Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 11/06/2023 04:14 GMT+7

Báo chí quốc tế tôn vinh nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Biên phòng - Được tin nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh từ trần tối 22-4, nhiều hãng thông tấn và truyền thông thế giới đã đồng loạt chia sẻ và đưa tin đậm nét về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh.

rts6_11a
Chủ tịch nước Lê Đức Anh gặp Chủ tịch Cuba Fidel Castro trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Cuba (tháng 10-1995). Ảnh: TTXVN

Hãng thông tấn Tân hoa xã của Trung Quốc đưa tin Đại tướng Lê Đức Anh qua đời tại Hà Nội và điểm lại tiểu sử của Đại tướng Lê Đức Anh với vai trò được nhấn mạnh là Chủ tịch nước từ năm 1992 - 1997, sau quãng thời gian đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng năm 1987 - 1991.

Tờ Washington Post của Mỹ điểm lại cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Lê Đức Anh. Nguyên Chủ tịch nước sinh ra vào thời đất nước nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Năm 1938, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và chiến đấu chống thực dân Pháp từ năm 1945 đến năm 1954, khi Việt Nam giành được độc lập.

“Ông giữ các chức vụ cao trong Bộ Tư lệnh miền Nam Việt Nam và được thăng hàm lên Trung tướng vào năm 1974. Cũng vào năm này, ông trở thành Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch giúp lực lượng Bắc Việt kiểm soát Sài Gòn vào tháng 4-1975, kết thúc Chiến tranh Việt Nam”, tờ Washington Post viết.

Sau chiến tranh, Đại tướng Lê Đức Anh đảm nhiệm Tư lệnh Quân khu 9, có nhiệm vụ quản lý và chỉ huy Quân đội chiến đấu bảo vệ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984. Tờ Washington Post bình luận, Đại tướng Lê Đức Anh đóng vai trò quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ. Năm 1995, Đại tướng là nguyên thủ Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ sau Chiến tranh Việt Nam, khi ông dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên hợp quốc tại thành phố Niu Yoóc.

Hãng tin AFP của Pháp mô tả, Đại tướng Lê Đức Anh được nhớ đến nhiều nhất với vai trò chỉ huy chiến dịch giải phóng Campuchia, đẩy lùi quân Khmer Đỏ của Pol Pot ra khỏi Phnom Penh vào năm 1978. Báo Straits Times của Singapore, báo Jakarta Post của Indonesia và báo Japan Times của Nhật Bản cũng đăng lại tin của hãng AFP.

Trả lời phỏng vấn báo Thông tấn xã Việt Nam về dấu ấn của Đại tướng Lê Đức Anh trong cuộc đấu tranh giải phóng Campuchia khỏi họa diệt chủng Pol Pot, Giáo sư, Tiến sĩ Ka Ma-thun, Chủ nhiệm khoa Quan hệ quốc tế, Viện Quan hệ quốc tế Campuchia (thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia ) khẳng định, với sự trợ giúp của quân tình nguyện Việt Nam tinh nhuệ và tài chỉ huy quân sự sáng suốt của Đại tướng Lê Đức Anh, đất nước Campuchia đã thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ để có được đất nước Campuchia như ngày hôm nay. Giáo sư nêu bật ý nghĩa to lớn của việc quân tình nguyện Việt Nam có mặt tại Thủ đô Phnom Penh vào thời điểm mới được giải phóng (ngày 7-1-1979). Ông cho biết, vào thời điểm đó, các cơ quan, tổ chức của Khmer Đỏ đã bị giải tán hoàn toàn, nhưng lực lượng quân đội của Khmer Đỏ chưa bị tan rã và nếu như Chính phủ Việt Nam, Đại tướng Lê Đức Anh quyết định rút quân khỏi Campuchia thì chắc chắn rằng, Khmer Đỏ sẽ trở lại và sẽ gây nên một cuộc tàn sát đẫm máu lần thứ hai.

Báo Phnom Penh Post của Campuchia cũng ghi nhận công lao của Đại tướng Lê Đức Anh trong cuộc chiến với Khmer Đỏ. “Ông đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng 5 điểm then chốt để bảo vệ Campuchia trước sự trỗi dậy trở lại của Khmer Đỏ và hỗ trợ phát triển Kế hoạch K5, ngăn quân du kích Khmer Đỏ xâm nhập vào Campuchia qua biên giới Thái Lan - Campuchia năm 1985 - 1989”, báo Phnom Penh Post viết.

Báo Phnom Penh Post cũng trích lại lời nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói với truyền thông trong nước năm 2009: “Vào thời điểm đó, Khmer Đỏ có kế hoạch đánh vào tận Sài Gòn. Nếu chúng ta không hỗ trợ, người dân Campuchia sẽ vùng lên giải phóng dân tộc, tìm sự hồi sinh ra sao?”.

Trang điện tử cubadebate của Cuba và Telesur, mạng lưới truyền hình Mỹ Latinh do Venezuela, Cuba tài trợ, nhấn mạnh sự kiện Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm Cuba vào tháng 10-1995. Vào thời điểm đó, Hà Nội đã gửi những đợt viện trợ gạo quan trọng cho Havana khi nước này đối mặt với các lệnh cấm vận của Mỹ.

Báo The Guardian của Anh cũng đăng chi tiết tiểu sử về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Lê Đức Anh - vị chỉ huy lỗi lạc của QĐND Việt Nam.

P.V (tổng hợp)

Bình luận

ZALO