Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:03 GMT+7

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai thăm, tặng quà nhân dân vùng lũ Nghệ An

Biên phòng - Ngày 6/10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức 2 đoàn công tác tại tỉnh Nghệ An để đánh giá, rút kinh nghiệm công tác ứng phó và khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất, mưa lũ; nắm bắt nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp của địa phương; thăm hỏi, động viên người dân.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai trao tặng quà cho nhân dân huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: N. Hà

Đoàn thứ nhất do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến làm trưởng đoàn đi Kỳ Sơn thăm hỏi và tặng quà cho gia đình bị thiệt hại tại huyện Kỳ Sơn và làm việc với UBND huyện Kỳ Sơn.

Đoàn thứ 2 do ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai làm trưởng đoàn đi thăm hỏi và tặng quà cho gia đình bị thiệt hại tại huyện Đô Lương, huyện Thanh Chương và làm việc với UBND huyện Đô Lương và Thanh Chương.

Hai đoàn đã thăm hỏi, trao tặng 530 thiết bị lọc nước và 1.000 thùng mì nhằm giúp đỡ người dân vùng lũ bị thiệt hại tại các huyện Kỳ Sơn, Đô Lương, Thanh Chương.

Trước đó, ngày 2/10, huyện Kỳ Sơn phải hứng chịu một trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng, gây thiệt hại rất nặng nề.

Theo thống kê của UBND huyện Kỳ Sơn, lũ quét đã làm 1 người tử vong; 55 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, đổ sập hoàn toàn; 141 ngôi nhà bị hư hỏng nặng; 36 hộ dân đã buộc phải di dời không thể sinh sống tại nhà cũ do nguy cơ sạt lở đất.

Trận lũ quét cũng khiến nhiều cơ quan công sở bị đất đá tràn vào gây hư hỏng, cuốn trôi 2 ô tô và vùi lấp 11 ô tô. Ngoài ra, 72 xe máy bị cuốn trôi, 118 chiếc xe bị vùi lấp. Hàng loạt đồ dùng sinh hoạt khác của người dân như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy lọc nước, bếp ga của nhân dân cũng bị cuốn trôi.

Lũ quét cũng làm 10ha lúa rẫy của người dân các xã Keng Đu, Na Ngoi, Tây Sơn và 15ha diện tích lúa ruộng của các xã Na Loi, Nậm Cắn, Phà Đánh, Tà Cạ bị sạt lở, đổ, hư hại. Hàng nghìn con gia cầm, gia súc bị cuốn trôi, chết.

Do lũ quét, nhiều tuyến đường bị sạt lở, ách tắc rất nghiêm trọng. Trong đó, tuyến đường nối Mường Xén - Tây Sơn bị sụt lún nhiều đoạn, hiện nay xã Tây Sơn đang bị cô lập hoàn toàn. Đường quốc lộ 7 trên địa bàn thị trấn Mường Xén lên cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn sạt lở trên 11 điểm, hiện tại các phương tiện chưa thể lưu thông…

Về tình hình ngập lụt tại huyện Thanh Chương và Đô Lương, hiện nay do các hồ chứa thủy điện xã lũ và nước từ thượng nguồn đổ về nên trên địa bàn huyện Thanh Chương nước rút rất chậm, nhiều xã vẫn đang ngập trên diện rộng và nhiều xóm vẫn đang bị cô lập.

Ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trao tặng quà tại huyện Thanh Chương, Nghệ An. Ảnh: N. Hà

Kết quả thống kê đến 16 giờ ngày 5/10/2022, tình hình mưa lũ đã làm 1 người chết và gây thiệt hại nhiều tài sản của nhân dân. Toàn huyện Thanh Chương có 20 xóm đang bị cô lập; 62 nhà, 5 điểm trường vẫn còn bị ngập.

Trong mưa lũ có 42 nhà dân bị sạt lở phải di dời, 4 nhà bị đổ sập, 7 nhà bị tốc mái, 10 nhà dân bị cây đổ đè. Về công trình thủy lợi có 15 trạm bơm, 45 cống, 28 cầu tràn bị ngập và hư hỏng; 45 cột điện hạ thế bị đổ gãy.

Thống kê của huyện Thanh Chương cho thấy có 32ha lúa, hơn 760ha ngô, sắn và rau màu bị thiệt hại trên 70%. Ngoài ra, có khoảng gần 400ha ngô, sắn, cây công nghiệp bị thiệt hại từ 30 đến 70%.

Diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện Thanh Chương cũng bị thiệt hại nặng nề với hơn 1.000ha bị thiệt hại trên 70%. Mưa lũ đã làm hơn 12.000 con gia cầm, gia súc bị thiệt hại.

Đến thời điểm hiện nay do nước đang ngập trên diện rộng của nhiều xã nên chưa thể thống kê được các công trình bị hư hỏng và một số thiệt hại khác. Ước tính tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra cho huyện Thanh Chương là gần 100 tỷ đồng.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO