Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 29/09/2023 06:39 GMT+7

Ban hành Luật Biên phòng Việt Nam nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp bảo vệ biên giới

Biên phòng - Ngày 16-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN). Các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nhiệm vụ của lực lượng BĐBP lực lượng phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng bảo đảm về chế độ, chính sách biên phòng kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện có dấu hiệu vi phạm tại biên giới, cửa khẩu.

Toàn cảnh Tổ 18 thảo luận dự thảo Luật BPVN. Ảnh: Viết Hà

Thảo luận tại tổ, các đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật BPVN là hết sức cần thiết nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức trong sự nghiệp bảo vệ biên giới. Đồng thời, xây dựng lực lượng BĐBP chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng vai trò chuyên trách trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Về quy định tên gọi dự thảo Luật, phạm vi điều chỉnh, các đại biểu cho rằng, tên gọi dự thảo Luật BPVN là phù hợp với phạm vi điều chỉnh và không thể thay thế. Khi Luật BPVN được ban hành sẽ huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng biên giới phát triển toàn diện, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc trong thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh dân dân.

Theo ông Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, biên giới quốc gia là quan trọng, thiêng liêng; thể hiện bộ mặt, tiềm lực quốc gia, nên rất cần thiết ban hành Luật BPVN để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị xây dựng khu vực biên giới phát triển. Tên gọi Luật BPVN là phù hợp với thực tiễn và cụ thể hóa Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; đáp ứng phạm vi điều chỉnh, phát huy sức mạnh tổng hợp, củng cố nền biên phòng toàn dân, xây dựng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới; xây dựng biên giới vững mạnh, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển...

Đại biểu Hà Ngọc Chiến phát biểu góp ý dự thảo Luật BPVN. Ảnh: Viết Hà

Về quy định chức năng, nhiệm vụ của BĐBP, nhiều đại biểu khẳng định không có sự chồng chéo với các văn bản pháp luật hiện hành. Theo đại biểu Hà Ngọc Chiến, các nội dung đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành. Dự thảo luật đã luật hóa được các chủ trương của Đảng đối với BĐBP để thực hiện nhiệm vụ chuyên trách, nòng cốt bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Cùng quan điểm, đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) nhấn mạnh thêm, BĐBP đã thực thi các nhiệm vụ này một cách có hiệu quả, được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, nhân dân cả nước đánh giá cao. BĐBP là nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm vi phạm an ninh quốc gia, đặc biệt tội phạm ma túy, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại; xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng biên giới, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân. Đặc biệt, đất nước bước vào thời kỳ bình thương mới, thì BĐBP vẫn duy trì hàng nghìn tổ, chốt phòng, chống dịch Covid-19. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã có những hy sinh to lớn, ngăn chặn có hiệu quả dịch lây lan qua biên giới; tuyên truyền cho đồng bào phòng, chống dịch Covid-19.

Về quy định BĐBP tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới đồng bộ, gắn với củng cố quốc phòng - an ninh. Về vấn đề này, các đại biểu đã có sự đánh giá rất cao thực tiễn những việc BĐBP đã làm được trong thời gian qua.

Ông Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cho rằng, trong những năm qua, BĐBP đã gắn bó mật thiết với nhân dân, giúp đồng báo biên giới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; tham gia xây dựng phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, củng cố cơ sở chính trị. Đặc biệt, BĐBP đã có nhiều mô hình, chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: “Thầy giáo mang quân hàm xanh”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”; cán bộ BĐBP tăng cường tham gia cấp ủy các xã; thực hiện các dự án xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào; tham gia, hỗ trợ chính quyền củng cố cơ sở chính trị, xây dựng nông thôn mới... Những việc làm này đã tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần nâng cao lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên biên giới, bảo vệ vững chắc “phên dậu” của Tổ quốc.

Quy định lực lượng BĐBP thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu, các ý kiến đều nhấn mạnh, dự thảo Luật BPVN đã quy định rõ BĐBP chỉ kiểm tra người và phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm, một điểm nữa là BĐBP là lực lượng vũ trang, toàn bộ phạm vi biên giới do BĐBP đảm nhận quản lý, nên quy định như vậy là hợp lý, không có sự chồng chéo nhiệm vụ, hay BĐBP làm thay nhiệm vụ của Hải quan.

Đại biểu Bùi Đức Hạnh phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: Viết Hà

“Thực tế trong thời gian qua, BĐBP đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm một cách hiệu quả, phát hiện nhiều vụ vận chuyển pháo nổ, ma túy, vũ khí qua biên giới. Ngoài ra, BĐBP đã phối hợp với các lực lượng tại cửa khẩu đấu tranh thành công nhiều chuyên án vận chuyển ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại qua cửa khẩu” - Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, Phó Tư lệnh BĐBP (đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết.

Viết Hà

Bình luận

ZALO