Biên phòng - “Nhiệm vụ biên phòng” và “nhiệm vụ của lực lượng BĐBP” là hai trong ba chính sách được đánh giá tác động, xác định để xây dựng dự án Luật Biên phòng Việt Nam (sau đây gọi là dự án Luật). Trong dự án Luật đã quy định nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan, lực lượng chức năng và sự tham gia của nhân dân ở khu vực biên giới (KVBG) đối với công tác bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG; đồng thời, dự án Luật cũng quy định 12 nhiệm vụ của lực lượng BĐBP, trong đó, quy định nhiệm vụ: “Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống xung đột vũ trang, chiến tranh xâm lược ở KVBG”.

Có thể khẳng định, việc xây dựng nhiệm vụ trên được dựa trên nền tảng lý luận vững chắc và được đúc rút từ thực tiễn công tác xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của BĐBP.
Về mặt lý luận, chúng tôi cho rằng, nhiệm vụ “Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống xung đột vũ trang, chiến tranh xâm lược ở KVBG” của BĐBP có cơ sở chính trị, pháp lý khoa học, vững chắc.
Nghị quyết số 11/NQ-TW ngày 8-8-1995 của Bộ Chính trị về xây dựng lực lượng BĐBP trong tình hình mới, xác định vị trí, chức năng: “BĐBP là một lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng và Nhà nước, là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới quốc gia theo nhiệm vụ và quyền hạn được giao; đồng thời, là một lực lượng thành viên của các khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới”; về nhiệm vụ, Nghị quyết cũng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của BĐBP là: “Phối hợp với các đơn vị vũ trang khác và nhân dân chiến đấu chống quân xâm lược gây xung đột vũ trang và tiến hành chiến tranh”.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, Nghị quyết số 11/NQ-TW của Bộ Chính trị xác định rõ về nguyên tắc tổ chức và cơ chế phối hợp thực hiện, cụ thể: “BĐBP hoạt động trên địa bàn biên giới đất liền và biển, đảo chịu sự chỉ huy, chỉ đạo của Tư lệnh Quân khu, Chỉ huy trưởng Quân sự tỉnh, thành, Chỉ huy trưởng Vùng Hải quân về kế hoạch bố trí phòng thủ tác chiến hợp đồng tác chiến và chấp hành nhiệm vụ tác chiến khi xảy ra xung đột vũ trang hoặc chiến tranh biên giới”.
Kế thừa, phát triển các quan điểm trên trong tình hình mới, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia xác định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ở KVBG. Giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp, thông lệ quốc tế; “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” và sẵn sàng kết hợp các biện pháp, hình thức khác làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động xâm phạm, xâm chiếm biên giới quốc gia”. Đồng thời, xác định mục tiêu cụ thể là: “Xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc”.
Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là quy luật tồn tại, phát triển tất yếu và là truyền thống quý báu ngàn đời của dân tộc ta. Tuân thủ quy luật và kế thừa truyền thống đó, Ðảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị, văn bản làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân, toàn dân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; điển hình là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) và Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16-4-2018 về Chiến lược quốc phòng Việt Nam; Kết luận số 31-KL/TW, ngày 16-4-2018 về Chiến lược quân sự Việt Nam...
Từ những luận giải trên, chúng tôi cho rằng, việc xây dựng nhiệm vụ “Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống xung đột vũ trang, chiến tranh xâm lược ở KVBG” trong dự án Luật Biên phòng Việt Nam là sự thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, tạo điều kiện, tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Về cơ sở pháp lý của nhiệm vụ “Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống xung đột vũ trang, chiến tranh xâm lược ở KVBG trong dự thảo Luật được quy định chi tiết tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Điều 1 của Pháp lệnh BĐBP ngày 28-3-1997 quy định: “BĐBP là lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng, của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam...”; đồng thời, khoản 2, Điều 25 của Luật Quốc phòng năm 2018 quy định chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân: “Quân đội nhân dân có chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”.
Nhiệm vụ “Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống xung đột vũ trang, chiến tranh xâm lược ở KVBG” còn có sự kế thừa từ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ của BĐBP. Cụ thể, Điều 9, Pháp lệnh BĐBP quy định: “BĐBP phối hợp với các đơn vị khác của các lực lượng vũ trang nhân dân và dựa vào nhân dân xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới vững mạnh; sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống gây xung đột vũ trang và chiến tranh xâm lược”. Điều 4, Nghị định số 02/1998/NĐ-CP ngày 6-1-1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh BĐBP chỉ rõ: “Để bảo đảm thống nhất chỉ huy thực hiện nhiệm vụ quân sự, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, thành phố và Hải đoàn Biên phòng chịu sự chỉ huy của Tư lệnh Quân khu, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thành phố, Chỉ huy trưởng Vùng Hải quân về nhiệm vụ phòng thủ, tác chiến”.
Về mặt thực tiễn cho thấy, lịch sử hình thành, phát triển của lực lượng BĐBP luôn luôn gắn với nhiệm vụ “Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống xung đột vũ trang, chiến tranh xâm lược ở KVBG”.
Lịch sử dựng nước và giữ nước cho thấy, Việt Nam nằm ở vị trí có ý nghĩa chiến lược trọng yếu cả về chính trị, quân sự, kinh tế... luôn là đối tượng nhòm ngó, xâm lược của các thế lực ngoại bang. Từ thực tế đó, trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, đề cao cảnh giác đã trở thành ý thức thường trực của dân tộc ta. Để không bị bất ngờ, chúng ta luôn đề cao cảnh giác, đánh giá đúng tình hình, kịp thời phát hiện âm mưu, thủ đoạn của địch và đề ra phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Do đặc điểm tự nhiên, lịch sử, KVBG là địa bàn có vị trí chiến lược, xung yếu, nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. Trong đó, có nhiều công trình có vị trí đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến chủ quyền biên giới biển, đảo và thế trận phòng thủ bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử của BĐBP gắn với sự kiện hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam; kinh nghiệm cho thấy, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, lực lượng BĐBP đều chủ động nắm chắc các yếu tố, tình hình, dự báo chính xác xu hướng vận động và phát triển của các yếu tố, tình hình, tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Ðảng, Nhà nước các đối sách, giải pháp chiến lược, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đảm bảo quốc phòng, an ninh; xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Trong đó, tập trung vào những khu vực, địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh, nhất là KVBG, biển, đảo.
Trong mọi thời kỳ của cách mạng, BĐBP luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, duy trì nghiêm các chế độ, nền nếp sẵn sàng chiến đấu; chủ động trong xây dựng các quyết tâm, phương án, kế hoạch sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống cháy nổ, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng xử lý thắng lợi mọi tình huống có thể xảy ra. Ðặc biệt, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an theo Nghị định 03/2019/NÐ-CP ngày 5-9-2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng. Chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc. Chú trọng tổ chức xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; trong đó, một số lực lượng được đầu tư tiến thẳng lên hiện đại, bảo đảm cho BĐBP có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, đảm bảo bộ máy tinh, gọn, mạnh theo chủ trương của Bộ Quốc phòng, Chính phủ; đồng thời, phù hợp với khả năng, điều kiện của đất nước, đủ sức bảo vệ vững chắc KVBG của đất nước trong mọi tình huống.
Thời gian tới, tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á được Đảng ta dự báo: “là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột”. Vì vậy, hơn lúc nào hết, việc xác định rõ nhiệm vụ bằng cách luật hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng thành các quy định của pháp luật để tổ chức triển khai thực hiện càng có ý nghĩa thiết thực.
Tiến sĩ Trần Văn Hiếu