Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:30 GMT+7

Bám dân“gỡ” khó làm giàu (bài 2)

Biên phòng - Đường vào xóm Lũng Phiắc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, nhà 2-3 tầng san sát nhau. Quay ngược ra thôn Bản Giốc, nhà nghỉ, khách sạn cao 3-4 tầng tấp nập kinh doanh dọc hai bên đường. Qua xóm Háng Thoang, Đồng Tâm, Bản Rạ..., thấy nhiều nhà xây kiên cố và nhà cao tầng.

Bài 2: Đột phá đội ngũ cán bộ trẻ

“Dân ở biên giới xa xôi làm gì có tiền mà làm nhiều nhà cao tầng thế?” - Tôi đặt câu hỏi với ông Triệu Văn Háy, Bí thư Chi bộ xóm Lũng Phiắc, ông nói ngay không cần suy nghĩ: “Đó là nhờ xã làm được hệ thống thủy lợi kiên cố, đường giao thông, người dân nỗ lực sản xuất, chăn nuôi, làm thêm các loại hình dịch vụ, cả làng đi làm đổi công cho nhau. Chủ nhà chỉ bỏ tiền mua vật tư xi măng, sắt, dây điện..., nhiều thứ khác người dân tự làm ra được. Ai cũng phải ráng làm được cái nhà đúc, đề phòng mưa đá. Mưa đá trên này ghê lắm, có lúc rơi xuống những cục đá to như quả trúng gà”.

Thượng tá Mê Văn Đạt (mặc quân phục) trao đổi công việc với cán bộ trẻ ở xã Đàm Thủy. Ảnh: Hải Luận

Xã phát động phong trào - dân đồng thuận

Năm 2011, cán bộ Biên phòng tăng cường xã Mê Văn Đạt giữ hai chức vụ: Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy. Qua thời gian “thực tập” thực tiễn với những công trình dân sinh nho nhỏ do xã phát động, người dân bỏ công làm, đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong đời sống người dân, chứng minh cho lãnh đạo huyện thấy khả năng quản lý và triển khai dự án tốt ở cấp xã biên giới. Chủ tịch Mê Văn Đạt đề xuất với lãnh đạo huyện giao cho xã làm chủ đầu tư những dự án kinh tế-xã hội khá hơn để xã xây dựng công trình sát với thực tế.

“Huyện giao dự án đầu tiên cho xã làm chủ đầu tư với tổng số tiền 1,3 tỉ đồng, làm hệ thống đập và kênh mương thủy lợi. Địa hình của xã đa phần núi đá vôi bao bọc đủ hướng, huyện cấp chừng ấy tiền chỉ đủ trả tiền công thợ làm ngôi nhà 3 tầng ở dưới phố. Để có giải pháp tốt nhất, tôi tìm mấy người dân có kinh nghiệm, nhờ họ đi cùng khảo sát địa hình, chọn phương án dẫn nước tối ưu nhất, người dân vừa có nước sinh hoạt, vừa phục vụ tưới tiêu nông nghiệp” - Chủ tịch Đạt kể.

Khó khăn nhất là công tác giải phóng mặt bằng, lúc đầu người dân “lý luận”: Nhà nước bỏ tiền làm công trình thì Nhà nước cũng phải bỏ tiền ra đền bù cho dân khi dự án đi qua. Chủ tịch Đạt xuống gặp từng hộ dân giải thích và vận động bà con tự hiến đất làm công trình, lợi ích trực tiếp là người dân trong làng được hưởng. Bà con nghe có “lý” và “ưng cái bụng” đồng ý hiến đất, đồng thời tham gia ngày công lao động. Nhờ vậy, dù ít tiền nhưng làm được nhiều cây số kênh mương.

Vì cách làm bám sát thực địa, bám người dân và huy động sức dân, trong vòng 10 năm, huyện Trùng Khánh giao cho xã Đàm Thủy hơn 12 tỉ đồng và làm chủ đầu tư các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi... “Cái hay của ông Đạt, chỗ nào khó khăn đều “gỡ” được ngay cho dân, tạo lòng tin trong dân, phong trào làm giàu của dân bắt nguồn từ đây. Xã Đàm Thủy vừa sản xuất nông nghiệp, vừa làm dịch vụ du lịch, rồi kinh tế thương mại biên giới... “Chất mồi” và xúc tác của người đứng đầu để đẩy khí thế lao động sản xuất trong làng, trong xã lên cao, có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

“Ý Đảng - lòng dân” nằm ở ngay trong mỗi thôn, chứ không ở đâu xa lạ. Ông Đạt là “bậc thầy” tạo mối đoàn kết trong xã, không có tiền bạc nào mua nổi những thứ này” - Ông Triệu Văn Háy, nguyên Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy nói như “tổng kết” thực tiễn.

Lớp cán bộ trẻ có “thương hiệu”

Tôi hỏi anh Đạt về “cái được lớn nhất, qua 14 năm làm cán bộ tăng cường xã Đàm Thủy?”. Anh Đạt trải lòng: “Đó là công tác cán bộ, gần như các chức danh chủ chốt ở xã hiện nay đã tốt nghiệp đại học. Có được đội ngũ cán bộ trẻ sẽ đáp ứng với nhiệm vụ mới, Đàm Thủy đang trên đà trở thành trung tâm du lịch của quốc gia và khu vực. Nếu không có lớp cán bộ trẻ có học vấn, kỹ năng tốt, thì khó có chiều hướng phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ. Cán bộ là gốc rễ của mọi vấn đề trong xã”.

Ngày anh Đạt về xã Đàm Thủy nhận công tác, có đến 70% số cán bộ xã chưa học hết trung học cơ sở. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã phải trực tiếp “nhúng tay” vào tất cả các bộ phận của Đảng ủy, UBND, Mặt trận, Công an... Anh hướng dẫn cách soạn thảo văn bản, xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch, lưu trữ tài liệu..., thay đổi lề lối làm việc, tạo nền nếp mới ở cơ quan hành chính cấp xã.

Xóm Lũng Phiắc khởi sắc trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hải Luận

“Một mặt, tôi đến vận động số cán bộ thôn, xã lớn tuổi tự nguyện xin nghỉ khi hết nhiệm kỳ. Mặt khác, tôi lựa chọn, đưa đi đào tạo, bồi dưỡng được gần 20 thanh niên có năng lực, trình độ đưa vào tạo nguồn thay thế. Thời gian chờ đợi các bạn tốt nghiệp cao đẳng, đại học quay về địa phương làm việc, giao các bạn làm việc ở thôn trước, rồi dần dần đưa lên xã làm. Có một số người được chọn khi đang làm việc tại xã rồi gửi đi đào tạo” - Bí thư Mê Văn Đạt chia sẻ công tác cán bộ ở nơi biên cương.

Số cán bộ được anh Đạt tuyển chọn ngày nào, nay đang giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy, Chủ tịch HĐND xã, Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã, Bí thư Đoàn thanh niên xã... “Tôi xem anh Đạt giống như người thầy, khi mới học đại học năm nhất, chính anh Đạt đã động viên và định hướng cho tôi, phấn đấu được kết nạp vào Đảng khi đang học đại học. Ra trường, anh Đạt nhận vào làm việc ở xã Đàm Thủy. Anh Đạt giao công việc thực hiện, vừa dễ, vừa khó. Sai chỗ nào, anh Đạt hướng dẫn cụ thể ngay, tôi cảm nhận anh nói và chia sẻ với mọi người trong cơ quan từ trong trái tim” - Anh Trần Văn Phú (sinh năm 1989), Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy tâm sự.

Chủ tịch UBND xã Trần Văn Phú khiêm tốn khi nhận mình vẫn còn “non” so với kiến thức và bề dày công tác của người tiền nhiệm. “Tôi học được anh Đạt phong cách lãnh đạo, vừa cương quyết, vừa khéo léo trong đối nhân xử thế, đặc biệt là cách bám dân, hiểu dân, vận động dân... 14 năm bầu chức danh ở xã, ở huyện, anh Đạt luôn có số phiếu tín nhiệm trên 95%. Nếu anh Đạt không đủ uy tín thì không trụ nổi một nhiệm kỳ ở vùng biên giới này đâu. Phải khẳng định, anh Đạt đã đào tạo được lớp cán bộ xã trẻ tuổi, có “thương hiệu” so với các xã, thị trấn trong huyện Trùng Khánh” - Anh Phú “chốt” lại câu chuyện đầy tính nhân văn.

Bài 3: Khai thác “nồi cơm” chung hai quốc gia

Hải Luận

Bình luận

ZALO