Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:38 GMT+7

Bán đảo Triều Tiên: “Biến nguy thành cơ”

Biên phòng - Vấn đề Triều Tiên những ngày qua liên tục bị “hâm nóng” với những diễn biến phức tạp. Ở góc độ tổng thể, tuy chưa có những động lực đủ lớn để cải thiện tình hình, song, thời thế đang tạo ra một “bước ngoặt” nếu các bên cùng sẵn lòng “biến nguy thành cơ”.

(Từ trái qua phải) Đặc phái viên Mỹ Sung Kim, đặc phái viên Nhật Bản Takehiro Funakoshi, đặc phái viên Hàn Quốc Noh Kyu-duk Noh tại cuộc đàm phán ngày 14-9 tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: REUTERS

Phải cảnh giác

Vấn đề Triều Tiên làm “dậy sóng” cộng đồng quốc tế kể từ cuối tuần trước, khi nước này tiến hành thử nghiệm tên lửa hành trình tầm xa thế hệ mới trong 2 ngày. Theo hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), loại tên lửa này được phát triển trong 2 năm và thử nghiệm thành công sau khi bay 1.500km trong 2 giờ và bắn trúng mục tiêu. KCNA gọi tên lửa hành trình mới là vũ khí chiến lược có ý nghĩa lớn trong việc đáp ứng mục tiêu quan trọng của kế hoạch 5 năm về phát triển khoa học quốc phòng và hệ thống vũ khí của nước này.

Chỉ 2 ngày sau vụ thử tên lửa này, đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đàm phán ở Thủ đô Tokyo, Nhật Bản để thảo luận về biện pháp kiềm chế những diễn biến tiêu cực tại khu vực, cũng như chương trình phát triển vũ khí, hạt nhân của Triều Tiên.

Tuy nhiên, đến giữa tuần này, chỉ 1 ngày sau cuộc đàm phán ba bên, Triều Tiên tiếp tục bắn hai tên lửa đạn đạo vào biển Nhật Bản khiến căng thẳng khu vực leo thang. Theo Cảnh sát biển Nhật Bản, các tên lửa được cho là đã rơi bên trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là hành động leo thang căng thẳng thái quá, đe dọa hòa bình và an ninh tại khu vực. Theo quân đội Hàn Quốc, tên lửa được bắn từ một địa điểm không xác định trong đất liền và chưa thể xác định khoảng cách di chuyển. Truyền thông quốc tế đánh giá, vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc nhằm hạn chế chương trình vũ khí. Vào tháng 3, Triều Tiên cũng tiến hành thử nghiệm 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc hiện đang tiến hành điều tra thông tin chi tiết về các tên lửa mà Triều Tiên thử nghiệm gần đây. Trong khi đó, dư luận xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, những quả tên lửa mới của Triều Tiên có thể là vũ khí hạt nhân đầu tiên của nước này bởi, theo cách hiểu cơ bản, Triều Tiên dùng cụm từ “vũ khí chiến lược” ám chỉ một thiết bị có khả năng hạt nhân.

Theo công bố vào cuối tháng 8 vừa qua, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cho biết, Triều Tiên có khả năng đã khởi động lại lò phản ứng hạt nhân Yongbyon 5 megawatt sản xuất plutonium vào tháng 7. Lò phản ứng này đã bị đóng cửa vào năm 2018 trong bối cảnh đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều Tiên có nhiều tiến triển tích cực. Tuy nhiên, từ năm 2019, đối thoại Mỹ - Triều rơi vào bế tắc, kéo theo quan hệ của Triều Tiên với Hàn Quốc, Nhật Bản “sóng gió” trở lại. Giới quan sát an ninh lo ngại rằng, nếu thông tin về việc lò phản ứng hạt nhân này mở cửa nếu là đúng thì có thể Triều Tiên tiếp tục phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

“Biến nguy thành cơ”

Theo phân tích từ giới quan sát, Triều Tiên đặt ra nhiều tham vọng nâng tầm năng lực quân sự trong năm nay, nhưng trên thực tế, hoạt động quân sự của Triều Tiên năm nay không dồn dập như những năm trước. Bởi lẽ, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như đang tập trung các nguồn lực vào phòng, chống dịch bệnh, cũng như giải quyết hàng loạt thách thức đối với nền kinh tế bị suy yếu do phải đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Đây cũng được xem là lý do khiến Triều Tiên trong 6 tháng kể từ tháng 3 năm nay không có những động thái thử tên lửa.

Giới chuyên gia chính trị cho rằng, thông điệp chính từ cuộc đàm phán Mỹ - Nhật - Hàn ở cấp đặc phái viên diễn ra vào đầu tuần này là nhấn mạnh quan điểm muốn nối lại đối thoại với Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trở lại. Cuộc đàm phán ba bên cũng như quá trình tham vấn, đàm phán riêng giữa ba nước gần đây đều ưu tiên tập trung tới giải pháp hỗ trợ nhân đạo và các biện pháp khác để khuyến khích Triều Tiên quay trở lại đối thoại. Hỗ trợ nhân đạo là điều mà Triều Tiên đang rất cần lúc này bởi tác động của đại dịch Covid-19. Các lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo chủ yếu sẽ tập trung vào y tế, vệ sinh và nước sạch.

Đặc phái viên Mỹ Sung Kim nhấn mạnh, Mỹ nhiều lần khẳng định không có ý thù địch với Triều Tiên, thay vào đó, Mỹ mong muốn Triều Tiên có phản hồi tích cực để nối lại các cuộc đối thoại mà không đi kèm điều kiện tiên quyết. Ông Sung Kim cũng khẳng định, những động thái mới nhất của Triều Tiên dù với bất kỳ mục đích gì cũng gây nên những mối nguy về an ninh quốc tế, gây mất ổn định đối với Nhật Bản và Hàn Quốc - 2 đồng minh quan trọng của Mỹ. Vì vậy, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục duy trì khả năng răn đe mạnh mẽ nhất đối với các diễn biến tiêu cực.

Theo giới quan sát an ninh quốc tế, sau khoảng thời gian tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều Tiên rơi vào bế tắc từ năm 2019 dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức từ đầu năm tới nay liên tục cho thấy lập trường thúc đẩy giải quyết vấn đề Triều Tiên theo đường lối ngoại giao, đối thoại, ngay cả sau những diễn biến tiêu cực từ phía Triều Tiên vừa qua. Tuy nhiên, yếu tố “mấu chốt” hiện nay là “niềm tin vào đối thoại”. Có thể thấy, hàng loạt động thái của Triều Tiên thời gian qua minh chứng cho thái độ không mặn mà với đối thoại. Thậm chí, các vụ phóng tên lửa mới đây còn được xem là phản ứng khá tiêu cực của Triều Tiên trước những lời kêu gọi đối thoại.

Ở phía đối lập, trong 8 tháng lên nắm quyền, chính quyền Mỹ của ông Biden liên tục trải qua nhiều “sóng gió” của đất nước, nổi cộm như vấn đề Afghanistan, đại dịch Covid-19. Vì vậy, vấn đề Triều Tiên đối với Mỹ chưa có những diễn biến đủ tích cực để có thể tạo ra bước ngoặt hay động lực mới. Bên cạnh kêu gọi đối thoại, chính quyền của ông Biden chưa cho thấy sự nhượng bộ đối với Triều Tiên.

Hiện, có nhiều niềm tin về việc các bên liên quan sẽ nối lại đối thoại, đồng thời, cách tiếp cận trong vấn đề kiềm chế hạt nhân có thể sẽ thay đổi. Bởi thực tế hiện nay, khu vực không nên để xảy ra sự bất ổn, thay vào đó cần sự ổn định để tập trung mọi nguồn lực ứng phó với “kẻ thù chung” là Covid-19. Mặt khác, dưới tác động sâu, rộng của dịch Covid-19 đối với Triều Tiên, đây sẽ không phải thời điểm thích hợp với nguồn lực đủ bền để leo thang căng thẳng. Vì vậy, dù các bên đang chưa tạo ra động lực nhưng thời thế đã tạo ra một “bước ngoặt”. Triều Tiên cần viện trợ, Mỹ - Nhật - Hàn sẵn sàng đáp ứng viện trợ, điều này tạo nên quan hệ hợp tác tuy mong manh nhưng tích cực, thiện chí. Điều này sẽ là “bước ngoặt” cho tiến trình hòa bình cũng như phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên trong tương lai.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO