Biên phòng - Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bức xúc khi lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết có thể xảy ra nguy cơ thiếu điện ngay đầu năm 2019, do một số nhà máy nhiệt điện thiếu than.
Theo EVN nguy cơ thiếu điện do thiếu hụt nguồn cung từ thủy điện. Các hồ thủy điện, nhất là khu vực miền Trung mặc dù đang trong giai đoạn lũ chính vụ nhưng mực nước thấp nhất trong chuỗi thủy văn từ trước đến nay. Tổng sản lượng thủy điện theo nước về của 2 tháng cuối năm trên toàn hệ thống thấp hơn 1,5 tỷ kWh so với kế hoạch năm 2018. Bên cạnh đó, việc suy giảm khả năng cấp khí phục vụ phát điện từ hệ thống khí Nam Côn Sơn chỉ đạt trung bình 16,5 triệu m3 khí/ngày trong 2 tháng cuối năm cũng khiến sản lượng điện từ khí bị hụt 810 triệu kWh trong 2 tháng.
Ðể bù phần điện thiếu hụt ước tính 2,9 tỷ kWh trong 2 tháng cuối năm, ngành điện không còn cách nào khác là huy động tối đa các nhà máy điện than hiện có với sản lượng tăng khoảng 1,47 tỷ kWh so với kế hoạch năm 2018. Trong khi đó EVN lại gặp vấn đề khi thiếu hụt than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 10 đến nay, EVN đã thiếu khoảng 340.000 tấn than. Ước tính, nếu do thiếu than, các nhà máy điện phải ngừng hoặc giảm công suất khoảng 2.300MW, tương đương công suất sử dụng điện trung bình của 13 tỉnh miền Trung.
Không đồng tình với lý giải trên, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, vẫn cung cấp đủ than, thậm chí là vượt số lượng theo hợp đồng đã ký với EVN từ đầu năm. Năm 2018, tổng sản lượng than khai thác ước đạt 28,9 triệu tấn, tăng 22% so với năm 2017. 98% số than được cung cấp cho nhiệt điện. TKV cho rằng không phải là thiếu than mà chính các nhà máy nhiệt điện đã không chủ động mua than, không ký hợp đồng cung cấp dài hạn.
Với thực tế năm 2018, đỉnh công suất tiêu dùng điện chưa đến mức 35.500MW và khoảng 4.000MW công suất bổ sung/năm những lúc cao điểm, EVN cam kết bảo đảm điện cho nền kinh tế, trước mắt là năm 2019. Chỉ có điều là với mức giá nào? Bởi, nếu thiếu hụt nguồn than và khí, EVN buộc phải huy động thêm nguồn năng lượng từ dầu cho các nhà máy điện. Hiện, giá thành phát điện từ dầu là hơn 5.000 đồng/kWh, nếu so với mức giá bán lẻ điện bình quân 1.720,65 đồng/kWh, áp dụng từ tháng 12-2017, thì càng đổ dầu vào chạy điện, EVN càng lỗ to. EVN ước tính năm 2019 phải đổ dầu vào phát điện khoảng 3 tỷ kWh.
Từ câu chuyện các tập đoàn năng lượng “đổ lỗi” cho nhau, dư luận không khỏi băn khoăn về sự ổn định an ninh năng lượng quốc gia khi nguồn cung năng lượng chưa bền vững. Không ít ý kiến cho rằng chuyện “thiếu than”, “thiếu khí” là cái cớ để EVN thúc ép Chính phủ tăng vốn đầu tư và tăng giá điện.
Theo tính toán, hiện tiêu thụ điện bình quân trên đầu người tại Việt Nam hiện đạt 1.700kWh/người/năm vẫn thấp hơn so với bình quân quốc tế và hiện chỉ bằng 1/3 của Trung Quốc, 1/5 của Australia. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới cho rằng, thách thức trong giai đoạn tới của ngành năng lượng Việt Nam là thu hút được nguồn vốn đầu tư, ước tính khoảng 150 tỷ đô-la Mỹ, trong khi giá điện đang ở dưới mức thu hồi chi phí và EVN không nhận được trợ cấp trực tiếp từ Chính phủ
Trông chờ nhất hiện nay là nguồn năng lượng tái tạo khi có tới 26.000MWp điện mặt trời được nhà đầu tư mong muốn triển khai và đã đăng ký với cơ quan hữu trách. Nguồn điện mặt trời áp mái cũng được cho là cơ hội bổ sung thêm 3.000MW cho hệ thống lưới điện khi giá thành thiết bị đang giảm. Tuy vậy, điểm yếu của điện mặt trời chỉ vận hành được 1.500 - 1.800 giờ/năm và có nguy cơ rã lưới theo thời tiết nên tiềm ẩn nguy cơ không ổn định.
Bởi vậy, câu chuyện điện cho tương lai sau năm 2020 vẫn còn có những dấu hỏi nhất định.
Thanh Thảo