phát triển bền vững KTB Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nghị quyết số 36 thể hiện rõ quan điểm bảo đảm chủ quyền, an ninh và phát triển bền vững KTB là hai mặt của một vấn đề và không tách rời. Về mặt lịch sử, biển gắn bó mật thiết và có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, bảo vệ môi trường ở nước ta. Việt Nam có lợi thế “mặt tiền hướng biển”, thuận lợi trong giao thương với thế giới nhưng cũng “xung yếu” về mặt quốc phòng-an ninh. Cho nên, chủ trương gắn phát triển KTB với bảo đảm an ninh, chủ quyền biển, đảo là hết sức đúng đắn, mang tính nhất quán trong tư tưởng chỉ đạo của Đảng: Xây dựng đi đôi với bảo vệ Tổ quốc và mang tính thực tiễn trong bối cảnh quốc tế, khu vực ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp.
Biển tạo ra “thế và lực” trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, cho nên việc xây dựng thế trận “kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh” trên biển và vùng ven biển phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Đó chính là việc bố trí các lực lượng, các cơ sở vật chất – kỹ thuật của các ngành KTB, của quốc phòng – an ninh trên biển và ven biển theo ý định, quy hoạch và kế hoạch thống nhất, dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất trong phạm vi cả nước, từng vùng, từng địa phương.
Mục đích chung là tạo thuận lợi, hỗ trợ lẫn nhau giữa phát triển KTB nhanh và bền vững với tăng cường sức mạnh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, chống lại mọi âm mưu và hành động xâm phạm chủ quyền và an ninh quốc gia trên biển đảo và vùng ven biển; bảo đảm hòa bình để phát triển KTB và là cơ sở để khi cần chuyển sang thế trận chiến tranh nhân dân trên biển.
Quan điểm của Đảng trong Nghị quyết 36 về Chiến lược Phát triển KTB Việt Nam đến năm 2030 là: “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, an ninh và an toàn; phát triển bền vững KTB gắn liền với bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ... và trên nền tảng của tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển...”.
Như vậy, nhiệm vụ chính trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các khu quốc phòng - kinh tế, kinh tế - quốc phòng trên biển, đảo và vùng ven biển làm cơ sở kết nối quân - dân, dân - quân trong việc thực hiện các hoạt động dịch vụ KTB. Tăng cường phối hợp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của quốc phòng - an ninh để nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo theo yêu cầu phát triển bền vững KTB nói trên. Nâng cao năng lực và ứng phó kịp thời với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trong đó có biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương, an ninh môi trường biển xuyên biên giới liên quan đến việc xây đảo nhân tạo trên diện rộng phá hủy môi trường phát triển bền vững ở Trường Sa và phần còn lại của Biển Đông...
Phát huy lợi thế của vùng ven biển, tạo động lực lan tỏa hỗ trợ phát triển kinh tế nội địa, làm “bàn đạp” cho phát triển một nền KTB hiệu quả và bền vững, gắn với bảo đảm chủ quyền vùng biển quốc gia được xác định là một trong những hướng ưu tiên có tính đột phá chiến lược để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển.
Xây dựng “chuỗi đô thị ven biển” và “chuỗi đô thị đảo” để tổ chức lại không gian KTB, đảo, vùng ven biển thành một “mạng lưới các cực phát triển” kinh tế mạnh và căn cứ hậu cần vững chắc cho các hoạt động trên vùng biển xa. Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng đa dụng và điều kiện sống thiết yếu để người dân yên tâm “bám biển, bám đảo”, sản xuất hiệu quả và bền vững trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Phát triển bền vững KTB theo đúng nghĩa của nó, ngoài chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế còn phải giải quyết cho được các vấn đề xã hội bức xúc của “người lao động biển” nói chung và lao động nghề cá nói riêng, cũng như bảo vệ môi trường, sinh thái và nguồn lợi biển; tạo điều kiện thuận lợi lâu dài bảo đảm cho quốc phòng - an ninh trên biển, đảo và vùng ven biển. Phát triển KTB bền vững sẽ khẳng định được vị thế và tính đan xen giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài theo một ý nghĩa đầy đủ của nó.
Lực lượng lao động trên biển, đặc biệt là ngư dân trở thành lực lượng chủ yếu trong thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên biển, góp phần “dân sự hóa” các hoạt động của Việt Nam trên biển, gắn với bảo vệ an ninh, các quyền và lợi ích của nước ta trên Biển Đông.
Tuy nhiên, người lao động trên biển luôn sống và làm việc trong môi trường khắc nghiệt và đầy rủi ro, luôn chịu tác động của thiên tai và nhân tai, nên Nhà nước và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, trong đó, gần dân nhất là lực lượng Biên phòng phải có trách nhiệm bảo đảm an sinh cho họ trước các rủi ro trên biển.
Để phát triển bền vững KTB gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng biển trong tình hình mới, còn phải tiến hành phân vùng chức năng biển dựa trên hệ sinh thái và quy hoạch không gian biển phục vụ quản lý khai thác, sử dụng biển, đảo bền vững. Trên cơ sở đó, xác định rõ những khu kinh tế - quốc phòng và quốc phòng - kinh tế biển, đảo và vùng ven biển... Ngoài ra, lực lượng BĐBP cần tăng cường hỗ trợ hơn nữa đối với chính quyền các huyện đảo, xã đảo trong phát triển bền vững KTB, bảo đảm an ninh trật tự, kết hợp bố trí dân cư và tổ chức lực lượng bảo vệ “chủ quyền dân sự” đối với các vùng biên giới biển, đảo.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi