Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:24 GMT+7

Bám sát địa bàn, giữ vững an ninh trật tự

Biên phòng - Năm 2018, BĐBP TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý hàng trăm đối tượng liên quan đến hoạt động sử dụng, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác cát trái phép... Sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Biên phòng thành phố đã góp phần kiềm chế và đẩy lùi các loại tội phạm, mang lại cuộc sống bình yên trên địa bàn phụ trách.

zqn9_7a
Cán bộ Biên phòng cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh tuần tra, kiểm soát địa bàn. Ảnh: Hồ Phúc

Càng về cuối năm, nạn khai thác cát trái phép trên vùng biển huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) càng diễn biến phức tạp. Nếu trước đây, “cát tặc” chỉ hoạt động vào ban đêm thì giờ “công khai” cả ban ngày. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng khai thác cát trái phép ngày càng tinh vi, ma mãnh hơn, thậm chí nhiều đối tượng còn ngang nhiên chống đối, tấn công lực lượng thi hành nhiệm vụ khi bị phát hiện, xử lý. Chỉ tính từ cuối tháng 10-2018 đến nay, BĐBP TP Hồ Chí Minh đã phát hiện và bắt giữ 15 phương tiện khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, thu giữ khoảng 4 nghìn mét khối cát biển.

Cụ thể, vào khoảng 22 giờ 30 phút, ngày 19-12, Tổ công tác của Đồn Biên phòng Long Hòa, BĐBP TP Hồ Chí Minh trong lúc thi hành nhiệm vụ đã phát hiện sà lan SG-6668, do Trần Văn Vạng (sinh năm 1990), thường trú tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, làm Thuyền trưởng, đang khai thác cát tại khu vực biển Cần Giờ. Khoảng 15 phút sau, sà lan HP-4437, do Nguyễn Văn Khuyến (sinh năm 1978), trú tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang và sà lan ĐN-0955, do Vũ Văn Hải (sinh năm 1983), thường trú tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái làm Thuyền trưởng cũng tiến hành hút cát trên vùng biển này. Khi tiến hành kiểm tra, chủ các phương tiện không xuất trình được giấy tờ liên quan đến việc khai thác cát và cố tình bỏ chạy. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Tổ công tác đã khống chế thành công các đối tượng và phương tiện vi phạm. Sau khi tiến hành kiểm tra, đo đạc, lực lượng Biên phòng xác định, có khoảng 250 mét khối cát đã được bơm lên các sà lan.

Thượng tá Phạm Long Bào, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Long Hòa, cho biết, trong thời gian này, các đối tượng khai thác cát trái phép hoạt động rất manh động, vì vậy đơn vị đã cử nhiều tổ công tác thường xuyên bám nắm các địa bàn trọng điểm, đồng thời tuyên truyền cho ngư dân nếu phát hiện có hiện tượng bất thường, báo ngay cho lực lượng Biên phòng và các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

“Chúng tôi phải thường xuyên tuần tra hằng ngày, hằng đêm, công khai lẫn bí mật. Về mùa này, trong quá trình đi tuần tra phải luôn tính toán con nước, đặc biệt là về ban đêm để đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ. Trong quá trình đấu tranh với “cát tặc” cũng gặp rất nhiều khó khăn, một phần do lực lượng mỏng, phương tiện, trang thiết bị trang bị còn hạn chế, cộng với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng, nhưng anh em vẫn quyết tâm không để lọt lưới cát tặc. Những trường hợp vi phạm chúng tôi kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật” - Thượng tá Phạm Long Bào cho hay.

Trên tuyến hành lang cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh, tình hình hoạt động của các loại tội phạm cũng diễn biến không kém phần phức tạp. Nổi lên là hoạt động mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại các mặt hàng như: Dầu DO, FO, than, hàng điện tử, điện lạnh, phân U-rê... Bên cạnh đó, các vi phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực như an ninh trật tự, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, thủy sản, giao thông thủy nội địa... cũng thường xuyên xảy ra, gây khó khăn không nhỏ cho lực lượng Biên phòng và các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn.

Theo chia sẻ của Đại úy Trịnh Đông Nhựt, Phó Trưởng ban Phòng chống ma túy và tội phạm, Biên phòng cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh, tình trạng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy giữa các đối tượng trong các quận, huyện nội địa của thành phố Hồ Chí Minh với một số công nhân làm việc trong khu vực cửa khẩu cảng rất phức tạp. Ngoài ra, thời gian qua nổi lên tình trạng một số thuyền viên đi trên tàu chuyên tuyến ra nước ngoài đã mua các mặt hàng như: Thuốc lá, rượu, đồng hồ, hàng điện tử, điện lạnh... đã qua sử dụng rồi cất giấu trên tàu đưa về Việt Nam tiêu thụ. Tuy nhiên, với quyết tâm không để lọt tội phạm, các Trạm Kiểm soát Biên phòng phụ trách trên các địa bàn đã phối hợp với các lực lượng Công an, Hải quan vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ, phát hiện và bắt giữ hàng chục vụ việc vi phạm.

Theo thống kê trong năm 2018, BĐBP TP Hồ Chí Minh đã xử phạt vi phạm hành chính 140 vụ với 236 đối tượng liên quan đến các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép... với số tiền gần 2,2 tỉ đồng. Đơn vị còn phối hợp với Công an thành phố Hồ Chí Minh đấu tranh bắt giữ 3kg ma túy đá; phối hợp với Hải quan thành phố bắt giữ 6.770kg vảy tê tê, 357 chai rượu ngoại các loại, 1.810 gói thuốc lá ngoại.

Thượng tá Nguyễn Văn Sửu, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP TP Hồ Chí Minh cho biết: Từ nay đến áp Tết Nguyên đán 2019, tình hình hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn đơn vị phụ trách, đặc biệt là các đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng lậu sẽ diễn biến rất phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự khu vực và cuộc sống bình yên của nhân dân. Chúng tôi đã có phương án cụ thể và cử lực lượng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đóng quân trên các tuyến trọng điểm đẩy mạnh công tác trinh sát nắm tình hình để theo dõi chặt chẽ các di biến động của các ổ nhóm, đường dây tội phạm. Các đơn vị Biên phòng thành phố sẽ tập trung tuần tra, kiểm soát chặt chẽ ở những khu vực trọng điểm, quyết tâm không để xảy ra điểm nóng về tội phạm, góp phần cùng các lực lượng chức năng tạo môi trường ổn định để nhân dân trên địa bàn đón Tết cổ truyền vui vẻ, đầm ấm.

Hồ Phúc

Bình luận

ZALO