Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 04/10/2023 08:37 GMT+7

Bản Máy ngày nắng ấm

Biên phòng - Không khó để nhận thấy những dấu ấn của BĐBP tại Bản Máy - xã biên giới khó khăn thuộc huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Ở đây, cán bộ Biên phòng (BP) phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương trên mọi mặt như cách nói của Chủ tịch UBND xã Bản Máy Nguyễn Xuân Binh. Cán bộ BP tham mưu xây dựng chi bộ thôn bản, phát triển đảng viên, tư vấn giúp dân phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nhà, nhận con em đồng bào làm con nuôi đồn Biên phòng.

Ông Phù mừng vui khi cán bộ BP tới thăm nhà. Ảnh: Bích Nguyên

Ngôi nhà của tình quân - dân

Chỉ cho tôi thấy ngôi nhà 2 tầng khang trang nằm trên một khoảnh đất cao hơn chân ruộng phía xa xa, Thiếu tá Đặng Quang Tâm, Phó Đồn trưởng Đồn BP Bản Máy bảo rằng, đó là nhà của gia đình ông Vàng Quáng Phù mà đơn vị mới giúp xây dựng. Nói rồi anh dẫn tôi đi trên những mặt ruộng vừa mới được cày vỡ, bước thấp bước cao để tới nhà ông Phù.

Ông Phù là người dân tộc Tày. Nhà của ông nằm đơn lẻ phía cuối thôn, xung quanh trống trải. Có một lối mòn nhỏ dẫn tới nhà ông nhưng lại vòng vèo, quá xa. Bởi thế, chúng tôi chọn cách cắt đường đi qua mặt ruộng. Chúng tôi tới nhà, vừa lúc ông đi làm nương về. Ông tươi cười, mở cửa mời chúng tôi vào nhà. Ông Phù năm nay 66 tuổi nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, khỏe khoắn, giọng nói sang sảng. Ông tự mình làm việc đồng áng, chăn nuôi trâu bò.

Trò chuyện mới biết, ông Phù nguyên là lính Trung đoàn 64, Sư đoàn 320. Ông nhập ngũ tháng 6-1974. Sau 5 tháng huấn luyện, ông cùng đơn vị hành quân theo đường Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Ông kể: “Tôi gặp rất nhiều chiến sĩ dân tộc Mông, Tày, Nùng ở đơn vị mới. Anh em chia sẻ với nhau kinh nghiệm hành quân, chiến đấu. Trong chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột, chúng tôi làm đường nghi binh, thực hiện các công tác phục vụ chiến đấu. Sau khi Tây Nguyên được giải phóng, đơn vị tôi chốt đóng tại Đắk Lắk gần 1 năm. Trong thời gian này, chúng tôi thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có việc tăng gia sản xuất. Trồng được 1 vụ lúa thì chúng tôi nhận nhiệm vụ mới, đánh quân Pôn Pốt trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam”.

Sự ác liệt của chiến tranh đã để lại dấu tích trên cơ thể ông với vết thương ở cánh tay. Chỉ cho tôi xem vết thương, ông nhớ lại: “Chiến tranh vô cùng ác liệt, ở chiến trường không có ngày nào yên ổn cả. Chúng tôi xác định đã là người lính thì chấp nhận hy sinh, đổ máu, thế nhưng mỗi khi nhìn thấy anh em hy sinh, tôi đau xót lắm. Để đảm bảo bí mật, ban ngày, chúng tôi lánh trong rừng rậm, ăn cơm nắm, ban đêm hành quân hoặc trinh sát tình hình địch. Trong một lần đi trinh sát thực địa, chúng tôi trạm chán với toán lính Pôn Pốt. Tôi bị trúng đạn và bị thương ở tay”. Sau này, cơ quan chức năng xác định, ông Phù bị thương tật 16%.

Căn nhà sàn cũ của vợ chồng ông Phù vốn xập xệ, sàn, vách, cột kèo đều hư hỏng nặng. Ngày mưa to, gió lớn ở trong nhà mà ông lo nơm nớp. Chỉ có 2 vợ chồng cùng cháu ngoại nhỏ sống tựa vào nhau, neo người, neo sức, ông Phù không dám nghĩ tới việc làm lại nhà. Những người lính BP thường xuyên xuống bản, nắm rõ gia cảnh gia đình ông. Họ thấu hiểu điều ông cần để rồi một ngày tới thông báo Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang tặng ông 60 triệu đồng để làm nhà mới. Nhận món quà bất ngờ từ BĐBP, ông Phù hạnh phúc không nói lên lời.

Đồn BP Bản Máy còn cử lực lượng tới giúp ông Phù làm nhà. Ông Phù phấn khởi kể: “Ngôi nhà này có công sức rất lớn của BĐBP. Cán bộ BP giúp gia đình tôi đào móng, chở vật liệu xây dựng, đổ mái nhà... Không có các chú giúp, tôi không có được ngôi nhà như thế này”. Cùng ngồi trò chuyện, anh Tâm bảo rằng, nguyên việc vận chuyển xi măng, sắt thép đã tốn rất nhiều mồ hôi, công sức của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. “Đường đi lại nhỏ hẹp, rất gồ ghề, xe ô tô không thể vào được. Chúng tôi phải dùng xe máy chở từng bao xi măng” - anh Tâm nói.

Với sự giúp sức nhiệt tình của BĐBP, chỉ sau 2 tháng, ngôi nhà 2 tầng rộng 60m2 đã hoàn thành. Ông Phù hoàn thành ước nguyện cả đời, không còn lo lắng nhà đổ mỗi khi trời mưa giông, bão gió. Niềm vui nối tiếp niềm vui, gia đình ông được Đồn BP Bản Máy tặng bếp ga, nồi cơm điện, bát đũa, còn Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang tặng một chiếc ti vi như món quà mừng nhà mới.

Nuôi con hộ dân

Khoảng 2 năm trước, người dân Bản Máy bất ngờ nghe tin BĐBP sẽ nhận con của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn về đơn vị nuôi dưỡng. Nhiều người có chung suy nghĩ, cả đồn BP toàn đàn ông, quanh năm xa nhà, không mấy khi chăm sóc con cái của mình sao có đủ kinh nghiệm để nuôi dưỡng con cái của dân. Vượt qua những e ngại, những người lính Đồn BP Bản Máy đã làm điều chưa từng làm - nhận cháu Sải Văn Cuối, con một gia đình nghèo ở xóm Tả Chải về nuôi.

Cậu học trò Sải Văn Cuối được những người lính Đồn BP Bản Máy thương yêu, chăm sóc như con mình. Ảnh: Văn Huân

Cuối được những người cha nuôi chuẩn bị cho một căn phòng với đầy đủ đồ dùng. Sợ con lạ lẫm với môi trường mới, họ chỉ bảo, chăm sóc cho cậu bé từ những việc nhỏ nhất. Sức học của Cuối cũng khá lên. Dưới bàn tay chăm sóc của những người lính, Cuối lớn lên trông thấy từng ngày. Cậu học trò lớp 9 giờ phổng phao, có da, có thịt, không còn gầy gò như ngày mới được đón về đơn vị. Cuối đã biết tự chăm sóc bản thân, sinh hoạt theo nền nếp của đơn vị, phụ giúp nhặt rau, rửa bát... Chân thành và lặng lẽ, những người lính Biên phòng ở Bản Máy đã mang đến cho người dân niềm vui không thể đo đếm được như thế.

Xã Bản Máy có 497 hộ dân với 2.384 nhân khẩu gồm 8 dân tộc cùng chung sống. Cho đến bây giờ, Bản Máy vẫn là một xã nghèo đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Trong khả năng của mình, những người lính BP đã đồng hành với Bản Máy củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nền BP toàn dân... Đảng ủy, chỉ huy Đồn BP Bản Máy phân công 26 đảng viên phụ trách 114 hộ gia đình trên địa bàn đơn vị đóng quân.

Đại úy Nguyễn Ngọc Huân, Chính trị viên phó Đồn BP Bản Máy cho biết: “Chúng tôi tư vấn cách trồng trọt, chăn nuôi, tặng con giống, giúp người dân xóa nhà tạm, sửa chữa nhà hư hỏng. BĐBP cũng vận động, hướng dẫn nhân dân làm chuồng trại ra xa nhà ở, xây nhà vệ sinh, xây bể nước. Những người lính BP cũng nhận đỡ đầu 3 học sinh có hoàn cảnh khó khăn cho đến khi học hết lớp 12. Những lúc bà con gặp thiên tai, hoạn nạn, cũng chính những người lính BP có mặt để giúp dân đầu tiên.

Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao ông Phù cứ nắm chặt tay cán bộ BP khi họ tới thăm nhà.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO