Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 08/12/2023 08:03 GMT+7

Bám dân “gỡ” khó làm giàu (bài 3)

Biên phòng - Bản Giốc là một trong những thác nước đẹp nhất của thế giới, nằm trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) được chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc ký kết đã mở ra cho tỉnh Cao Bằng nhiều cơ hội trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong phát triển du lịch.

Bài 3: Khai thác “nồi cơm” chung hai quốc gia

Thực tế, trước khi có hiệp định trên, danh thắng du lịch nổi tiếng này được người dân hai bên biên giới ví như “nồi cơm” chung của hai quốc gia, cùng bảo vệ và khai thác. Vì vậy, phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc gắn với việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng.

Bè mảng của Việt Nam và Trung Quốc cùng thai thác du lịch ở thác Bản Giốc. Ảnh: Hải Luận

“Bạn xuống thác chú ý, bè mảng màu xanh là của Việt Nam, màu vàng của Trung Quốc. Bè của hai nước đều được phép đi lại tự do trên sông, đến chân thác tham quan, tha hồ chụp ảnh, bè nước mình không được phép đưa khách lên bờ của Trung Quốc. Bè của nước bạn cũng phải tuân thủ như vậy. Hoạt động du lịch độc đáo tại thác Bản Giốc thu hút đông đảo du khách đến tham quan” - Bà Phương Thị Cưu, ở thôn Bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng tóm lược trước khi dẫn tôi xuống thác.

Vay vốn đóng bè để khẳng định chủ quyền

Bà Cưu hiện giờ là chủ doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, nhà hàng, bè mảng... ở thôn Bản Giốc khá nổi tiếng. Chính phủ nước ta đã quyết định xây dựng khu vực thác Bản Giốc thành một trung tâm du lịch cấp quốc gia và khu vực. Thế nhưng câu chuyện của bà Cưu “mở đường” khai phá kinh doanh dưới chân thác Bản Giốc, thì ít người biết đến.

“Năm 1995, tôi viết đơn gửi UBND xã Đàm Thủy xin được lên bán thuốc lá, bánh kẹo ở thác Bản Giốc. Chặt mấy nhánh cây che ánh nắng mặt trời, đồ đạc bỏ trong cái thúng, bán cho cả khách Việt Nam và Trung Quốc. Thời điểm đó, chỉ có tôi bán ở khu vực này. Về sau, mấy người bạn bên Trung Quốc học theo cách bán hàng lưu động giống như bên bờ Việt Nam, cũng chỉ thuốc lá và đồ ăn vặt. Tất cả hàng hóa, phía Trung Quốc sang mua lại của tôi. Một mình tôi là phụ nữ bán ở biên giới, có một số người lạ đến phá. Tôi về làng rủ thêm anh ruột cùng lên bán, để anh em hỗ trợ nhau” - Bà Cưu kể ngày đầu tiên khởi sự kinh doanh dịch vụ.

Năm 1995, phía Trung Quốc chỉ có 2 cái bè ọp ẹp chở khách du lịch đến tham quan thác. Bà Cưu là người con sinh ra và lớn lên ở Bản Giốc, chứng kiến bao nhiêu chuyện đổi thay ở đoạn sông biên giới này. Với phương châm “một tấc không đi, một lý không rời”, bà trồng nhiều cây xanh bóng mát, trồng chuối ở bên bờ thác, hướng dẫn cho nhiều người trong thôn lên thác cùng buôn bán nhỏ. Năm 1996, bà Cưu vay ngân hàng 3 triệu đồng theo diện “phụ nữ nghèo” đóng chiếc thuyền nhỏ, chở được 6 người khách cho mỗi lần đi tham quan. Đây là chiếc thuyền du lịch đầu tiên ở thác Bản Giốc.

Ngày 6-11-2015, Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được ký kết với 13 điều khoản, có hiệu lực từ ngày 16-6-2016. Sự kiện này khẳng định quyết tâm chung của hai nước xây dựng biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

“Tiền tích lũy được tôi “đầu tư” mở đa ngành dịch vụ: Chèo đò, chụp ảnh, bán thuốc lá, nấu mì tôm cho khách... Dành dụm được nhiều tiền, tôi lại đóng bè. Thời điểm trước, du khách thưa thớt, sắm nhiều bè nhưng đa phần nằm bờ” - Bà Cưu bộc bạch.

Tôi hỏi: Vì sao ít khách đi tham quan, chị lại “chạy đua” đóng nhiều bè? - Bà trả lời ngay không cần suy nghĩ: Ý thức bảo vệ chủ quyền biên giới của người Bản Giốc có từ nhỏ. Mỗi chiếc thuyền, bè mảng làm dịch vụ trong khu vực thác Bản Giốc đều được bà con trân trọng sơn quốc kỳ Việt Nam trên mũi thuyền và cắm cờ Tổ quốc. Sự hiện diện hằng ngày của phương tiện và người dân Bản Giốc dưới chân thác ngoài mục đích kinh tế còn khẳng định chủ quyền biên giới thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Đóng nhiều bè cũng thể hiện sự cạnh tranh “quốc tế” bình đẳng. Tôi còn bắc cầu tạm qua con suối để du khách đi tới sát chân thác tham quan thuận tiện.

Chính vì suy nghĩ trách nhiệm đó mà sau khi cơn lũ lịch sử năm 2001 cuốn trôi tất cả các bè mảng, khiến gia đình bà Cưu trắng tay, chỉ mấy ngày sau nước rút, bà Cưu đã bán trâu, bò, lợn, gà,... tiếp tục sắm lại bè mảng làm du lịch ở thác Bản Giốc.

Cùng “chia nhau” đồng tiền lời

Phát huy lợi thế tiềm năng du lịch, những năm qua, lưu lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan thác Bản Giốc tăng nhanh, các dịch vụ buôn bán ở khu vực thác phát triển mạnh, dẫn đến tình trạng chèo kéo khách, cạnh tranh không lành mạnh.

“Lúc đó, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy Mê Văn Đạt xuống họp với dân, yêu cầu sắp xếp lại nền nếp kinh doanh, buôn bán ở thác. Ban đầu, một số người phản đối. Ông Đạt giải thích: “Đây là “nồi cơm” chung, nếu người dân xã Đàm Thủy làm tốt, khách đến tham quan nhiều, chính bà con trong thôn, trong xã “chia nhau” đồng tiền lời đó. Nghe có lý, bà con nghe theo sự sắp xếp của xã, để thuận lợi đôi đường” - Bà Cưu kể tiếp.

Bà Phương Thị Cưu kể chuyện làm du lịch ở thác Bản Giốc. Ảnh: Hải Luận

Các cửa hàng bán đồ lưu niệm được quy hoạch, thống nhất về kiến trúc và sắp xếp vào quy củ, mang dáng dấp điểm du lịch chuyên nghiệp. Tổ hợp tác bè mảng thác Bản Giốc ra đời, với tổng số bè mảng 12 chiếc, 26 thành viên, do ông Phương Đình So, ở thôn Bản Giốc làm tổ trưởng.

“Toàn bộ các thành viên của tổ bè mảng thường xuyên được Đồn Biên phòng Đàm Thủy hướng dẫn, tập huấn công tác bảo vệ an ninh ở khu vực thác Bản Giốc, không vi phạm các quy định của hiệp định về quản lý biên giới và khai thác du lịch chung với Trung Quốc. Chúng tôi có nhiệm vụ hướng dẫn, giải thích cho du khách từ xa đến đây tham quan về vẻ đẹp của thác Bản Giốc, về đường biên giới trên sông biên giới, quyền tự do đi lại trên sông, những điều cấm ở khu vực biên giới...” - Ông So nói về trách nhiệm của cư dân biên giới.

Năm 2020, để lập lại trật tự trong hoạt động du lịch và phòng, chống dịch Covid-19, Đồn Biên phòng Đàm Thủy và chính quyền xã đã thống nhất, cấm số bè nhỏ chuyên đi theo các bè mảng chở khách bán hàng rong.

Từ câu chuyện buôn bán, làm dịch vụ nhỏ xung quanh thác Bản Giốc đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người ở xã Đàm Thủy. Nhiều hộ dân từ nghèo khó đã trở thành hộ khá giả, trong đó có nhiều người đã mở rộng quy mô kinh doanh sang lĩnh vực nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, vận tải...

Bài 4: Làm cách nào “hút” khách quốc tế?

Hải Luận

Bình luận

ZALO