Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:35 GMT+7

Bài toán hóc búa của Nga tại Trung Đông

Biên phòng - Những ngày qua, cả Syria và Thổ Nhĩ Kỳ cùng tiến hành chống khủng bố tại tỉnh Idlib, Syria, tuy nhiên, việc đụng độ lẫn nhau trong khi thực hiện nhiệm vụ khiến căng thẳng giữa hai nước ngày càng leo thang. Đây là lần đầu tiên Syria và Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra đụng độ trực tiếp khiến vai trò được coi là “trọng tài” của Nga đang rơi vào tình thế khó xử.

yn4d_11a
Một phần thị trấn Binnish của tỉnh Idlib, Syria hứng chịu đạn pháo vào ngày 6-2. Ảnh: AFP

Xung đột giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ bùng nổ bắt đầu từ ngày cuối tuần, trước khi lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad khai hỏa tấn công một vị trí quan sát do lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát ở Idlib. Ngay sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành không kích đáp trả. Cuộc đụng độ đã khiến 1 thường dân và 13 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng; Syria cũng mất đi 7 binh lính sau những màn đáp trả. 

Trong một diễn biến leo thang căng thẳng vào ngày 8-2, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động 430 xe quân sự tiến tới tỉnh Idlib ngay khi phái đoàn của Nga đang có mặt tại Thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ để đàm phán giảm nhiệt căng thẳng. Cùng ngày, truyền hình Nhà nước Syria phát sóng trực tiếp sự kiện lực lượng chính phủ tiến quân kiểm soát thị trấn Saraqeb tại Idlib. Động thái này cho thấy, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến sát đến một cuộc đối đầu gay gắt. 

Kể từ khi can thiệp vào Syria vào tháng 9-2015, Nga luôn điều tiết cân bằng được sự căng thẳng giữa các lực lượng tham chiến. Cuộc đụng độ gần đây giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến Nga rơi vào tình thế khó xử. Nga đứng giữa với vai trò là đồng minh quan trọng hàng đầu của Syria và là đối tác chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ. Nga can thiệp vào Syria với vai trò là đồng minh ủng hộ Chính phủ Syria, đồng thời, Nga “bắt tay” với Thổ Nhĩ Kỳ để dàn xếp trật tự tại đất nước đang gánh chịu sự tàn phá của chiến tranh này. Chính vì vậy, giới chuyên gia quốc tế nhìn nhận, Nga dường như đang mắc kẹt trong cuộc xung đột, cùng nhiều “dấu hỏi” về việc Nga liệu có tiếp tục ủng hộ đồng minh hay đối đầu với đối tác. 

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, việc đối đầu trực tiếp với Nga chắc chắn là điều mà chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không mong muốn. Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đang có rất nhiều lợi ích khi hợp tác với Nga, nổi bật nhất là dự án đường ống dẫn nhiên liệu “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, nhà máy điện hạt nhân trị giá 20 tỷ USD, hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh can thiệp vào Idlib là điều Thổ Nhĩ Kỳ không thể không thực hiện, bất chấp chính quyền Syria do Nga hậu thuẫn. Cùng với việc tiêu diệt các lực lượng khủng bố đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nước này cũng muốn thiết lập trật tự nhằm ngăn dòng người tị nạn quá lớn. 

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, chiến dịch chống khủng bố của Chính phủ Syria sẽ tạo nên làn sóng di cư mới. Tổng thống Erdogan đưa ra tối hậu thư vào ngày 5-2, yêu cầu Syria phải rút quân khỏi tỉnh Idlib vào cuối tháng 2. 

Về phía Syria, Idlib được coi là thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy tại Syria vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố và tiến hành chiến dịch xuyên biên giới vào lãnh thổ Syria để tiêu diệt. Đây cũng là tỉnh thuộc Syria mà chính phủ nước này đang nỗ lực chiếm quyền kiểm soát từ tay các lực lượng ủy nhiệm do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Giới bình luận quốc tế cho rằng, sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào Idlib không thể chấm dứt cuộc khủng hoảng của Syria kể từ cuộc nội chiến kéo dài suốt 9 năm qua.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, mối quan hệ đồng minh với Syria là nền tảng giúp Nga thực hiện tham vọng to lớn hơn là người gìn giữ trật tự tại khu vực Trung Đông. Bài toán đặt ra đối với Nga hiện nay là rất hóc búa, khi hài hòa được lợi ích của cả Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Trong khi động thái xoa dịu của Nga tỏ ra không hiệu quả thì ngày 8-2, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố rằng, nước này sẵn sàng làm trung gian hòa giải, hỗ trợ cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để giải quyết những mâu thuẫn tồn tại bằng giải pháp ngoại giao. 

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO