Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 23/09/2023 07:18 GMT+7

Bám dân “gỡ” khó làm giàu

Biên phòng - Để người dân các xã vùng cao biên giới đủ ăn và vươn lên giàu có là một vấn đề cực kỳ nan giải. Đối với địa phương như xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đòi hỏi người đứng đầu chính quyền địa phương phải thật “cứng” và thật “uyển chuyển” linh hoạt, mới phát huy được tiềm năng tự nhiên và lợi thế kinh tế biên mậu, để thổi bùng lên phong trào phát triển kinh tế - xã hội.

Bài 1: Ông Chủ tịch xã “bọc thép”

“Thầy Đạt là ông Chủ tịch UBND xã “bọc thép” mới chịu đựng được mọi gian khổ, khó khăn khi về tăng cường ở xã Đàm Thủy. Mọi người làm việc xong đều về nhà ăn uống, nghỉ ngơi. Còn “thầy” Đạt đặt cái giường nhỏ tại phòng làm việc chung với nhiều người, tự lo cơm nước, ở lại UBND xã 24/24 giờ” - Ông Triệu Văn Háy (70 tuổi), nguyên Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy, không ngớt lời khen ngợi người cán bộ Biên phòng tăng cường về xã.

Thượng tá Mê Văn Đạt phổ biến với lực lượng dân quân và người dân xã Đàm Thủy về công tác bảo vệ an ninh, trật tự và khai thác du lịch ở thác Bản Giốc. Ảnh: Hải Luận

Dân “giữ chân” bí thư

Thượng tá Mê Văn Đạt, cán bộ Đồn Biên phòng Đàm Thủy, BĐBP Cao Bằng được điều đồng tăng cường về xã, giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy trong 14 năm liên tục. “Cái hay ở “thầy” Đạt là làm không sợ dân chửi, việc gì cũng lăn vào làm quyết liệt. Dân lên xã khiếu kiện chuyện gì đó, “thầy” chạy xuống xem tình hình thực tế, lắng nghe dân nói, rồi kiên trì giải thích cặn kẽ... “Thầy” ít khi sử dụng cụm từ: “Quy định pháp luật phải thực hiện” để nói chuyện với dân” - Ông Háy tâm sự.

Ông Háy từng làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng Công an xã, Chủ tịch UBND xã, hiện giờ làm Bí thư chi bộ xóm Lũng Phiắc, nên hiểu rất rõ công việc cán bộ Biên phòng tăng cường ở xã: “Việc gì thấy có lợi cho dân, cho xã là “thầy” Đạt cương quyết làm bằng được, làm đến cùng, không sợ bị kỷ luật. Dân xã Đàm Thủy “mê” Đạt lắm, năm ngoái tui và mấy đảng viên lớn tuổi kiến nghị với Bí thư Huyện ủy Trùng Khánh, bằng mọi cách “giữ chân” “thầy” Đạt ở lại làm thêm vài năm nữa”

- Vì sao ông gọi “thầy” Đạt?” - Tôi hỏi

- Xóm Lũng Phiắc nói riêng và xã Đàm Thủy nói chung, cách đây hơn 10 năm còn nghèo. Đường giao thông vào các bản làng toàn đường đất, đá, đi lại khó khăn, có nơi chỉ có đường mòn đi bộ, hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu ruộng lúa chưa được kiên cố, sản xuất đạt năng suất thấp, học sinh học ở các điểm trường còn tạm bợ, chưa có trường mầm non... Ông Đạt về nhận nhiệm vụ, nói chuyện với tôi, sẽ làm cái này, cái kia cho xã. Tôi nói “khó lắm”. Ông Đạt nói “cứ từ từ, rồi sẽ có hết”. Về sau, ông đi “móc” dự án đâu về hay thật, hết làm đường giao thông, chuyển sang làm đập, kênh mương thủy lợi bằng bê tông, vận động xã hội hóa xây dựng một trường học mầm non ở thôn Bản Giốc và xây dựng thêm các điểm trường khác. Thời tôi làm Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy, những thứ này không thể làm được, nên tôi gọi “thầy” Đạt là có nguyên nhân đó.

Thượng tá Mê Văn Đạt từng làm chỉ huy đồn Biên phòng, cũng gần gũi với UBND xã biên giới, nhưng đa phần đều “vội đến” và “vội đi”, ít nắm bắt được những công việc điều hành cụ thể của chính quyền xã. Năm 2007, anh về nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy, bao nhiêu vấn đề trong cuộc sống của người dân, từ sản xuất nông nghiệp, giao thông, giáo dục, y tế, an ninh, trật tự... Người lãnh đạo xã phải nắm chắc mới điều hành, giải quyết có tình và có lý được. Lúc đó, tân Bí thư Đảng ủy xã Mê Văn Đạt phải mất nhiều tháng xuống các thôn tìm hiểu mọi vấn đề, gần như “đụng” cái nào cũng cần giải quyết.

Cùng lao động với dân

Trụ sở UBND xã Đàm Thủy cách Đồn Biên phòng Đàm Thủy khoảng 1km, mấy tháng đầu, anh Đạt ăn cơm 3 bữa tại đồn, xuống làm việc tại trụ sở UBND xã. “Xã Đàm Thủy có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, giờ hành chính, bà con đi làm, giờ nghỉ, họ có việc cần mới tìm đến gặp lãnh đạo xã. Mình ở trong đồn Biên phòng, có chiến sĩ gác cổng, dân ngại đến gặp. Tôi đề xuất với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Ban Chỉ huy đồn cho tôi xuống ở lại tại UBND xã, vừa làm việc, vừa chờ dân đến giải quyết công việc. Đi cơ sở mà ở trong đồn thì vẫn còn có khoảng cách với dân” - Bí thư Đảng ủy xã Mê Văn Đạt nhớ lại.

Có lần, mới 5 giờ sáng, nhiều người dân vác cuốc đến UBND xã gặp lãnh đạo khiếu nại chuyện nhà máy thủy điện tích nước, làm cho các hộ dân ở hạ lưu thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Nghe vậy, anh Đạt cùng đi với bà con ra ruộng xem xét, tìm ra nguyên nhân. Bí thư Đạt lập tức gọi điện cho giám đốc nhà máy thủy điện yêu cầu xả nước ngay.

Thượng tá Mê Văn Đạt (bên phải) đi kiểm tra việc thi công công trình giao thông tại địa phương. Ảnh: Hải Luận

“Thường thì cán bộ xã hoặc ở thôn có những hành động nào đó không hợp lòng với người dân, bà con muốn giữ “bí mật” nên đi ngoài giờ hành chính đến gặp lãnh đạo cao nhất của xã. Điều quan trọng phải ngồi nghe kỹ bà con trình bày đầu đuôi câu chuyện, phải đứng về “phía dân”. Giải quyết xong việc, tôi trực tiếp xuống báo lại cho bà con biết kết quả. Người dân đã tin lãnh đạo xã xử lý công việc hợp lý, hợp tình, thời gian sau, có việc gì, họ đều tìm đến lãnh đạo xã để giải quyết” - Anh Đạt tâm sự.

Trời phú cho xã Đàm Thủy có hệ thống sông Quây Sơn, chia ra nhiều nhánh sông trước khi đổ về thác Bản Giốc, hình thành nhiều cồn đất sản xuất nông nghiệp trù phú. Nhưng cũng nảy sinh nhiều nhiều cách trở và hạn chế trong canh tác và sinh hoạt tại các cụm dân cư, nhất là vào mùa mưa lũ, giao thông và giao thương của người dân gặp nhiều nguy hiểm.

Bí thư Đạt kể: “Tôi lên huyện xin dự án xây cầu bắc qua sông, huyện không có tiền chỉ cấp cho 4 thanh taluy dài 10m, nặng cả tấn, bảo xã chủ động khắc phục. Thuê xe chở mấy thanh sắt về xã, tôi xuống huy động người dân 2 thôn Keo Nà và Bản Dít ra làm cầu. Bà con lấy những cây gỗ, tre làm giàn giáo để tời các thanh sắt vượt sông. Sắt nặng, giàn giáo chịu không nổi, gãy rơi xuống sông. Tôi lại xuống từng nhà thuyết phục làm lại, lần này, tôi trực tiếp chỉ huy ở hiện trường từ đầu đến cuối. Bắc lại giàn giáo chắc hơn, tôi cùng bà con tời thanh sắt dưới sông lên đặt vào mố bê tông. Chiếc cầu đầu tiên do dân làm đã hoàn thành, người xe đi qua lại thuận lợi. Tiếp thắng lợi đó, tôi đi vận động làm thêm, đến nay làm được 6 cái cầu dân sinh ở các thôn”.

Bài 2: Đột phá đội ngũ cán bộ trẻ

Hải Luận

Bình luận

ZALO