Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:38 GMT+7

Bản lĩnh nữ quân nhân (bài 2)

Biên phòng - Không chỉ có nữ quân y, thời gian qua, với đặc thù của các đơn vị làm nhiệm vụ tại các cửa khẩu quốc tế, những nữ quân nhân làm công tác kiểm thể cũng thường xuyên có mặt ở các tổ, chốt để hỗ trợ đồng đội. Họ không chỉ là những bông hoa làm mềm đi không gian chốn thao trường, bãi tập và các đơn vị quân đội, mà còn là những người lính thật sự xuất sắc, là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam.

Kỳ 2: Tận tụy với biên cương

Đầu năm 2021, tại Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, chúng tôi được giới thiệu gặp Trung úy Lê Thị Thanh Hòa, nhân viên kiểm thể của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, BĐBP Hà Tĩnh. Công tác ở địa bàn đặc biệt “nóng” về buôn bán, vận chuyển ma túy, dù còn trẻ tuổi, song, Thanh Hòa đã tự rèn luyện cho mình sự điềm tĩnh khi đối diện với tội phạm và kỹ năng chuyên môn cao, không để lọt bất cứ một dấu tích khả nghi nào mà vẫn đảm bảo nhân quyền đối với các đối tượng nữ. Có lẽ chính vì thế, qua 6 năm công tác tại cửa khẩu, Thanh Hòa liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến và là “khắc tinh” của tội phạm nữ.

Năm 2018, Trung úy Lê Thị Thanh Hòa (khi đó là Thiếu úy) đã góp phần đấu tranh, phát hiện thành công đối tượng Nguyễn Thị Hà Vân vận chuyển 4.800 viên ma túy tổng hợp từ Lào vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Một trong những vụ án mà Thanh Hòa tham gia đấu tranh, phát hiện thành công là trường hợp đối tượng Nguyễn Thị Hà Vân, trú tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình vận chuyển 4.800 viên ma túy tổng hợp từ Lào qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo vào ngày 27-6-2018. Khi thấy có dấu hiệu khả nghi, đối tượng Hà Vân được yêu cầu vào phòng kín, Thanh Hòa đã tham gia kiểm tra, rà soát và phát hiện số lượng lớn ma túy được giấu kỹ trong vùng kín, ngực, trong tất, giày và va li của đối tượng.

Chia sẻ về nhiệm vụ đặc biệt của Thanh Hòa, Thượng úy Võ Anh Tuấn, Trạm trưởng Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cho biết, mỗi ngày, lượng người xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu khá đông, có nhiều phụ nữ lợi dụng đêm tối và lực lượng chức năng lơi lỏng là vượt biên nên Thanh Hòa và cán bộ, chiến sĩ của trạm gặp rất nhiều áp lực. Nhất là vào lúc dịch bệnh căng thẳng, vừa phải thực hiện nhiệm vụ kỹ càng, cẩn trọng, vừa phải chú ý bảo vệ sức khỏe để mình không bị lây bệnh và trở thành nguồn lây là điều rất vất vả. Có thời điểm phải làm đến tận nửa đêm.

Hoàn cảnh riêng của nữ nhân viên kiểm thể này cũng không hề nhàn hạ. Trong mùa dịch, hai bên nội ngoại đều ở quê nên trong lòng lúc nào cũng canh cánh nỗi lo cho bố mẹ. Chồng Thanh Hòa là Thiếu tá Ngọc Thế Hùng, nhân viên kiểm soát hành chính ở Chốt kiểm soát, phòng, chống dịch H7 thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cũng bươn theo từng chặng đường biên giới. Kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, anh thậm chí không có thời gian tranh thủ về thăm nhà do nhiệm vụ yêu cầu luân phiên 24/24 giờ ứng trực. Hai đứa con bé bỏng đang tuổi ăn, tuổi chơi, một mình chị cáng đáng để anh yên tâm công tác.

“Nhiều hôm, trực gác, làm việc thâu đêm, phải gửi con cho bạn bè trông giúp, thương và nhớ các con lắm, nhưng vì nhiệm vụ chưa hoàn thành nên không thể sao nhãng được” - nói chưa dứt câu, chị Hòa vội đeo khẩu trang và xin phép quay trở lại với công việc. Phía bên kia cổng tự động, hàng người chờ nhập cảnh đứng xếp hàng dài. Tôi chỉ kịp thấy bóng lưng của người lính tóc dài ấy lọt thỏm giữa những xe container cao ngất. Mới đây, chị đã được điều chuyển về công tác tại Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh nên việc chăm sóc bố mẹ già và con nhỏ cũng đỡ vất vả phần nào.

Ở biên giới miền Tây Quảng Trị cũng có một nữ quân nhân như thế. Thiếu tá Lê Thị Vân đã bước sang năm thứ 18 của đời quân ngũ và có 4 năm công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay. Mặc dù trước đây được đào tạo chuyên ngành khác, nhưng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của một nhân viên kiểm thể, nữ quân nhân đã nỗ lực học hỏi thêm từ đồng đội và sách nghiệp vụ để tự trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản, hữu hiệu.

Trên biên giới La Lay, người dân đa phần là bà con Pa Kô thuần hậu nên Thiếu tá Lê Thị Vân thấy gắn bó như quê nhà, nhiệt tình hỗ trợ bà con mỗi khi xóm, bản có việc. Là người có khiếu văn nghệ, chị tham gia xây dựng phong trào văn hóa mới và trở thành nòng cốt của đội văn nghệ địa phương, tích cực bảo tồn nhiều giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào. Những tưởng “lính gái” chỉ quen việc nhẹ nhàng và đàn hát, nhưng khi biên cương căng mình chống dịch, bước chân của nữ quân nhân này đã băng qua nhiều dốc cao, suối sâu để đến với các chốt Biên phòng.

Từ đầu năm 2020, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay đã thành lập 4 chốt dã chiến phòng, chống dịch. Mặc dù không phải trực bám chốt, song, khi đồng đội vất vả nắng mưa, chị Vân không thể ngồi yên. Chị dành thời gian tăng gia, vun luống rau xanh, dựng giàn bí đỏ và nuôi đàn ngan đen, làm muối vừng, ruốc thịt... hàng tuần mang lên chốt để anh em cải thiện. Chị cũng chủ động đề xuất với chỉ huy đơn vị được trực chốt ban ngày, ban đêm về doanh trại để anh em có thêm chút thời gian ngủ bù cho bao đêm thức trắng. “Tôi là một quân nhân, không lẽ cứ lấy mình là nữ mà đẩy khó khăn cho đồng đội nam” - Lê Thị Vân đã khảng khái trả lời chỉ huy như thế.

Thiếu tá Lê Thị Vân mang lương thực, thực phẩm tươi sống đến các chốt Biên phòng cho đồng đội.

Mỗi sáng, Thiếu tá Lê Thị Vân nhắn tin cho đồng đội ở các chốt từ rất sớm, lên danh sách những món đồ mọi người cần dùng rồi ra chợ Tà Rụt mua mang lên, đi một vòng gần 30km qua các chốt để “rải” hàng rồi mới quay về chốt của mình để làm nhiệm vụ. Vậy là, gần như ngày nào các chốt của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay cũng có đồ tươi trong bữa cơm ven rừng. Đại úy Nguyễn Hoài Linh, Phó Đồn trưởng cho biết, với sự hỗ trợ nhiệt tình, tỉ mỉ của Thiếu tá Lê Thị Vân, bữa cơm của anh em cũng đủ đầy hơn, ít phải ăn mì tôm và cá khô như thời gian đầu.

Câu chuyện của những người phụ nữ đang ngày đêm xung kích, thực hiện nhiệm vụ tại tuyến đầu ngăn chặn xuất, nhập cảnh và phòng, chống dịch bệnh Covid-19, khiến cho tôi liên tưởng đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây nửa thế kỷ: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO