Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 24/03/2023 06:37 GMT+7

Báo chí sát cánh cùng doanh nghiệp để hội nhập thành công

Biên phòng - Chiều 16-3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2019, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn “Báo chí - Cầu nối doanh nghiệp và Chính phủ” với chủ đề “Báo chí, doanh nghiệp trong kỷ nguyên CPTPP”.

s985y3dlg2-12156_f_jtbn64j90_1
Tiến sỹ Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Thanh Thuận

Diễn đàn tập trung thảo luận những thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên CPTPP - Sự đồng hành của báo chí; thảo luận những đóng góp của báo chí trong vai trò là cầu nối doanh nghiệp với Chính phủ; nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực cho công tác này trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, tiến sỹ Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, đồng hành cùng đất nước, cùng Chính phủ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vấn đề phát triển doanh nghiệp luôn được Đảng và Nhà nước ta dành sự quan tâm đặc biệt và là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước. Đặc biệt, trong quá trình hội nhập quốc tế, nhất là từ khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), báo chí càng có vai trò to lớn trong việc sát cánh cùng doanh nghiệp vượt qua các rào cản để hội nhập thành công.

Thời gian qua, báo chí đã có nhiều hoạt động thiết thực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khẳng định mối quan hệ hai chiều, gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau và cũng khẳng định vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ. Doanh nghiệp cần có báo chí, truyền thông để có thông tin phục vụ sản xuất kinh doanh và để thông tin, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của mình, để động viên, khích lệ những thành quả lao động sáng tạo của doanh nghiệp và người lao động.

Báo chí coi doanh nghiệp, doanh nhân là nguồn đề tài phong phú, đa dạng, là nguồn cảm hứng để sáng tạo tác phẩm báo chí. Hàng loạt sự kiện chính trị-xã hội lớn do báo chí tổ chức, nhất là những cuộc vận động xã hội, vì mục tiêu hỗ trợ cộng đồng, chung tay xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai hay chung tay bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc,…đều có sự hỗ trợ có hiệu quả, đồng hành mạnh mẽ của các doanh nghiệp, doanh nhân. Giới báo chí trân trọng và đánh giá cao sự ủng hộ to lớn của các doanh nghiệp, doanh nhân,...

Tiến sỹ Mai Đức Lộc khẳng định, với vai trò cầu nối, báo chí vừa tuyên truyền phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước tới người dân, trong tuyên truyền phát triển kinh tế, báo chí vừa phát hiện, biểu dương những doanh nghiệp có những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt, những doanh nhân nỗ lực vượt qua khó khăn để cống hiến cho cộng đồng, cho đất nước... Đồng thời, đấu tranh phê phán những hoạt động sản xuất kinh doanh không lành mạnh, vi phạm pháp luật, huỷ hoại môi trường...

Bên cạnh đó, báo chí cũng đã chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp, phản biện những chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp và phản biện những cách làm của chính các doanh nghiệp, vì sự phát triển và lợi ích chung của đất nước.

Đồng thời, báo chí và cộng đồng doanh nhân cùng tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách của Chính phủ, đặc biệt trong việc cải cách thủ tục hành chính. Báo chí còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cho doanh nghiệp, cầu nối để doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là trong việc tham gia CPTPP.

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, CPTPP mang lại hiệu ích rất to lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, mở ra cơ hội kinh doanh… Vì vậy, báo chí nên tìm hiểu kỹ các nội dung trong hiệp định này, các xu hướng mới về thương mại đầu tư, dịch chuyển về công nghệ cao… để có thể truyền tải một cách cụ thể, chính xác đến công chúng, doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cận với CPTPP hơn.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong kỷ nguyên CPTPP cần có một cách nghĩ rõ ràng về sự hỗ trợ của Chính phủ với doanh nghiệp để tránh những méo mó trong cách hiểu về hỗ trợ. Hỗ trợ ở đây là tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội phát triển tốt hơn, có môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh tự do, không bị trói buộc, chèn ép...

Còn vai trò của báo chí, ông Thiên cho rằng quan trọng nhất là tạo ra môi trường thông tin minh bạch, tránh thông tin bị bóp méo. Báo chí cần tiếp cận nêu yêu cầu để Chính phủ giải quyết. Doanh nghiệp phải gây áp lực, yêu cầu Chính phủ, chứ không phải cầu cạnh.

4m032ncz89-12156_f_jtbn67d71_2
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Thanh Thuận

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu lên ý kiến báo chí phải luôn đồng hành cùng doanh nghiệp mọi nơi, mọi lúc, phản ánh đầy đủ, toàn diện về các vấn đề của doanh nghiệp. 

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho rằng, để các doanh nghiệp, nền kinh tế “thẩm thấu” tốt hơn từ các chính sách, cơ hội thách thức mới từ các FTA, ngay hệ thống báo chí cũng cần tự thân phải đổi mới, cập nhật công nghệ, đa dạng hóa cách thức truyền thông, tuyên truyền. Cùng với đó, báo chí cần đồng hành cùng các doanh nghiệp hơn nữa trong việc phản ánh, chia sẻ trước những khó khăn, bất cập, rào cản của môi trường kinh doanh cần tháo gỡ, phản ánh những nhu cầu nội tại của doanh nghiệp; phanh phui những vụ việc tham nhũng, nhũng nhiễu, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước, các công chức “biến chất,” gây khó dễ khi tiếp nhận giải quyết các thủ tục, hồ sơ của doanh nghiệp; lên án những doanh nghiệp làm ăn chộp giật, lừa đảo… tác động xấu đến xã hội.

Tại Hội thảo, một số doanh nghiệp đã trình bày những vướng mắc của doanh nghiệp hiện nay và mong muốn sự hợp tác thông tin giữa doanh nghiệp với các cơ quan thông tấn báo chí.

Diễn đàn lần này đã mang đến cái nhìn tích cực trong mối quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp. Qua đây, sự hợp tác giữa hai bên sẽ hiệu quả hơn để cùng hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO