Biên phòng - Mô hình “Bàn tròn pháp luật” là cách làm mới, có hiệu quả cao của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” của thành phố Hải Phòng. Sau 1 năm triển khai thực hiện, mô hình này đã phát huy hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của người dân ở khu vực biên giới biển Hải Phòng.

Cách làm mới sáng tạo
Bắt đầu phát sóng số đầu tiên ngày 6-8-2017 với nội dung “Xu hướng trẻ hóa tội phạm”, trên Đài Phát thanh-Truyền hình thành phố Hải Phòng, đến nay, chương trình “Bàn tròn pháp luật” được triển khai thực hiện hơn 1 năm, với 24 buổi phát sóng. Mỗi buổi phát sóng có thời lượng 15 phút, khách mời là thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” cấp thành phố. Báo cáo viên của các đơn vị sẽ chuyển tải những ý kiến thắc mắc của nhân dân gửi về Đài Phát thanh-Truyền hình tổng hợp. Trên cơ sở đó, các thành viên Ban Chỉ đạo và báo cáo viên chuẩn bị nội dung trả lời cụ thể để nhân dân hiểu, nắm chắc kiến thức pháp luật.
Đại tá Tô Tiến Lực, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP thành phố Hải Phòng cho biết: “Bàn tròn pháp luật” là mô hình, cách làm mới của Đài Phát thanh-Truyền hình thành phố Hải Phòng phối hợp với các cơ quan trên địa bàn thành phố nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản, giải đáp những thắc mắc, những ý kiến của nhân dân về kiến thức pháp luật. Đây là cách làm cụ thể của Ban Chỉ đạo cấp thành phố về thực hiện Đề án “Tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo”. Ban Chỉ đạo cấp thành phố gồm 19 thành viên, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban chỉ đạo; thành viên gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan như Sở Tư pháp, Bộ Chỉ huy BĐBP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an thành phố Hải Phòng...
Cũng theo Đại tá Tô Tiến Lực: “Nội dung tuyên truyền trên chương trình “Bàn tròn pháp luật” rất cụ thể, sát với từng đối tượng. Chẳng hạn, đối với người dân, ngư dân ở khu vực biên giới biển, đảo, hải cảng của thành phố, chúng tôi tập trung vào các quy định pháp luật về dân tộc, tôn giáo, trách nhiệm tham gia bảo vệ, giữ gìn quốc phòng-an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia, đặc biệt là các văn kiện pháp lý về biên giới; Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); Luật Biển Việt Nam; Luật Biên giới quốc gia; Luật An ninh quốc gia; Luật Thủy sản...”.
Mô hình cần được nhân rộng
Ngay từ khi mới triển khai thực hiện mô hình “Bàn tròn pháp luật” trên Đài Phát thanh-Truyền hình thành phố Hải Phòng, người dân ở nhiều nơi rất thích thú với cách làm này. Đây vừa là xu thế mới của thời kỳ công nghệ số, vừa tiết kiệm được thời gian của người dân. Đối với bà con ở vùng biên giới, hải đảo, đặc biệt là ngư dân thường xuyên hoạt động trên biển dài ngày rất khó để tập trung hội họp để nghe báo cáo viên phổ biến kiến thức pháp luật. Do vậy, mô hình “Bàn tròn pháp luật” có thể giúp nhân dân xem lại các nội dung tuyên truyền về pháp luật đã phát trên truyền hình một cách dễ dàng.
Qua 24 buổi phát sóng, đến nay, mô hình “Bàn tròn pháp luật” đã tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang ở khu vực biên giới biển, hải cảng; nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ công chức, cán bộ các đơn vị Quân đội trên địa bàn về vị trí, vai trò của biển, đảo trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Anh Hoàng Văn Toàn, Tổ phó Tổ tàu thuyền đoàn kết số 1, tổ dân phố Tiến Lộc, thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng cho biết: “Công việc của tôi chủ yếu đánh bắt hải sản ngoài biển, ít có thời gian tham gia các cuộc họp tập trung của tổ dân phố. Do vậy, những buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật ở địa bàn cư trú, tôi ít có dịp tham gia. Từ ngày Đài Phát thanh-Truyền hình thành phố Hải phòng mở chuyên mục “Bàn tròn pháp luật”, tôi và gia đình thường xuyên cập nhật được những nội dung kiến thức pháp luật. Những thắc mắc, hoặc có gì chưa rõ, chưa hiểu, tôi có thể gửi thư hoặc gọi điện thoại trực tiếp đến chương trình để được giải đáp”.
Trần Đức