Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:08 GMT+7

“Bài toán” khó của nông dân ở Bản Lầu

Biên phòng - Việc trồng cây chuối, cây dứa ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã giúp người nông dân trên địa bàn có cuộc sống khấm khá hơn, diện mạo nông thôn cũng từng bước thay da đổi thịt. Thế nhưng, đầu ra của nông sản không ổn định nên vài năm gần đây, nhiều vụ chuối, dứa rớt giá đã khiến không ít người nông dân nơi đây rơi vào cảnh lao đao.

plht_5a
Giá chuối phụ thuộc quá nhiều vào nhu cầu của thị trường nước ngoài, khiến người nông dân ở Bản Lầu khi mừng, khi lo. Ảnh: Trung Nguyên

Cây trồng chủ lực mở ra cơ hội xóa đói giảm nghèo

Những năm qua, xã Bản Lầu được biết đến với cái tên “thủ phủ” của cây chuối và cây dứa của tỉnh Lào Cai với diện tích hơn 700ha trồng dứa và 500ha trồng chuối. Ở đây, cây chuối, cây dứa đã trở thành cây trồng chủ lực của người nông dân. Nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây chuối, cây dứa. Trong số đó, không thể không nhắc đến anh Giàng Chúng ở thôn Cốc Phương, một trong những tấm gương nông dân vượt khó, thoát nghèo, vươn lên làm giàu ở huyện Mường Khương.

Gắn bó với nghề trồng chuối, trồng dứa từ hơn chục năm nay, theo anh Giàng Chúng, đây chính là hai loại cây trồng phù hợp và mở ra cơ hội làm giàu cho bà con trên mảnh đất quê hương. Hai loại cây này cũng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, không mất nhiều vốn và cũng dễ chăm sóc nên cây lớn nhanh, cho năng suất cao. Gia đình anh Giàng Chúng hiện trồng hơn 2ha chuối và 5ha dứa. Nếu được mùa, được giá, tiền bán sản phẩm mỗi năm, sau khi trừ đi các khoản chi phí, gia đình anh thu về từ 300 - 400 triệu đồng.

Đi theo các con đường trong xã Bản Lầu, chúng tôi được chiêm ngưỡng màu xanh bát ngát của những đồi cao su, những nương chuối, nương dứa đầy sức sống xen lẫn trong đó là những ngôi nhà khang trang, hiện đại. Đại úy Nguyễn Văn Hãnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bản Lầu, BĐBP Lào Cai đưa chúng tôi đến thăm mô hình trồng chuối của anh Vàng Seo Dìn, ở thôn Na Lốc 4.

Trong căn nhà 2 tầng hiện đại, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, anh Dìn kể cho tôi nghe về cơ duyên đưa anh đến với danh hiệu “tỷ phú nông dân”: “Hơn chục năm về trước, kinh tế của gia đình tôi trông cậy chính vào cây ngô, cây sắn, nên cuộc sống rất vất vả, khó khăn. Vào những năm mất mùa, để có cái ăn cho các con, tôi phải vất vả đi làm thuê ở nhiều nơi. Nghèo quá, đói quá thì phải nghĩ cách thoát nghèo. Khi ấy, phong trào trồng dứa, chuối phát triển mạnh ở Bản Lầu, nhiều hộ thu hàng chục triệu đồng mỗi vụ. Vì thế, tôi dành thời gian đến nhiều địa phương để học kinh nghiệm rồi về vay vốn ngân hàng để trồng chuối, dứa. Hiện tại, nhà tôi trồng khoảng 8ha dứa và 10ha chuối. Mỗi năm, sau khi thu hoạch, trừ các khoản chi phí, gia đình tôi cũng để ra được khoảng 500 triệu đồng. Từ số tiền tiết kiệm được mà gia đình tôi đã xây được nhà mới, mua sắm được những tiện nghi phục vụ cho cuộc sống như: ti vi, máy tính, tủ lạnh, máy giặt và ô tô”.

Bài toán đầu ra bền vững cho nông sản

Tuy nhiên, cơ hội mở ra cũng đi kèm với những thách thức không nhỏ. Việc mở rộng diện tích trồng chuối, dứa của bà con đang đặt ra bài toán khó cho ngành nông nghiệp huyện Mường Khương và tỉnh Lào Cai, bởi hầu hết diện tích trồng chuối, dứa hiện tại đều trồng theo kiểu tự phát của người dân. Anh Thào Nùng, ở thôn Na Lốc 2 cho biết: “Gia đình tôi hiện trồng hơn 10ha chuối và 10ha dứa. Cây giống đều lấy từ bên Trung Quốc về trồng. Diện tích chuối được nhân rộng qua hằng năm, kỹ thuật trồng do bà con tự học hỏi lẫn nhau”.

Gia đình ông Thào Sẩu, ở thôn Na Lốc 4, hiện có 6ha dứa cho thu hoạch. Ông bày tỏ lo âu: “Năm ngoái, cả đồi dứa bị rụng quả do mưa nhiều, giá bán thấp chưa từng thấy, nhà nào cũng thất thu, mất trắng hàng trăm triệu đồng. Năm nay, chúng tôi cũng chưa biết thế nào, vì phụ thuộc tư thương đến mua. Hiện giờ, chuối và dứa được trồng nhiều ở nhiều nơi trong tỉnh, nên ngày càng khó bán”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay chỉ có khoảng 30% sản lượng chuối, dứa quả bán ở thị trường trong nước, 70% còn lại được xuất bán sang Trung Quốc. Vậy nên giá bán sản phẩm chuối, dứa của bà con quá phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của thị trường Trung Quốc. Có thời điểm, chuối Bản Lầu được thương lái Trung Quốc mua với giá từ 10.000 đến 25.000 đồng/kg, nhưng có thời điểm (năm 2017) chuối chỉ được thu mua với giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kg, thậm chí thời gian đỉnh điểm rớt giá chỉ còn 1.000 đồng/kg. Còn giá dứa quả cũng bấp bênh không kém, có thời điểm được thu mua với giá 8.000 - 10.000 đồng/kg, nhưng có lúc rớt giá chỉ còn 1.000 đồng/kg.

Tình trạng “được mùa, mất giá” luôn là điều trăn trở bấy lâu nay của người nông dân Bản Lầu. Theo ông Dương Hồng Trung, Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, cây chuối, cây dứa được trồng từ lâu, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân trong xã. Tuy nhiên, việc phát triển bền vững, duy trì hiệu quả sản phẩm, nhất là giải quyết được bài toán đầu ra một cách ổn định, lâu dài luôn là điều trăn trở đối với chính quyền địa phương.

Nguyên nhân của những câu chuyện trên bắt nguồn từ lý do chính là đầu ra của sản phẩm không ổn định. Việc tiêu thụ nông sản qua biên giới luôn phụ thuộc nhiều vào thương lái nước ngoài với “hợp đồng miệng” nên đầy rủi ro. Vì vậy, để cây chuối, cây dứa ở Bản Lầu tiếp tục phát huy hiệu quả kinh tế, cần phải có biện pháp mở rộng thị trường trong nước để chủ động đầu ra cho sản phẩm.

Hiện nay, các cơ quan chức năng trên địa bàn xã Bản Lầu và huyện Mường Khương đã tiến hành mời gọi một số doanh nghiệp và các hợp tác xã trong và ngoài tỉnh có nhu cầu nhận bao tiêu sản phẩm đầu ra cho chuối và cây dứa ở Bản Lầu. Trong đó, nhiều đơn vị đã xây dựng kế hoạch thu mua và bao tiêu sản phẩm như Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) và nhà máy chế biến dứa xuất khẩu tại tỉnh Bắc Giang.

Trung Nguyên

Bình luận

ZALO