Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 24/09/2023 09:09 GMT+7

Bản Lang thoát nghèo nhờ cây chuối

Biên phòng - Trong mấy năm trở lại đây, nhờ trồng chuối mà đời sống của người dân tại xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã thoát nghèo, nhiều gia đình đã có của ăn của để.

5af2a109471e3c6683000e5f
Việc thương lái thu mua chuối ngay tại địa phương đã giúp các gia đình ở Bản Lang cắt giảm được chi phí vận chuyển. Ảnh: Kim Nhượng

Trên các cung đường của xã Bản Lang, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một màu xanh bạt ngàn của cây chuối trên các dãy đồi, núi. Ở đây, chuối trở thành hàng hóa chủ lực của xã để xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần xóa đói giảm nghèo và từng bước đưa hàng trăm hộ dân ở vùng cao biên giới trở thành triệu phú...

Trước đây, sản xuất nông nghiệp của xã Bản Lang chủ yếu là trồng lúa nương, trồng sắn, ngô, nguồn thu nhập thấp, đời sống của đại bộ phận nhân dân gặp khó khăn. Đứng trước tình hình đó, xã Bản Lang đã quyết tâm đổi mới, chuyển đổi mô hình nông nghiệp, trong đó, mô hình trồng chuối được nhân dân tập trung phát triển và nhân rộng. Cây chuối khi được trồng tại xã phát triển nhanh, ít sâu bệnh, chất lượng ngon, quả to tròn và ngọt, được nhiều thương lái tới thu mua.

Là người đi đầu trong việc phát triển cây chuối ở Bản Lang, ông Lý Văn Nim, Trưởng bản Bản Lang, xã Bản Lang cho biết: “Gia đình tôi khi mới trồng chuối chỉ nghĩ là trồng để lấy cây cho lợn ăn. Nhưng, sau đó thấy chuối ra quả to, đẹp, lại ngon, nên tôi quyết định chuyển đổi từ trồng ngô, khoai sang trồng loại cây ăn quả này. Nhờ có cây chuối, gia đình tôi mới khá giả như hôm nay. Thấy trồng chuối hiệu quả, tôi đã khuyến khích anh em, họ hàng rồi bà con trong bản làm theo. Tính đến nay, gia đình tôi đã trồng hơn 40ha chuối”. Từ khi chuyển đổi sang trồng chuối đến nay, mới chỉ vài năm mà gia đình ông Nim đã xây được nhà, mua được những đồ dùng đắt tiền như ti vi, tủ lạnh... Ông Nim còn khoe thêm, vụ chuối năm tới, ông sẽ mua xe tải để chở chuối ra cửa khẩu bán cho thương lái. 

Ông Phàn A Tỏn, Chủ tịch UBND xã Bản Lang cho biết: Xã Bản Lang có 15 bản, diện tích tự nhiên 103,79km2, dân số khoảng 5.537 người, chủ yếu là đồng bào Mông, Dao Đỏ, Thái.

Những năm về trước, đời sống bà con rất khó khăn. 5 năm trở lại đây, khi chuyển đổi sang trồng chuối, đời sống bà con ngày càng khá giả, nhiều hộ nhờ trồng chuối thu nhập 500 đến 600 triệu đồng/năm. Theo giá thị trường mà các thương lái thu mua tại địa bàn, 1kg chuối khoảng 14 nghìn đồng.

Khi cây chuối trở thành nguồn lực chính giúp cho đồng bào phát triển kinh tế, UBND xã Bản Lang đã cử nhiều cán bộ khuyến nông xuống tận địa bàn, hướng dẫn bà con phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật trồng phù hợp, chọn những loại phân tốt để chăm bón cho chuối.

Từ khi có được thị trường tiêu thụ đều đặn, giá thành cao, ổn định từ phía Trung Quốc, cây chuối ở xã Bản Lang nói riêng và các xã ở vùng biên giới huyện Phong Thổ nói chung đã thực sự trở thành cứu cánh cho người dân nơi đây. Bên cạnh thị trường xuất khẩu, chuối ở đây còn có mặt ở một số tỉnh, như: Lào Cai, Yên Bái, thậm chí còn về các tỉnh miền xuôi. Đến nay, bình quân mỗi vụ chuối, người dân nơi đây thu nhập khoảng 400 đến 500 triệu đồng.

Cách đây 5-6 năm, gia đình ông Phàn Vần Minh, ở bản Thèn Thầu, xã Bản Lang là một trong những hộ nghèo. Sau khi trồng chuối, gia đình ông đã trở thành hộ có thu nhập khá giả. Ông Minh chia sẻ: “Nhiều năm về trước, Bản Lang là xã đặc biệt khó khăn và nhiều tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn về ma túy. Nhưng nhờ chủ chương, chính sách đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương, Phòng Khuyến nông huyện Phong Thổ khuyến khích, hướng dẫn bà con phát triển cây chuối, nhiều gia đình đã khá giả hẳn lên”.

Ông Minh chỉ ngôi nhà mới xây còn thơm mùi sơn mới, bảo, ngôi nhà mới xây được một tháng, tiền từ nguồn thu nhập mấy vụ chuối vừa qua. Ông cũng mong giá chuối giữ ở mức ổn định để thu nhập của bà con không bị bấp bênh.

Có được thu nhập cao từ cây chuối, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân trong xã Bản Lang thay đổi rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; 100% hộ dân đã mua sắm được các phương tiện nghe nhìn; đa phần người dân mua sắm được xe máy làm phương tiện đi lại và vận chuyển chuối. Nhiều gia đình mua máy phát cỏ để tăng năng suất lao động. Những ngôi nhà xây khang trang, kiên cố dần dần mọc lên, đó là điểm sáng của sự thoát nghèo từ mô hình phát triển kinh tế đúng đắn của bà con nơi đây. Và, cái được lớn nhất là bà con đã dần thay đổi suy nghĩ, tập quán canh tác từ thô sơ đến hiện đại, tiến tới kinh tế trang trại độc canh cây chuối.

Kim Nhượng

Bình luận

ZALO