Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:10 GMT+7

Bản người Nùng ở Nghệ An

Biên phòng - Con đường liên thôn từ thị trấn Con Cuông đi Môn Sơn, Lục Dạ phải qua thôn Trung Yên, xã Yên Khê. Nơi đó hiện đang có 31 gia đình sinh sống. Đó là những người Nùng từ Cao Bằng di cư đến đây đã hơn 20 năm. Lúc đầu chỉ có 2 - 3 gia đình đến làm nhà ở. Thấy cuộc sống dễ chịu, thuận tiện làm ăn sinh sống, họ về rủ thêm người làng, người thân cùng "di dân" đến vùng đất mới. Và bây giờ, 127 con người ấy trở thành bản Cao Bằng duy nhất ở Nghệ An. Đằng sau cái được là những điều còn chất chứa khó nói thành lời...

 15810b.gif
Ông Nông Văn Sáng cùng những trăn trở về bản.
Trên đất mới

Người dân ở đây kể lại những ngày đầu tiên khi chuyển về vùng đất này, khó khăn chồng chất, lo làm sao có ngôi nhà để có chỗ "chui ra chui vào" mà "an cư lập nghiệp". Chấp nhận vất vả, vượt lên mọi khó khăn, với đôi bàn tay và tính đức chăm chỉ, siêng năng của người Nùng, từng ngày một, tằn tiện, chắt chiu, họ đã tạo dựng cơ nghiệp ngày hôm nay. Số hộ đói không còn, hộ nghèo đếm chưa đầy trên đầu ngón tay.

Anh Trương Văn Lẻng đưa tay chỉ về mảnh đất nơi gia đình đang cày xới, làm đất để chuẩn bị trồng đỗ. Anh bồi hồi nhớ lại: 19 năm trước, khi mới đến đất này, sắn không có ăn đâu, cỏ vẫn còn xanh lắm. Cái đói lần vào từng nhà. Khổ lắm. Thương nhất là lũ trẻ. Vì đói, trông đứa nào cũng da vàng, bủng beo. Rồi anh cười: Ngày đó đã qua rồi. Bây giờ thì nhà nào cũng no. Không còn sợ đói nữa. Nói đoạn, anh đưa tay, nhấc một gốc sắn lên. Những củ sắn lúc lỉu treo bên dưới được đôi bàn tay anh kéo, đưa lên khỏi mặt đất. Củ nào củ nấy to, dài, nần nẫn, căng vỏ.

Anh bảo, nhờ sắn mà anh đã có tất cả. Anh chỉ tay về phía ngôi nhà xây gần đó. Đưa mắt nhìn ngôi nhà khang trang nơi anh chỉ, tôi hình dung ra cuộc sống của anh đã có của ăn của để, nuôi các con tới trường, tới lớp đủ đầy. Chị Lý Thị Vải đang cùng anh làm đất chuẩn bị cho vụ đỗ sắp tới chia sẻ: Nhà mình xưa ở xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng, về đây cũng được lâu rồi.

Đây cũng là quê hương thứ hai của gia đình. Vất vả qua rồi. Bây giờ chỉ lo cho các cháu học hành thôi. Câu chuyện "nhà mình xưa" ấy đã ngấm ngót 20 năm bền bỉ, tảo tần cùng với sự mải miết, vật lộn lo toan cho cuộc sống của cả bản Nùng từ ngày về đây lập nghiệp.

Cuộc sống đã thế, nhưng các hộ người Nùng về đây đều rất quan tâm đến việc "giữ gìn ngôn ngữ". Mặc dù hiện tại, bà con người Nùng ở đây không thường xuyên sử dụng tiếng Nùng trong giao tiếp, song ngôn ngữ "mẹ đẻ" vẫn được các thế hệ sau tiếp nối. Thoạt đầu tôi cứ nghĩ, chắc chỉ có thế hệ lớp người lớn tuổi, những bậc làm cha, làm mẹ còn nói tiếng Nùng. Nhưng không, ở bản, tất cả từ "nam phụ lão ấu" đều biết nói tiếng Nùng. Khi gặp tôi trên đường, tôi đã được chứng kiến, các em nhỏ cõng những bó củi trên lưng về nhà khi trời chạng vạng tối, các em nói với nhau bằng tiếng Nùng.

Làm quen với em Trương Thị Sung trong bản, hiện đang là học sinh Trường phổ thông Trung học Con Cuông. Em kể rằng: Nhà em có ba anh chị em, tất cả gia đình đều biết nói tiếng Nùng. Sung khoe: Không phải nhà em đâu. Cả bản em đều nói tiếng Nùng đấy. Thế mới biết, bản Nùng có những con người "gìn giữ gốc gác" của mình ngay cả khi xa quê, đến một vùng đất mới nhưng giá trị vẫn không bị mai một. Thế hệ trẻ biết thêm ngôn ngữ khác nhưng ngôn ngữ đầu tiên với người bản Nùng được cha mẹ dạy, chính là tiếng Nùng. Đây chính là giá trị văn hóa mà nó cũng chính là giá trị nhân văn gắn liền cùng với sự sinh tồn của người Nùng.

Trăn trở ở bản Nùng

Nếu ai có dịp đi hết "bản Cao Bằng", tất thảy những ngôi nhà cũ, nhà mới, sẽ không tìm thấy một ngôi nhà sàn hay ngôi nhà nửa sàn nửa đất lợp ngói máng, kiểu nhà truyền thống người Nùng. Lý giải về vấn đề này, mọi người đều cho rằng, thực lòng ai cũng muốn làm nhà theo phong tục và lối sống của người Nùng. Song, khi chuyển gia đình về đây, đất có nhưng rừng cần phải bảo vệ. Chính vì thế, bà con trong bản đều làm nhà theo điều kiện thực tế và lối sống của người bản địa. Vì thế, những ngôi nhà người Nùng sinh sống hiện tại đều mang dáng dấp của người Kinh và có nét hiện đại. Mong là thế nhưng ai cũng muốn, bảo vệ rừng và giữ lấy rừng phải được đặt lên hàng đầu so với nhu cầu làm nhà theo nếp truyền thống. 

Một trăn trở nữa là trang phục của người Nùng nơi đây. Hiện tại, nếu muốn được biết, được xem, được chứng kiến trang phục của người Nùng ở Yên Khê cũng là điều rất khó. Trong quá trình làm việc và tiếp xúc tại đây, tôi đã gặp hầu hết số người của bản nhưng số người mặc trang phục người Nùng cũng là con số hiếm. Trong bản chỉ thấy còn chị em cụ Phương Thị Chấn, 80 tuổi, vẫn mặc quần áo Nùng và nói tiếng Nùng. Chuyện là, các cụ khi chuyển về đây đã cao tuổi nên không học và nói được tiếng Kinh hay tiếng Thái. Khi chúng tôi trò chuyện phải nhờ đến một "phiên dịch" khác.

Ngày nay, thế hệ con cháu trong bản Cao Bằng không còn ai mặc trang phục dân tộc Nùng. Việc giữ gìn văn hóa phi vật thể, những làn điệu dân ca đậm màu sắc dân tộc, những điệu múa hiện nay đang có nguy cơ mai một vì "không có dịp để biểu diễn". Những người dân vẫn hát cho nhau nghe trong các ngày vui ở mỗi nhà bằng tiếng Nùng. Khi tâm sự về vấn đề này, mọi người dân trong bản đều có mong muốn được giao lưu nhưng "phải đợi dịp".

Ông Nông Văn Sáng thẳng thắn chia sẻ: Việc sinh hoạt văn hóa ở đây chưa có chuyện ưu tiên cho dân tộc thiểu số chúng tôi, chưa có sự giao lưu văn hóa. Người bản địa dường như sợ chúng tôi biểu diễn thì không ai nghe hoặc nghe thì họ không hiểu, mặc dù chúng tôi đã sống ở đây thời gian rất lâu rồi. Là đảng viên với gần 20 năm sinh hoạt nhưng ông cũng trăn trở khi "bản Cao Bằng" không phát triển được đảng viên, không có đảng viên trẻ.

 84510a.gif
Anh Trương Văn Lẻng đang làm đất cho vụ đỗ tới. Ảnh: Hạnh Anh
Hiện nay, bà con làm ăn kinh tế cũng ổn định với nghề trồng sắn, trồng chè, trồng đỗ tương tại thôn Trung Yên. Quê hương họ ở tỉnh Cao Bằng giờ cũng phát triển hơn, mọi người đều ổn định cuộc sống nên không còn chuyện di cư như xưa nữa... Những người đầu tiên về đây, nay cũng nhiều tuổi như cụ Phương Thị Chấn, ông Khẩm Văn Chấn, ông Trương Văn Pảo... đã nhìn thấy những người con của bản mình trưởng thành, trai thì lấy vợ, gái đi lấy chồng, có cả những dâu rể người Thái, người Kinh, mọi người không còn sống trong những ngôi nhà tạm, biết bảo nhau cùng làm ăn, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Thế nhưng, giá trị hơn đối với những bậc làm cha làm mẹ hiện tại, vẫn còn ăm ắp những lo lắng cho việc học của con em khi chưa có ai vào đại học, cao đẳng. Đó không chỉ là sự chờ đợi của một vài gia đình mà còn là sự mong đợi của cả bản Cao Bằng nơi xứ Nghệ này.

Hạnh Anh

Bình luận

ZALO