Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 12/11/2024 12:39 GMT+7

Bàn giải pháp tái định hình hướng phát triển kinh tế toàn cầu

Biên phòng - Hội nghị mùa Xuân thường niên của Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa kết thúc mà không đưa ra được tuyên bố chung. Theo giới chuyên gia, khả năng phục hồi và tái định hình sự phát triển của kinh tế toàn cầu đòi hỏi nỗ lực hợp tác mạnh mẽ hơn nữa của các nền kinh tế.

Quang cảnh một phiên thảo luận tại Hội nghị mùa Xuân của WB và IMF diễn ra mới đây tại Thủ đô Washington, Mỹ. Ảnh: REUTERS

Hội nghị mùa Xuân lần này có ý nghĩa đặc biệt, bởi là lần đầu tiên tổ chức trực tiếp sau 3 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu Covid-19. Bối cảnh quốc tế cũng đang trải qua vô vàn thách thức, phần nào tác động tới trật tự và xu hướng phát triển của thế giới được định hình từ những năm trước đây. Chủ đề “Con đường phía trước: Xây dựng khả năng phục hồi và định hình lại sự phát triển” của hội nghị phần nào cho thấy mong muốn chung của toàn cầu trước những biến động của thời cuộc.

Trong khuôn khổ của hội nghị, hàng loạt vấn đề được chú trọng, như: Hệ lụy của đại dịch Covid-19; xung đột vũ lực, bất ổn an ninh; khủng hoảng nợ toàn cầu; lạm phát cao; gia tăng căng thẳng địa chính trị; ảnh hưởng của một số ngân hàng quốc tế sụp đổ (Silicon Valley Bank tại Mỹ, Credit Suisse tại Thụy Sĩ…)… Từ đó, việc tìm giải pháp giải quyết các thách thức về tăng trưởng kinh tế, tái cơ cấu nợ, phục hồi và phát triển kinh tế… trở thành nội dung được quan tâm nhiều nhất.

Theo truyền thông quốc tế, sự kiện đáng chú ý hàng đầu tại hội nghị báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) do IMF công bố. Bản báo cáo cung cấp góc nhìn vĩ mô về những thách thức tài chính toàn cầu, trình bày phân tích về sự phát triển kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn và trung hạn.

Theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại từ 6% năm 2021 xuống 2,8% trong năm nay, tiếp đó, dao động ở mức khoảng 3% vào năm 2028. Mức dự báo 5 năm này là thấp nhất, kể từ khi IMF bắt đầu đưa ra các dự báo tăng trưởng 5 năm vào năm 1990.

Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, giới học giả cùng chỉ ra rằng, mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới giảm cho thấy một số nền kinh tế lớn đang ngày càng yếu đi, trong khi các ngân hàng trung ương khả năng cao sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế đà tăng của lạm phát.

Một điểm đáng chú ý khác trong phân tích của IMF, mức lạm phát toàn cầu sẽ giảm xuống 7% trong năm 2023, thấp hơn mức 8,7% của năm 2022, nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với mục tiêu 2% mà nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đề ra.

Đồng tình với phân tích của IMF, nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng, thị trường tài chính hiện tồn tại những điểm yếu tiềm ẩn có nguy cơ bùng phát thành một cuộc khủng hoảng mới và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu. Điển hình nhất trong số những “yếu điểm” là sự thiếu chuẩn bị để thích ứng với tác động của việc tăng lãi suất. Rủi ro đã gia tăng nhanh sau các vụ ngân hàng có tầm ảnh hưởng quốc tế sụp đổ trong những tháng qua. Cùng với đó là sự liên kết yếu ớt của một số nhà đầu tư khiến khả năng sụp đổ của các ngân hàng có thể “lây lan”.

Bức tranh tổng thể nền kinh tế toàn cầu đang hiện hữu những “gam màu” của sự hỗn loạn mới với mức độ nghiêm trọng trong hệ thống ngân hàng, có thể gây gián đoạn hoạt động tín dụng và tạo xu hướng đổ tiền vào các “tài sản trú ẩn” an toàn… Những yếu tố này làm tăng khả năng dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới có thể xuống mức 1%, tác động mạnh tới nguy cơ suy thoái lớn của các nền kinh tế lớn và áp lực nặng nề đối với các nền kinh tế mới nổi. Phần đông quan chức ngành tài chính, ngân hàng các nước và giới chuyên gia cùng cho rằng, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để ứng phó với lạm phát cao kéo dài.

Theo giới chuyên gia, các cuộc khủng hoảng đa chiều và liên tiếp trong những năm gần đây đã chấm dứt thời kỳ tăng trưởng bền vững của nền kinh tế thế giới trong hơn hai thập kỷ. Đồng thời, các thách thức tạo ra tình trạng bất ổn trên thế giới vẫn không ngừng gia tăng khiến kinh tế toàn cầu ngày càng giảm đà tăng trưởng.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO