Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:43 GMT+7

Bàn giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Biên phòng - Trước tình trạng nguồn lợi thủy sản đang bị suy giảm nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân, ngày 19-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Bàn giải pháp thực hiện bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017.

g2vx_16
Các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn đà suy giảm của nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Bích Nguyên

Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 30-9-2019, nước ta có 96.609 tàu cá đang hoạt động, với tổng công suất trên 10 triệu CV.

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản đạt 9 tỷ USD. Kết quả này đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, góp phần cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người dân các tỉnh ven biển.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Thủy sản cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: Sự suy giảm nguồn lợi thủy sản ở cả vùng biển và vùng nội địa; ô nhiễm rác thải nhựa, môi trường nước, môi trường sống của các loài thủy sản do sự phát triển của một số ngành kinh tế (công nghiệp, du lịch…). Hệ sinh thái thuỷ sinh (hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái cỏ biển,…) bị suy thoái nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác, bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản vẫn diễn ra thường xuyên, ngày càng tinh vi.

Để tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong năm 2019, 54/63 tỉnh, thành trên cả nước đã thả hơn 91 triệu con giống xuống các thủy vực tự nhiên, cao gấp hơn 2 lần so với năm 2018.

Đặc biệt một số địa phương thả hàng chục triệu tôm sú giống, các loài thủy sản quý, hiếm và cá thể bố, mẹ, trưởng thành như: Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Quảng Ninh.

Bàn giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng cho rằng: Quản lý nghề cá dựa vào hệ sinh thái là công cụ hỗ trợ phát triển bền vững và tạo ra các lợi ích về mặt sinh thái một cách tối đa trong các khu vực có hoạt động nghề cá. Việc quản lý dựa vào hệ sinh thái cần thông qua tăng cường năng lực và thể chế quản lý nguồn lợi ven bờ; tăng cường phục hồi hệ sinh thái và sáng kiến sinh kế bền vững.

Theo GS.PTS Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu bảo tồn biển (KBTB) được xem là một công cụ quản lý hữu hiệu để bảo toàn tính bền vững của các vùng biển và các ngành kinh tế biển dựa vào nguồn lợi tự nhiên, như: Nghề cá, du lịch và các dịch vụ đi kèm.

Hiện Việt Nam có 16 KBTB. Hệ thống các KBTB này chiếm diện tích bằng khoảng 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam. Gần 70.000 ha rạn san hô, 20.000 ha thảm cỏ biển và một phần rừng ngập mặn, phần lớn các bãi giống, bãi đẻ và nơi cư trú của các loài thủy sản kinh tế, gần 100 loài đặc hữu và nguy cấp được quản lý trong hệ thống các KBTB đến năm 2020.

v56i_14
Việc khai thác quá mức là một trong những nguyên nhân làm cho nguồn lợi thủy sản bị suy giảm nghiêm trọng. Ảnh: Bích Nguyên

Các KBTB trong hệ thống quốc gia đầu tiên này phân bố đại diện cho toàn vùng biển và nếu được quản lý tốt sẽ tạo ra “cân bằng sinh thái” trong toàn vùng biển: Sau 3 năm quản lý tốt sẽ tạo ra hiệu ứng phục hồi trong KBTB và sau 5 năm sẽ xuất hiện “hiệu ứng tràn” phát tán nguồn giống và dinh dưỡng ra khu vực biển bên ngoài KBTB.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cũng cho rằng vùng ven biển tập trung rất nhiều hoạt động kinh tế vì vậy cần áp dụng phương thức quản lý tổng hợp vùng bờ. Đây được coi là một giải pháp để giảm xung đột trong phát triển, giảm áp lực đến môi trường, qua đó bảo vệ được nguồn lợi thủy sản.

Một số đại biểu nêu vấn đề, hiện tại Việt Nam đã có hệ thống quan trắc môi trường ven biển của ngành tài nguyên môi trường và ngành thủy sản. Những thông tin này cần được đưa tới cho người dân biết. Tuy nhiên việc chia sẻ dữ liệu và thông tin để cảnh báo cho người dân và vùng nuôi cũng cần được cân nhắc. Các chi cục thủy sản nên hệ thống hóa lại dữ liệu môi trường để có thể đánh giá xu hướng và dự báo sớm.

Bên cạnh các biện pháp trên, cơ quan chức năng cần triển khai thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trên toàn Quốc. Những nhà máy, khu công nghiệp đã và đang là nguy cơ quan trọng gây lên những thảm họa môi trường, do đó cần phải quản lý, giám sát công tác bảo vệ môi trường thường xuyên, liên tục và xử lý triệt để nếu sai phạm. Đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội về bảo vệ môi trường thông qua tuyên truyền, giáo dục.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO