Biên phòng - Với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, trong những năm qua, giáo dục vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã có những bước phát triển, trường lớp được đầu tư khang trang, chất lượng giáo dục được nâng cao. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 ( gọi tắt là Quyết định 861) tại các địa phương đã nảy sinh vấn đề khi nhiều khu vực III trở thành khu vực I. Điều này đồng nghĩa với việc học sinh DTTS ở các vùng này sẽ không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, ưu tiên như giai đoạn trước, khiến người dân có nhiều tâm tư, cũng như gây không ít vướng mắc cho các địa phương.
Không còn chính sách ưu tiên
Những ngày đầu tháng 9, năm học mới đã diễn ra được gần một tuần, nhưng 3 người con của gia đình anh Sừng Xé Cả, một em học cấp II và hai em học cấp I, ở bản Tả Co Ky, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên vẫn quanh quẩn ở nhà. Hỏi ra mới biết, do bố mẹ không có tiền mua sách vở và đóng tiền học phí nên bố mẹ bảo các em ở nhà không đi học nữa.
Bản Tả Co Ky cách trung tâm xã Sín Thầu hơn 10km, cả bản có 14 hộ dân, trong đó, có 13 hộ dân tộc Hà Nhì, 1 hộ dân tộc Khơ Mú với 54 nhân khẩu. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, đường giao thông từ bản đến xã vẫn là đường đất, đi lại rất vất vả, nhất là vào những ngày mưa, đường sình lầy, trơn trượt. Cả bản có 14 hộ thì có tới 4 hộ cho con em ở nhà vì không có tiền trang trải cho việc học.
Ông Giàng Sinh Chừ, Bí thư chi bộ bản phải cùng các thầy cô giáo đến từng nhà vận động, thuyết phục bố mẹ từng em cho các em được quay trở lại trường. “Bố mẹ không biết chữ rồi, mình phải động viên bà con trong bản cố gắng cho con đi học để biết cái chữ, sau này đỡ khổ” - ông Giàng Sinh Chừ vận động bà con. Vận động, thuyết phục mãi, gia đình anh Sừng Xé Cả và các gia đình khác trong bản mới cho con quay trở lại lớp học.
Để các gia đình yên tâm cho con em trở lại trường, ngành giáo dục huyện Mường Nhé đã kêu gọi xã hội hóa để hỗ trợ suất ăn bán trú cho học sinh. Thầy Bùi Văn Thủy, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường Dân tộc bán trú, Tiểu học và Trung học cơ sở Sín Thầu cho biết: “Hiện, trường đã được Quỹ Dự án Nuôi em của Trung tâm tình nguyện quốc gia, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hỗ trợ 2 bữa ăn/ngày cho các em học sinh, với số tiền 14.000 đồng. Nhà trường hỗ trợ nấu ăn, gia đình góp gạo để đảm bảo điều kiện cho các em đến lớp”.
Chúng tôi đem câu chuyện này trao đổi với Chủ tịch UBND xã Sín Thầu Pờ Chinh Phạ, anh trăn trở: “Do xã không thuộc diện đặc biệt khó khăn, nên trường không còn được thụ hưởng chế độ bán trú nữa, rất thiệt thòi đối với các em học sinh DTTS. Đầu năm học này, có nhiều gia đình không cho con em trở lại trường học vì không được hưởng các chế độ chính sách. Nhưng qua vận động, tuyên truyền, người dân đã hiểu và cho con đến lớp trở lại”.
Xã Hữu Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn cũng vừa được công nhận là xã nông thôn mới. Cả xã có 5 thôn thì có 2 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Khi biết thông tin trong năm học mới này, không còn các chính sách hỗ trợ như năm học trước, một số người dân đã cho con em của họ nghỉ học để phản ánh với chính quyền địa phương. Ông Bế Văn Diên, Chủ tịch UBND xã Hữu Lễ cho biết: “Sau khi người dân có ý kiến phản ánh, chính quyền địa phương, ngành giáo dục đã chủ động đưa ra các giải pháp đối thoại, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về chính sách của Nhà nước, cho con em quay trở lại trường học. Hiện nay, 100% các em học sinh của xã đã được bố mẹ cho đến trường”.
Động lực để vượt qua “ngưỡng” chờ chính sách
Theo Quyết định 861, từ ngày 1-7-2021, các địa phương ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, sẽ không được hỗ trợ về cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng học tập, hỗ trợ kinh phí nấu ăn và các chính sách khác. Học sinh ở những trường này sẽ không được miễn, giảm 70% học phí như những năm học trước; không được hỗ trợ 569.000 đồng và 15kg gạo mỗi tháng theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24-12-2010 của Chính phủ.
Đối với học sinh mầm non, sẽ không được hỗ trợ tiền ăn bữa trưa với mức 160.000 đồng/học sinh/tháng và nhà trường cũng không được hỗ trợ kinh phí nấu ăn cho trẻ theo Nghị định 105/2000/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ về suất ăn bán trú, tiền học phí... bị cắt giảm, thì chế độ miễn phí bảo hiểm y tế của các em cũng không còn.
Theo dự thảo báo cáo đánh giá tác động trong thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 của Ủy ban Dân tộc, có khoảng trên 700.000 học sinh ở 406 xã và 2.354 thôn đặc biệt khó khăn thôi không hưởng chính sách với số tiền hơn 378,4 tỷ đồng (chi hỗ trợ tiền ăn 378 tỷ đồng/năm, chi hỗ trợ tiền ở 474 triệu đồng/năm) và hỗ trợ 10.800 tấn gạo cho học sinh. Ngoài ra, còn có các chính sách bị tác động, ảnh hưởng, song, chưa có thống kê như: chính sách phát triển và chính sách hỗ trợ ăn trưa giáo dục mầm non...
Như tại Lạng Sơn, theo rà soát của ngành giáo dục và đào tạo, ngay trong học kỳ I, năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh sẽ có 22 trường với 6.998 học sinh không còn trong diện được miễn giảm 70% học phí; có 3.003 học sinh mầm non không còn được hỗ trợ tiền ăn trưa; 12.604 học sinh không được hỗ trợ gạo và tiền ăn bán trú.
Còn tại Lào Cai, theo Quyết định 861, toàn tỉnh sẽ có 135.000 học sinh không được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ gạo, miễn, giảm học phí, chiếm khoảng 60% học sinh toàn tỉnh; giảm 40/134 trường phổ thông dân tộc bán trú ở các huyện vùng cao (giảm gần 30% số trường phổ thông dân tộc bán trú).
Nắm bắt kịp thời khó khăn từ Quyết định 861 tác động đến học sinh vùng DTTS, Ủy ban Dân tộc đã nhanh chóng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương rà soát, nắm bắt kịp thời thông tin về tình hình, trước mắt đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với địa phương đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn đến hết ngày 31-12-2021.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đang nỗ lực, chủ động các giải pháp thay thế. Điển hình ở Lào Cai, để tránh bị tác động trước năm học mới, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 16-7-2021, về việc tiếp tục hỗ trợ cho học sinh các xã khu vực II, khu vực III hoàn thành xây dựng nông thôn mới, được hưởng chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa cho trẻ, tiền ăn cho học sinh bán trú, hỗ trợ sách giáo khoa, học phẩm... Thời hạn được hưởng hỗ trợ không quá 9 tháng/năm học và chỉ hỗ trợ trong năm học 2021-2022.
Khi không còn chính sách hỗ trợ đặc thù của Nhà nước, sẽ có những tác động không nhỏ đến đời sống của người dân. Do đó, về lâu dài, chính quyền địa phương cần sớm có giải pháp thích ứng, với chính sách hỗ trợ thay thế phù hợp cho từng đối tượng, địa bàn. Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào khắc phục khó khăn, vươn lên bằng chính nội lực của mình.
Minh Anh