Biên phòng - Việt Nam nằm ở trung tâm các nước Đông Nam Á, là cung đường du lịch tàu biển đầy hấp dẫn, nhộn nhịp ở khu vực châu Á. Mặc dù du lịch tàu biển đã phát triển ở nước ta hơn 30 năm, nhưng vẫn không có bước đột phá lớn nào để trở thành trung tâm đón khách của thế giới. Một số dịch vụ của doanh nghiệp nước ta còn bị thua ngay tại “sân nhà”.

Khách hạng sang nhưng doanh thu ít
Ngày 1/3/2023, tàu du lịch Seven Seas Explorer từ Thái Lan nhập cảnh vào cảng Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đưa 637 khách lên bờ tham quan thành phố, trong đó,khoảng 90% du khách mang quốc tịch Mỹ. Đây là chuyến tàu du lịch cỡ lớn đến cảng Nha Trang đầu tiên sau đại dịch Covid-19 hoành hành khắp toàn cầu, mở ra cơ hội du lịch tàu biển phát triển mạnh mẽ trở lại ở Việt Nam. Dòng khách hạng sang đi bằng tàu biển là tín hiệu vui cho du lịch Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung. Theo kế hoạch năm 2023, Nha Trang sẽ đón 27 chuyến tàu du lịch.
Tàu Seven Seas Explorer neo đậu trong vịnh, sử dụng tàu nhỏ trung chuyển khách lên bờ tham quan các điểm như: Tháp Bà Ponagar, chùa Long Sơn, Trung tâm làng nghề Trường Sơn, Viện Hải dương học Nha Trang... Trực tại cầu cảng có Thượng úy Đặng Văn Sáng và Trung úy Tạ Quốc Cường, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Nha Trang, BĐBP Khánh Hòa, hai sĩ quan vừa kiểm tra giấy lên bờ và nhiệt tình giúp đỡ khách bước lên cầu cảng. Cả khách và sĩ quan Biên phòng luôn nở nụ cười rất tươi, có nhiều vị khách lớn tuổi bắt tay cảm ơn khi được hỗ trợ.
“Vợ chồng tôi thuê chiếc xe riêng đi tham quan thành phố Nha Trang, thấy cảnh đẹp, người dân thân thiện. Nha Trang là một thành phố hiện đại nhưng vẫn giữ được các làng nghề truyền thống. Rất tiếc, tôi phải quay lại tàu theo đúng lịch để tiếp tục hải trình đi Philippines. Vợ chồng tôi sẽ quay trở lại Nha Trang chơi nhiều ngày và tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở đây, lĩnh vực tôi đang làm ở Anh sẽ phù hợp với thị trường Việt Nam” - ông Peter Warsop, du khách nước Anh cảm nhận lần đầu tiên đến Việt Nam bằng tàu biển.
Khách du lịch tàu biển là khách hạng sang, điểm tham quan họ ưa thích là những di tích lịch sử, nhà cổ, đình làng, chợ quê, làng nghề… Lộ trình tham quan của khách tàu biển chỉ đi trong ngày, sau đó, họ quay lại tàu, hành trình đi nơi khác. “Khách tàu biển đi nhanh như gió thoáng qua, chỉ có một vài khách mua ít quà lưu niệm, mang tiếng là khách hạng sang nhưng dân địa phương thu được ít tiền. Nói sòng phẳng, không bằng khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga đi bằng đường hàng không, họ ở lại thành phố cả tuần, mua nhiều thứ, ngành dịch vụ phát triển” - bà Nguyễn Thị Oánh buôn bán ở chùa Long Sơn chia sẻ.
Cần có trung tâm đón tàu du lịch biển “đầu nguồn”
“Trung Quốc vẫn đang cấm tàu du lịch biển quốc tế nhập cảnh, vì vậy, tuyến du lịch Quảng Ninh, Chân Mây đi Hồng Kông - Thượng Hải - Đài Loan (Trung Quốc) - Nhật Bản bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, ở Quảng Ninh vẫn chưa có tàu lớn cập cảng. Cảng Nha Trang, Phú Mỹ, Sài Gòn đi Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines… hoạt động nhộn nhịp trở lại” - ông Phạm Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du Ngoạn Việt (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin.
Công ty Du Ngoạn Việt là một trong số doanh nghiệp của Việt Nam đủ năng lực đấu thầu trực tiếp với các hãng tàu du lịch biển, để được quyền bao thầu đưa đón khách từ tàu đi tham quan các nơi. Doanh thu từ các dịch vụ của Việt Nam đối với khách tàu biển không nhiều.
Ông Phạm Xuân Anh dẫn chứng cụ thể: “Doanh nghiệp Thái Lan họ chào giá 100 USD/khách, trọn gói đưa khách từ tàu đi tham quan thành phố Nha Trang và tắm bùn. Mình là người Việt, biết rõ mọi ngóc ngách cũng không dám nhận 100 USD/khách, sợ bị lỗ chổng vó. Vậy mà doanh nghiệp Thái Lan họ đấu thầu được với hãng tàu, rồi thuê lại mấy doanh nghiệp du lịch Nha Trang làm dịch vụ. Cạnh tranh khốc liệt lắm”.
Riêng khoản cung ứng tất cả các loại hàng hóa, đồ uống, vật tư phục vụ nhà bếp, nhà hàng... để phục vụ 3.000-6.000 người trên tàu du lịch biển là khoản doanh thu rất lớn. “Tàu có lịch cập vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hoặc thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp của Singapore đã tập kết nhiều container hàng hóa ở cảng, tàu đến họ chuyển hàng lên ăn phần trăm ngon ơ. Doanh nghiệp của Việt Nam đã bị thua ngay tại sân nhà” - ông Anh nêu vấn đề thực tế.
Hơn 30 năm ngành du lịch tàu biển quốc tế đã phát triển ở nước ta, đa số sử dụng cảng hàng hóa tổng hợp để đón tàu du lịch biển, với dòng khách hạng sang, nhưng nhà vệ sinh, nhà chờ, cầu đón tàu nhỏ… tạm bợ không đạt tiêu chuẩn. Đầu tháng 3/2023, một cảng ở miền Trung đã xảy ra trường hợp hy hữu, tàu chở 2.300 khách đã vào neo đậu ở vịnh, tàu nhỏ trung chuyển khách vào cảng chuyến đầu tiên, cầu lên xuống không đảm bảo an toàn, thuyền trưởng quyết định hủy không cho khách lên bờ tham quan và cho tàu rời cảng ngay lập tức. Ở nước ta hiện nay, chỉ có cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long đã đầu tư tương đối hoàn chỉnh cho một cảng đón tàu du lịch. Cùng một lúc đón được 2 tàu du lịch cỡ lớn.
“Việt Nam có điểm đầu tiếp nhận khách tàu biển, du khách đi máy bay đến ở lại khách sạn 1-2 ngày, sau đó xuống tàu du lịch đi Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Trung Quốc, Nhật Bản… Lúc này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ thu trọn gói, từ hàng không, vận chuyển mặt đất, khách sạn, cung ứng hậu cần, bán nhiên liệu…” - ông Phạm Xuân Anh chỉ ra những khoản thu lớn.
Việt Nam có lợi thế nằm ở trung tâm của các tuyến du lịch tàu biển thế giới, cần có những chính sách lớn để thu hút các tập đoàn đa quốc gia nhảy vào đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch tàu biển. Muốn có nguồn thu lớn từ du lịch tàu biển, Việt Nam cần có một trung tâm đón khách tàu du lịch biển “đầu nguồn”. Ở đó có cảng nước sâu đón được tàu lớn nhất thế giới cập cảng, có sân bay đủ năng lực cùng một lúc đón được nhiều chuyến bay từ khắp nơi trên thế giới chở khách đến, xuống tàu du lịch đi theo hải trình châu Á và vòng quanh thế giới. Chỉ riêng lực lượng vận chuyển hành lý của khách từ cảng lên tàu đã sử dụng hàng trăm người, tất cả được tính toán và chỉ trả bằng đô la.
Các chuyên gia cho rằng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi lý tưởng để mở ra trung tâm đón tàu biển “đầu nguồn”. Vì vùng Cái Mép hạ đang đưa vào quy hoạch trung tâm cảng biển, hàng hải lớn của khu vực và thế giới. Cái Mép gần với sân bay quốc tế Long Thành, đủ năng lực tiếp nhận nhiều chuyến bay cỡ lớn của các nước trên thế giới.
Hải Luận