Biên phòng - Sau 2 năm “im ắng” vì dịch Covid-19, Bản Lác đã lấy lại được sự nhộn nhịp của một điểm du lịch cộng đồng vốn đã có chỗ đứng trong lòng du khách. Tất cả các dịch vụ du lịch và những ngành nghề bổ trợ như được trợ lực, tiếp sức để “hồi sinh” mạnh mẽ.

Chúng tôi đến Bản Lác (xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đúng mùa lúa vào độ chín. Ấn tượng đầu tiên của tôi về vùng đất nằm giữa thung lũng này là khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành. Đặc biệt, bản làng rất sạch sẽ, không có rác thải vứt bừa bãi.
Đến nay, Bản Lác đã “mở cửa” hoàn toàn trong bối cảnh bình thường mới được hơn 3 tháng. Tất cả các nhà nghỉ, dịch vụ lưu trú, homestay đều mở cửa đón khách trở lại.
Đưa chúng tôi đi khám phá Bản Lác, anh Hoàng Bách, chủ homestay Biên Thùy phấn khởi cho biết: “Lâu lắm rồi, Bản Lác mới lại nhộn nhịp, rộn ràng tiếng cười. Chúng tôi đón khách từ đầu năm 2022, nhưng phải đến cuối tháng 3 mới dám “mở cửa” hoàn toàn khi dịch Covid-19 đã lắng xuống. Có ngày cao điểm, nhà tôi đón 160 khách, kín hết các phòng, không khí đông vui, tấp nập, rộn ràng như thời điểm chưa có dịch bệnh khiến chúng tôi rất phấn khởi”.
Bản Lác có 126 hộ dân, 100% làm dịch vụ du lịch. Hiện tại, trong bản có 71 nhà nghỉ cộng đồng homestay, 9 nhà nghỉ, 2 khách sạn, 1 khu nghỉ dưỡng, cùng nhiều dịch vụ khác như nhà hàng ăn uống, cà phê, karaoke... Giống như nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác, Bản Lác cũng phải trải qua “cú sốc” Covid-19. Nhiều chủ homestay cũng như những người làm dịch vụ du lịch khác ở Bản Lác đã phải xoay sở bằng cách tập trung vào sản xuất nông nghiệp để có thể trụ vững trong thời gian nghỉ dịch.
Anh Bách nhớ lại: “Hai năm vừa rồi, cả bản điêu đứng vì dịch bệnh. Nhà nào cũng phải đóng cửa, không khách du lịch ghé thăm, cả bản vắng lặng, buồn thiu. Đầu năm 2020, tôi vay tiền mua một chiếc xe điện gần 300 triệu đồng để chở khách tham quan các bản xung quanh, chạy được vài chuyến thì phải đắp chiếu, rất xót ruột. Trong thời gian nghỉ dịch, tôi và những hộ dân khác trong bản chỉ còn biết tập trung vào sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, chăn nuôi lợn, gà để cầm cự. Bây giờ mở cửa trở lại, khách đến ngày một đông, tôi hy vọng sẽ sớm hoàn được vốn”.
Tính từ đầu năm đến đầu tháng 6/2022, các cơ sở lưu trú ở Bản Lác và các bản lân cận đã đón gần 30.000 lượt khách tham quan, du lịch, doanh thu từ dịch vụ du lịch, lưu trú trên 35 tỷ đồng. Tính riêng trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Bản Lác và các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn đón trên 3.000 lượt khách du lịch, trên 70% lượt khách lưu trú.
Chủ homestay Mai Thủy cho biết: “Chúng tôi mở cửa đón khách trở lại từ tháng 3/2022. Có ngày, Bản Lác tiếp đón 4.000 du khách tới tham quan, nghỉ lại. Nhà tôi có 4 phòng ngủ cộng đồng, mỗi phòng tiếp nhận được khoảng 30-40 khách nghỉ qua đêm. Có những thời điểm nhà tôi kín khách. Đây là thời điểm vui nhất của chúng tôi vì 2 năm qua, cả bản im ắng tiếng cười”.
Chị Hà Thương Mai, chủ một homestay ở Bản Lác nói: “Không giống như các điểm du lịch khác, Bản Lác có khách ghé thăm quanh năm. Trước khi có làn sóng dịch Covid-19, vào mùa du lịch, bản đón trên dưới 1.000 khách trong và ngoài nước. Từ ngày xảy ra dịch Covid-19, bãi xe vắng tanh, hàng quán đóng cửa, bản làng vắng lặng. Mãi đến bây giờ, bản làng mới rộn ràng trở lại. Lượng khách du lịch đến đã đạt được mức như trước đây. Các ngành dịch vụ khác như ăn uống, bán quà lưu niệm, cho thuê xe đạp để du khách tự đi ngắm cảnh đều hoạt động trở lại... Chúng tôi rất vui vì điều này”.
Trở về nhà nghỉ sau một buổi chiều tự đạp xe khám phá các ngóc ngách của Bản Lác, chị Nguyễn Hiền Ngọc, du khách đến từ Hà Nội vui vẻ bày tỏ: “Điều tôi thích nhất ở Bản Lác là sự gần gũi với thiên nhiên, người dân thân thiện, đặc biệt, các món ăn của người Thái rất ngon. Dịch vụ du lịch ở Bản Lác khá đa dạng, có chất lượng nhưng giá cả rất phải chăng”.
Còn chị Ngô Thu Huệ, du khách thân thuộc của Bản Lác chia sẻ: “Gia đình tôi đã đến đây nhiều lần. Mỗi mùa, Bản Lác có vẻ đẹp khác nhau. Tôi thích nhất là mùa lúa chín, khung cảnh rất đỗi thanh bình, đúng chất không khí làng quê. Đến Bản Lác, tôi được trực tiếp xem người dân dệt vải thổ cẩm, biểu diễn các điệu múa hát truyền thống. Đây là những trải nghiệm rất thú vị”.

Giữ gìn cảnh quan và văn hóa là những yếu tố quan trọng nhất để “hút” khách du lịch đến với Bản Lác, vì vậy, trong suốt nhiều năm, người dân Bản Lác luôn chú trọng giữ gìn vẻ hoang sơ vốn có và “gốc gác” của mình. Người dân vẫn kết hợp làm nông nghiệp, giữ gìn nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, vì xu hướng du lịch nông nghiệp nông thôn ngày càng phát triển, du khách bây giờ thích tìm về với thiên nhiên nhiều hơn.
Để đảm bảo vệ sinh môi trường, bà con di chuyển hết trâu bò ra khỏi gầm sàn, có chỗ nuôi nhốt riêng. Khoảng 2-3 ngày, bà con lại dọn vệ sinh đường đi, lối lại trong bản một lần. Vì thế, du khách đến Bản Lác không bao giờ phải phiền lòng vì mùi lạ.
Với cách làm của mình, Bản Lác đã lấy lại được nhịp độ phát triển du lịch. Tại một số thời điểm, lượng khách du lịch tới Bản Lác còn đông hơn cả trước khi có dịch bùng phát, khiến những người làm du lịch ở Bản Lác có thêm niềm tin vào sự phục hồi của ngành du lịch và dần bù đắp được những thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19 gây ra trong suốt 2 năm qua. Sự nhộn nhịp của Bản Lác cũng là tín hiệu vui, tạo sức bật cho ngành du lịch của tỉnh Hòa Bình.
Trong quá trình phát triển, cộng đồng người Thái ở Bản Lác khéo léo giới thiệu văn hóa Thái vào các sản phẩm du lịch. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã cộng sinh cùng với du lịch để tồn tại và phát triển. Cùng với đó, ẩm thực của dân tộc Thái cũng được giới thiệu rộng rãi với du khách. Nhờ du lịch, người Thái ở Bản Lác không chỉ làm giàu, nâng cao đời sống vật chất, mà còn bảo tồn được nguyên vẹn văn hóa truyền thống của mình, đặc sắc nhất là các điệu múa, bài hát của người Thái, các nghi lễ dân gian... Đây là điều đáng để các địa phương khác học tập.
Xuân Hương