Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:18 GMT+7

Bài toán “Du lịch thích ứng an toàn với Covid-19”

Biên phòng - Sau một thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, thời gian gần đây, một số tỉnh, thành phố cơ bản kiểm soát được dịch, đã cho phép các điểm du lịch cùng một số dịch vụ được đón khách trở lại. Tuy nhiên, trong thực hiện, vẫn còn nhiều địa phương lúng túng, khiến doanh nghiệp du lịch, lữ hành gặp khó khăn…

Thực hiện việc kiểm tra y tế bắt buộc cho du khách trên bến tàu tham quan Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) để đảm bảo du lịch an toàn. Ảnh: Hoàng Lân

Du lịch trong trạng thái bình thường mới

Dịch Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch thế giới và du lịch Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng đó. Đặc biệt, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 từ trước dịp nghỉ lễ 30-4-2021, kéo dài đến nay đã khiến du lịch gần như “đóng băng”. Sau thời gian cả nước dồn lực chống dịch bằng những biện pháp quyết liệt, đến nay, tình hình dịch bệnh đã dần được kiểm soát, đẩy lùi tại nhiều tỉnh, thành phố. Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, Chính phủ đã xác định chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhằm thực hiện mục tiêu kép bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân song song với khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Có thể thấy, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP chính là cơ hội để du lịch và lữ hành được hoạt động trở lại.

Trong buổi tọa đàm trực tuyến “Du lịch thích ứng an toàn với Covid-19” vừa diễn ra ngày 15-10-2021 do Báo Nhân Dân và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức với sự tham gia của các cơ quan quản lý du lịch, trung tâm đầu tư xúc tiến du lịch của các tỉnh, thành phố cho thấy sự quan tâm của nhiều địa phương trong việc tìm giải pháp phục hồi du lịch phù hợp với “tình hình mới”. Tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Mỗi một tỉnh phải có một sản phẩm du lịch tiêu biểu và kết nối an toàn cho du khách lựa chọn. Sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách sau đại dịch gồm: Nhóm nhỏ, an toàn, trọn gói, hướng về di tích, danh lam”.

Trong bối cảnh vẫn còn dịch Covid-19, để đưa du lịch hoạt động trở lại, các ngành đã xác định phát triển du lịch theo hướng thích ứng, an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Cùng với đó, xác định du lịch nội địa vẫn tiếp tục là trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, an toàn là yếu tố quan trọng, tiên quyết. Đó là phải bảo đảm sự kết nối an toàn giữa du khách và người lao động trong lĩnh vực du lịch, giữa các điểm đến với nhau và giữa các dịch vụ trong chuỗi cung ứng dịch vụ cho du khách.

Là địa phương đang gấp rút chuẩn bị để đón khách ngoại tỉnh, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết, Hà Giang sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp du lịch của Hà Nội thực hiện đón khách an toàn. Việc phối hợp giữa các tỉnh, thành phố và đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cần sớm triển khai để kích hoạt du lịch trong trạng thái mới.

Tăng cường kết nối để phục hồi du lịch

Dù đã lên các phương án, kịch bản phục hồi du lịch trong bối cảnh sống chung với dịch, nhưng những người đứng đầu các ngành, hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, địa phương cũng đang còn nhiều bối rối trong việc triển khai. Sau thời gian “đóng băng”, các doanh nghiệp du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động kinh doanh ngưng trệ, lao động rời bỏ ngành.

Đại diện một số doanh nghiệp cho biết, hiện nay, du lịch còn gặp khó khăn do quy định đi lại, “thẻ xanh”, cách ly phong tỏa tại các địa phương khác nhau. Tại nhiều địa phương, tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 còn thấp, chưa mạnh dạn mở cửa và vẫn chờ tiêm vaccine đủ 2 mũi. Các doanh nghiệp còn e ngại về tính hiệu quả, nhất là về doanh thu khi chưa có nhiều khách... Các địa phương có di tích, danh thắng thì còn e ngại dịch bệnh nên nơi đóng, nơi mở, nơi lưỡng lự chưa quyết định, sẽ khiến cho người làm du lịch lúng túng. Bởi khác với nhiều loại hình dịch vụ, việc làm tour du lịch cần phải có lộ trình và kết hợp nhịp nhàng giữa lưu trú, giao thông, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí.

Bên cạnh đó, vướng mắc lớn nhất của hoạt động du lịch nội địa hiện nay là khó khăn khi di chuyển giữa các tỉnh và sự khác biệt về chính sách giữa các địa phương. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp du lịch rất lo lắng về sự thống nhất giữa các tỉnh khi phân định vùng xanh, vùng đỏ, vùng vàng. Nếu đi từ vùng xanh mà vẫn bị chặn lại, bị kiểm tra thì rất vô lý. Du lịch chỉ nên phân biệt giữa vùng an toàn và không an toàn, chứ không phân cách theo địa giới hành chính.

Khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) thực hiện khai báo y tế. Ảnh: Thanh Thuận

Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho biết, hiện nay, bộ tiêu chí về du lịch an toàn đã có khung chung nhưng để đi vào cuộc sống thì còn có nhiều khoảng trống. Ông Thắng cũng trăn trở về việc làm sao để có một trung tâm thông tin giữa địa phương, doanh nghiệp với du khách dễ dàng truy cập.

Thực tế, hiện nay, khi tra bản đồ dịch tễ của các địa phương, doanh nghiệp rất lúng túng khi phát hiện tiêu chí vùng xanh trên bản đồ dịch tễ của các địa phương không hẳn giống nhau, gây khó khăn cho việc sắp xếp, bố trí tour du lịch. Một lý do khác nữa khiến doanh nghiệp lo ngại khi tái khởi động du lịch trở lại là yêu cầu test PCR. Theo quy định, test PCR chỉ có giá trị trong 72 giờ (3 ngày). Như vậy, tiến hành test đã mất 1 ngày, doanh nghiệp và khách chỉ còn 2 ngày để sử dụng kết quả này. Nếu thời gian đi du lịch dài hơn thì liệu khách có phải test lại không? Nếu test lại thì chi phí test cao, khiến giá tour đội lên so với trước. Chưa kể, các quy định khi nào xét nghiệm PCR, khi nào chỉ test nhanh, khi nào không xét nghiệm chưa thống nhất như hiện nay cũng gây khó cho cả doanh nghiệp lẫn du khách.

Những băn khoăn trên cũng là lo lắng chung và là lý do khiến nhiều doanh nghiệp còn rụt rè khôi phục hoạt động du lịch hiện nay. Thiết nghĩ, để thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, người quản lý ngành du lịch cần tích cực kết nối, cập nhật bản đồ dịch tễ, thông tin đến các địa phương, đồng thời tổ chức các đoàn đến một số địa phương để khảo sát các điểm đến, dịch vụ an toàn... để doanh nghiệp yên tâm giới thiệu cho khách hàng tour du lịch hợp lý, nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro cho cả khách và doanh nghiệp.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO