Biên phòng - Không ngồi chờ Nhà nước hỗ trợ vốn cho đồng bào dân tộc làm du lịch, chính quyền và người dân xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đã mày mò làm du lịch cộng đồng để thu hút du khách. Hiện nay, cả Việt Nam và Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào khu vực thác Bản Giốc, đặt ra vấn đề cạnh tranh quốc tế trực tiếp tại đây, đòi hỏi chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp phối hợp nhịp nhàng.
Bài 4: Làm cách nào “hút” khách quốc tế?
Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy Mê Văn Đạt dẫn tôi đi tham quan làng du lịch cộng đồng của đồng bào Tày theo mô hình homestay nằm dưới những hòn núi đá vôi cao vút. Đây được xem là mô hình mẫu của chính quyền và người dân cùng chung tay khởi sự. “Cả năm 2020 không có khách Tây đến đây lưu trú, khách Việt ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội lên đây ở lại đi chơi cũng nhiều. Cuối tuần này, khách đã đặt phòng gần kín hết rồi. Mình phải tự đi hái rau, nấu cơm bằng xoong đúc, đun củi, cơm ngon khách mới thích. Lúc chưa có dịch Covid-19, khách châu Âu thường hay đến đây ở, họ quay phim phát trực tiếp trên mạng xã hội cảnh tôi phục vụ, cho bố mẹ của họ ở nước ngoài xem. Họ tấm tắc khen “good” (tốt) và đặc biệt thích tôi trình diễn nhạc cụ dân tộc” - Ông Triệu Ích Sỹ, ở làng Tày xởi lởi.

Người đi tiên phong
Hai vợ chồng ông Sỹ người dân tộc Tày, làm ruộng, thích đi du lịch. Năm 2015, vợ chồng ông sang Hà Giang tham quan mô hình du lịch có nhiều nét tương đồng thiên nhiên, văn hóa như Cao Bằng. Năm 2016, UBND xã Đàm Thủy mời gần 10 hộ dân trong xã đi tham quan, học tập kinh nghiệm làm du lịch ở tỉnh Hòa Bình và một số nơi khác. “Đi tham quan nhiều lần, về làng chẳng có ai đứng ra làm trước, vì bà con còn sợ đủ thứ. Chờ mãi cũng sốt ruột, xã kiên quyết cho ra mô hình đầu tiên nó như thế nào, tôi trực tiếp xuống động viên và huy động cán bộ xã hỗ trợ hộ gia đình ông Sỹ làm mô hình trước. Từ nhà cũ, ông thưng ván, ngăn ra làm được 4 phòng. Đó là mô hình du lịch homestay đầu tiên ở Đàm Thủy” - Bí thư Đạt kể câu chuyện “vạn sự khởi đầu nan”.
Tổng vốn đầu từ ban đầu của ông Sỹ là 100 triệu đồng, từ vay mượn ngân hàng và bà con. Ông Sỹ nhờ một người bạn ở tỉnh Thái Nguyên đăng giúp mô hình du lịch homestay gần thác Bản Giốc, sát động Ngườm Ngao lên mạng xã hội quảng bá.
“5 tháng chờ đợi không có khách nào gọi điện hỏi han, bước sang tháng thứ 6, có 2 người khách Hà Nội gọi điện đặt phòng ở. Họ hỏi tiền phòng bao nhiêu, tôi nói không biết bao nhiêu tiền, khách cho bao nhiêu cũng được. Sau đó, họ thanh toán 200.000 đồng cho 1 ngày đêm. Chờ đợi 1 tháng sau mới có lượt khách thứ 2 đến đặt phòng. Về sau có khách nước ngoài đến ở, tôi nói chuyện với họ bằng ký hiệu, mọi dịch vụ tôi phục vụ rất nhiệt tình, họ nói về nước sẽ giới thiệu nhiều người bạn sang đây ở và đi tham quan thác Bản Giốc” - Ông Sỹ kể ngày đầu làm du lịch.
Sau 2 năm, dân làng thấy ông Sỹ làm ăn được, bắt đầu có 2 hộ làm theo mô hình du lịch homestay. Năm 2019, ông Sỹ đầu tư 1 tỉ đồng xây dựng thêm một khu du lịch cộng đồng mới, trong đó có 5 phòng khép kín, 1 phòng lớn chứa được 30 người. “Nhờ theo học mấy lớp ngoại ngữ tiếng Anh và lễ tân khách sạn do UBND xã mở, bây giờ tôi có thể giao tiếp trực tiếp với khách nước ngoài. Khách đến đây thanh toán tiền phòng không phải dùng tiền mặt, quẹt thẻ ngân hàng hoặc chuyển khoản qua điện thoại, tin nhắn báo “keng” là xong. Khách đặt phòng, đặt cơm,... đều thao tác trên mạng internet hết. Tôi đang đi làm lúa ngoài đồng, mở điện thoại ra biết thông tin, gọi điện cho vợ con ở nhà chuẩn bị đón khách. Giá 300.000 đồng cả ở và ăn trọn gói cho 1 ngày đêm/khách” - Ông Sỹ chia sẻ.
Xây dựng thương hiệu riêng Bản Giốc
Từ tháng 6-2016, Việt Nam và Trung Quốc thực hiện Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc). Chính quyền hai bên tăng cường đầu tư xây dựng trung tâm thương mại mua sắm, lối mở và nhà làm thủ tục, tạo điều kiện cho khách du lịch của hai nước được phép qua lại tham quan khu vực thác Bản Giốc, trong phạm vi khoảng 200ha khu cảnh quan của mỗi bên.
Đến thời điểm này, phía Việt Nam đang hoàn thiện nhà làm thủ tục, xây dựng khu mua sắm; phía Trung Quốc cũng đang hoàn thiện đường đi, trung tâm mua bán, làm đường đi tầng cấp bằng thép và hệ thống cầu thang cuốn lên lưng chừng núi cao, tiện quan sát toàn bộ cảnh quan thác Bản Giốc.

Tôi trao đổi với Thiếu tá Lương Tuấn Mạnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đàm Thủy: “Tới đây, bằng cách nào để “hút” khách du lịch Trung Quốc sang Đàm Thủy tham quan?”. Đồn trưởng Mạnh nói ngay: “Phía bên bạn làm đường đi bằng cầu thang cuốn và cầu thang bộ lên núi cao nhìn xuống toàn cảnh thác, tôi sợ họ sẽ “hút” khách của nước mình sang bên đó nhiều hơn”.
Tôi đem chi tiết “sợ họ sẽ “hút” khách của nước mình sang bên đó nhiều hơn” với anh Đạt, để tìm câu trả lời mang tính chiến lược lâu dài ở khu vực thác Bản Giốc. Bí thư Đạt đề xuất: “Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt đề án phát triển Trung tâm du lịch thác Bản Giốc ngang tầm quốc gia và khu vực. Theo quy hoạch, toàn bộ đất sản xuất ở khu vực dưới chân thác đã được Nhà nước thu hồi và đền bù cho dân, để triển khai các công trình phục vụ du lịch, thương mại. Nếu khu vực này được quy hoạch thành công viên, vườn hoa nhiệt đới sẽ tạo ra một không gian thiên nhiên tươi đẹp phía sau thác nước đổ xuống tuyệt đẹp để thu hút và níu chân khách du lịch. Đây chính là điểm nhấn độc đáo, tạo thương hiệu du lịch thác Bản Giốc, mang lại nguồn thu cho người dân và địa phương”.
Trung tâm du lịch đa lĩnh vực
“Trong chiến lược phát triển, trung tâm du lịch thác Bản Giốc có thêm khu tham quan và nghiên cứu hang động kết hợp thể thao leo núi; khu thể thao nước; khu bản sắc văn hóa các dân tộc; khu công viên đá kết hợp cây xanh... Cấm các loại xe ô tô đi vào khu trung tâm, thay vào đó, du khách được xe điện đưa đến gần thác, rồi đi bộ xuống chân thác. Các loại hình kinh doanh, dịch vụ sẽ được quy hoạch tập trung có sự quản lý chặt chẽ...” - Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết.
Hải Luận