Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 28/03/2023 02:39 GMT+7

Bức tranh thế giới 2018:

Bản tango màu sắc

Biên phòng - Năm 2018 qua đi với những sắc màu vô cùng đa dạng trên thế giới. Nhiều sự kiện bất ngờ nảy sinh, nhiều động thái mang lại cả tín hiệu tích cực và tiêu cực. Hy vọng có, thất vọng cũng nhiều, tất cả như một bản tango lúc lên cao, lúc thoái trào, dù muốn hay không, những vũ công cũng không thể chệch nhịp.

53
Năm 2018, gần 200 quốc gia đã thông qua Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 24) tại  Katowice (Ba Lan). Ảnh: AFP

Khúc dạo đầu

Dễ thấy nhất là khúc dạo đầu ấn tượng trong tiến trình hòa bình Triều Tiên. Nhiều sự kiện lịch sử trong năm 2018, như các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều được nối lại sau hơn một thập kỷ với Tuyên bố Panmunjom (ngày 27-4), Tuyên bố Bình Nhưỡng (ngày 20-9) và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên với Tuyên bố chung Singapore ngày 12-6, đã giúp xoay chuyển tình thế khu vực từ “miệng hố chiến tranh” sang đối thoại và hòa hoãn, mở ra hy vọng về một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa, hòa bình và thịnh vượng.

Sức mạnh của ngoại giao đàm phán, điều mà người ta luôn nhắc tới là giải pháp đầu tiên để giải quyết bất đồng căng thẳng. Và điều này cũng được thể hiện trong chiến lược “ngoại giao nguyên thủ” của Trung Quốc trong năm 2018 với nhiều thành công. Tại Philippines, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký kết 29 thỏa thuận, trong đó có Bản ghi nhớ chung về khai thác chung dầu khí ở Biển Đông, nơi cả Bắc Kinh và Manila đều đang tranh chấp chủ quyền.

Sau căng thẳng quan hệ kéo dài nhiều năm, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã xích lại gần nhau trong chuyến công du của ông Shinzo Abe đến Bắc Kinh, chuyến thăm chính thức đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản đến Trung Quốc sau 7 năm. Hai bên đã ký các thỏa thuận thương mại và nhiều thỏa thuận khác, trong đó có một thỏa thuận tiến tới thiết lập một đường dây nóng nhằm ngăn chặn các vụ đụng độ ở biển Hoa Đông đang tranh chấp. “Một thời đại mới” hợp tác đã mở ra cho quan hệ Trung-Nhật.

Sự kiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thay thế Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã được ký kết ngày 9-3 và được thực thi từ tháng 1-2019 cũng là một dấu mốc ấn tượng. Với 11 nước tham gia, trong đó có Việt Nam, CPTPP là một trong những hiệp định thương mại lớn nhất thế giới và khi được thực thi đầy đủ, sẽ bao gồm một thị trường gần 500 triệu người tiêu dùng, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu. Việc CPTPP được đàm phán thành công sau khi Mỹ rút khỏi TPP có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc duy trì kết nối đầu tư và tự do thương mại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng gia tăng.

Trong thời đại Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này, sự kiện ngày 6-2, tên lửa Falcon Heavy của tỷ phú Elon Musk đã được phóng vào không gian từ bang Florida (Mỹ) và đưa chiếc xe Tesla lên sao Hỏa đánh dấu những thành tựu mới. Đây là một tuyên bố mạnh mẽ về ảnh hưởng và tham vọng của một thế hệ các tỷ phú công nghệ mới, dù nhìn chung 2018 là một năm khó khăn cho các tỷ phú công nghệ.

Dẫu sao, những “khúc dạo đầu” của năm 2018 vừa qua cũng đã tạo đà cho những thành tựu lớn hơn nữa trong năm 2019.

Đối mặt

Năm 2018 cũng nổi lên những cuộc đối đầu gay gắt, có tác động không nhỏ tới cục diện thế giới. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc với các đòn thuế quan trả đũa lẫn nhau đã tác động mạnh tới hoạt động thương mại, kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu, khiến các dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay và năm 2019 có thể bị hạ thấp, nhiều nước phải điều chỉnh chính sách để đối phó với nguy cơ rủi ro. Đối đầu thương mại Mỹ-Trung còn lan sang các lĩnh vực khác như công nghệ, ngoại giao, quân sự..., phản ánh sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa hai bên.

Trong khi đó, đàm phán Brexit vẫn đầy chông gai. Trải qua tiến trình đàm phán vô cùng căng thẳng, ngày 25-11, Chính phủ Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất được dự thảo thỏa thuận Brexit, định hình tương lai quan hệ hai bên. Tuy nhiên, tiến trình Brexit vẫn chưa thể về đích và tiềm ẩn những yếu tố khó lường do chính rào cản từ Quốc hội Anh với những chia rẽ nội bộ sâu sắc liên quan đến nhiều tranh cãi về hải quan. Tương lai Brexit vẫn khó đoán định và kịch bản Anh rời EU không thỏa thuận vẫn còn bỏ ngỏ.

53a
Những người “Áo vàng” tại khu vực Khải Hoàn Môn, Thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: Nation

Trong khi đó, quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên rất căng thẳng, gần như rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm sau vụ điệp viên hai mang người Nga Skipral bị ám sát ở Anh hồi tháng 3. Sự đối đầu cũng thể hiện ở hầu hết các vấn đề nóng của thế giới, như Syria, Ukraine, Triều Tiên... Sóng gió càng mạnh khi Mỹ mở rộng điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Bên cạnh gia tăng hàng loạt biện pháp trừng phạt Nga, Mỹ còn đe dọa rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), gây nguy cơ một cuộc chiến tranh lạnh mới. Chính quyền Nga cáo buộc, đây là một chiến dịch được các nước phương Tây phối hợp triển khai hòng làm mất uy tín và cô lập Nga.

Cuộc khủng hoảng Ukriane năm 2018 có nguy cơ đe dọa chính trị nội bộ và chính sách đối ngoại, dù không có leo thang quân sự, song sự kiện Nga bắt giữ tàu hải quân và thủy thủ Ukraine tại eo biển Kerch đã đặt dấu chấm hết cho Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, cùng với đó là xung đột tôn giáo, khiến cho tình hình vốn đã phức tạp lại càng nguy hiểm hơn.

Cái kết ngỏ

Một trong những mối lo của thế giới là việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Bất chấp các quy tắc và thông lệ quốc tế, ngày 8-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn được chính quyền tiền nhiệm ký năm 2015, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Nhiều nước chỉ trích hành động của Mỹ là sự “phá vỡ lòng tin vào trật tự quốc tế”, đồng thời gây thêm nguy cơ bất ổn cho khu vực Trung Đông.

Sau hai tuần đàm phán khẩn trương, các quan chức từ gần 200 quốc gia đã thông qua công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Katowice (Ba Lan), ngày 15-12-2018, cho phép các nước đưa ra hành động theo các nguyên tắc có trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu 2015. Tuy nhiên, các nhà đàm phán đã trì hoãn việc đưa ra quyết định đối với hai vấn đề chính cho đến năm sau. Nỗ lực sẽ chuyển sang năm 2019.

Tóm lại, năm 2018 đã qua đi với nhiều thành công cũng không ít thất bại của các chính sách. Khép lại điều này là sự mở ra một cơ hội khác. Và nền nhạc chung trong xu hướng vận động và phát triển của thế giới vẫn là sự hợp tác, đàm phán, xây dựng lòng tin chiến lược, cùng phát triển bền vững, vì hòa bình và thịnh vượng.

Hồng Ngọc

Bình luận

ZALO