Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:49 GMT+7

Bản lĩnh của nhà báo trong thời đại công nghệ 4.0

Biên phòng - Sự phát triển của công nghệ thông tin với sự nở rộ của các trang mạng xã hội tạo ra sự bùng nổ thông tin với độ phủ sóng sâu rộng, xuyên biên giới, xuyên lục địa. Đáng lo ngại là tình trạng thông tin thật giả lẫn lộn, thông tin xấu độc len lỏi vào từng gia đình, chi phối suy nghĩ và hành động của từng cá nhân. Trong “rừng” thông tin đó, với trách nhiệm đưa thông tin đúng sự thật, định hướng dư luận, đòi hỏi nhà báo phải có sự tinh tường và bản lĩnh chính trị thật vững vàng.

Các phóng viên tác nghiệp tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm 2021. Ảnh: TTXVN

Tỉnh táo trước các thông tin xấu, độc

Thời đại ngày nay, bất cứ người nào với thiết bị điện tử trong tay đều có thể chia sẻ thông tin tới hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người. Sự phát triển vượt trội của công nghệ thông tin khiến thông tin ngày càng hấp dẫn hơn và chi phối hoạt động của con người nhiều hơn. Lợi ích mang lại là không thể phủ nhận, thế nhưng sự bùng nổ thông tin cũng mang lại những tác hại khôn lường không thể đo đếm được.

Thực tế, không ít cá nhân đã bị tổn hại danh dự và nhân phẩm do những thông tin không đúng, thông tin có tính chất bôi nhọ bị lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Có những vụ việc rất nhỏ, mang tính cá nhân, gói gọn trong một gia đình cũng bị đưa lên mạng xã hội, người đọc bàn tán, bình luận xôn xao mà không cần kiểm chứng thông tin, khiến sự việc bị đẩy đi quá xa so với bản chất sự việc.

Ở góc độ khác, các thế lực thù địch đang lợi dụng sự phát triển của công nghệ để dàn dựng các clip, đăng tải thông tin xấu độc để phá hoại Đảng, Nhà nước ta. Thủ đoạn của các thế lực thù địch là đưa tin giả, tin sai sự thật, cắt dán hình ảnh, video biến hiện tượng thành bản chất, biến tốt thành xấu, bôi nhọ hình ảnh, danh dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, gây mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, hệ thống chính quyền các cấp.

Nói về vấn đề này, nhà báo Lê Văn Tòa, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng cho hay, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh sử dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Một trong những thủ đoạn của chúng là “dán nhãn”. Theo thủ đoạn này, họ bịa ra những thông tin không có thật được ngụy trang trong một cái vỏ bọc xấu xí, kích động dư luận lên án mà không cần xem xét bằng chứng. Ví dụ, họ bịa ra một danh sách toàn là lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương gửi USD vào Ngân hàng Quốc tế ở Thụy Sĩ. Thông tin này được gắn trong cái vỏ bọc tham nhũng, từ đó nói rằng, tham nhũng là do độc Đảng lãnh đạo, muốn hết tham nhũng thì phải đa đảng... Một thủ đoạn khác là “chuyển tải”, chúng thường dẫn lời các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những người có uy tín trong xã hội rồi lợi dụng vào đó để chuyển tải thông tin giả mạo để người nghe không nghi ngờ.

Ngoài ra, các thế lực thù địch còn dùng thủ đoạn khoét sâu những chi tiết có thật nhưng được cắt xén rồi đánh tráo bản chất. Chúng triệt để lợi dụng các trang mạng xã hội để loan truyền tin giả, tin đồn rồi bình luận, xuyên tạc quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước..., từ đó, kích động chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Nhà báo phải không ngừng trui rèn bản lĩnh

Đối với lĩnh vực báo chí, nhờ công nghệ thông tin, hoạt động tác nghiệp của nhà báo cũng thuận lợi hơn. Mạng xã hội mang lại những lợi thế vượt trội của các mạng xã hội trong việc hỗ trợ những người làm báo tìm kiếm và lan tỏa thông tin, tương tác với công chúng và định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận chung.

Phóng viên Báo Biên phòng vượt hàng trăm cây số đi tới các bản làng biên giới để lấy thông tin, phản ánh chân thực đời sống của người dân. Ảnh: Nguyên Nhi

Tuy nhiên, tình trạng nở rộ tin giả, tin sai sự thật với tốc độ truyền tin chóng mặt cũng tạo nên những thử thách lớn cho những người làm báo trong đấu tranh, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, ổn định tư tưởng trong nhân dân. Theo nhà báo Lê Văn Tòa, đây không phải là cuộc chơi “con chữ” mà là một “cuộc chiến thông tin” trên không gian mạng. Với tư cách là người đưa tin, định hướng dư luận xã hội, đòi hỏi nhà báo phải có bản lĩnh vững vàng, biết phân định thông tin đúng, sai và kiểm chứng thông tin để lựa chọn đưa đến cho độc giả những thông tin đúng đắn nhất.

Nhà báo Lê Văn Tòa cho rằng, để báo chí góp phần làm chủ truyền thông, làm chủ mạng xã hội, báo chí nói chung và người làm báo nói riêng không được tách rời lòng yêu nghề với ý thức bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Bên cạnh đó, phải thường xuyên trui rèn bản lĩnh người làm báo cách mạng. Không ngừng phổ cập và rèn luyện kỹ năng tác nghiệp báo chí phù hợp với thời đại.

Đề cập đến vấn đề rèn luyện đạo đức nghề nghiệp người làm báo trong thời đại 4.0, nhà báo Nguyễn Xuân Hồng, Trưởng phòng Thư ký tòa soạn, Báo Điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ chỉ ra thực trạng, hiện nay, có một số nhà báo khai thác, sử dụng và phát tán thông tin từ mạng xã hội mà bỏ qua thao tác nghiệp vụ không thể thiếu - kiểm chứng thông tin. Hơn thế nữa, điều đáng báo động là, không chỉ khai thác tin giả trên mạng xã hội do sơ suất, thiếu tỉnh táo, nhiều nhà báo còn chủ động sử dụng mạng xã hội cho những mục đích phi nghề nghiệp như bày tỏ các quan điểm trái ngược hoặc có những phát ngôn thiếu chuẩn mực nhằm câu view, tăng mức độ nổi tiếng của bản thân. Có người thậm chí còn dùng mạng xã hội để công kích, bôi nhọ, tạo áp lực dư luận với doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân vì động cơ nào đó, nhiều khi là trục lợi.

Theo nhà báo Nguyễn Xuân Hồng, để đứng vững giữa các luồng thông tin, định hướng dư luận xã hội hướng tới những điều tốt đẹp, mỗi nhà báo cần ý thức rõ ràng, sâu sắc về vai trò nhà báo và trách nhiệm xã hội của mình, từ đó, luôn hành xử và phát ngôn chuẩn mực, đặc biệt trên môi trường mạng. Hãy luôn là “công dân mạng thông minh và nhà báo liêm chính” mọi nơi, mọi lúc. Cùng với đó, các cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản cần tăng cường giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và ý thức chấp hành pháp luật cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của mình. Đẩy mạnh hơn nữa việc phát hiện và xử lý nghiêm những nhà báo, cơ quan báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

“Lòng yêu nghề, bảo vệ Đảng của một nhà báo không phải chỉ thông tin biểu dương, ca ngợi một chiều, lòng yêu nghề, bảo vệ Đảng mà cái chính là sự “hài hòa” giữa “chống” và “xây”, “xây trong chống” và chống để xây, định hướng dư luận đến những giá trị nhân văn tốt đẹp” - nhà báo Lê Văn Tòa nhấn mạnh.

An Nhiên

Bình luận

ZALO