Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Bài thơ khắc đá đầu tiên của Lê Lợi

Biên phòng - Vị vua đầu triều Lê rất ít khi làm thơ, nhưng đã để lại 3 bài thơ tuyệt tác, đều khắc trên vách đá. Hai bài thơ làm trong dịp chinh phạt Đèo Cát Hãn, khắc trên vách núi ven sông Đà ở Lai Châu và Hòa Bình, nổi tiếng vì có câu “Biên phòng hảo vị trù phương lược”, còn bài thơ làm sớm hơn, ở vùng Cao Bằng lại rất ít người được biết tới.

n4jv_20
Bài thơ khắc đá đầu tiên của Lê Lợi ở Thạch An, Cao Bằng. Ảnh: Tư liệu do Viện Khảo cổ cung cấp

Hai bài thơ làm trên sông Đà đã nổi tiếng, lại càng nổi tiếng, sau khi có các công trình thủy điện Hòa Bình, Lai Châu cần phải giải phóng lòng hồ. Vì thế, cả hai chiếc bia đều được đưa lên vùng đất cao hơn để bảo tồn. Các nhà khoa học đã phải cất công cắt đá núi để di dời khối đá có tấm bia mà không bị sứt mẻ, hư hỏng. Một số phiên bản của bia còn được sao khắc lại để ở ven hồ Hoàn Kiếm và Bộ Tư lệnh BĐBP...

Thế còn tấm bia đầu tiên mà sử sách nhắc nhiều thì rất ít người biết đến, có chăng chỉ là một vài đoạn ngắn trong thư tịch, mà cũng không rõ vị trí tấm bia đang ở đâu, vì thế một thời gian dài đã bị... lãng quên. Gần đây, các nhà Hán Nôm đi điều tra vùng Cao Bằng mới phát hiện ra.

Xem trong sách Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên đã ghi lại “Năm Thuận Thiên thứ ba (1430). Mùa Đông, tháng 11, vua đi đánh bọn nghịch tặc ở châu Thạch Lâm, trấn Thái Nguyên là Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái. Vua đến châu Thạch Lâm, có đề thơ trước cửa động rằng:

“Bất từ vạn lý chỉnh sư đồ,

Duy dục biên phương diệc tử tô.

Thiên địa bất dung gian đảng tại,

Cổ kim thùy xá bạn thần tru”.

Dịch nghĩa: Không ngại ngàn dặm, chỉnh đốn quân đội, chỉ mong biên cương dân chúng được sống yên ổn. Trời đất không dung cho lũ gian đảng, xưa nay ai tha cho kẻ bề tôi mưu phản?

Lê Lợi tuyển chọn quân bộ ở Bồ Đề (nay vẫn còn địa danh vương lại, chính là phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội). Người nào tình nguyện trước được vua ban thưởng. Năm sau, vua bắt được Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái đem về. Tháng 3 về đến Kinh sư.

Sách Việt Sử thông giám cương mục, do sử gia nhà Nguyễn cũng chép sự kiện này, tuy có chút khác biệt: Lê Thái Tổ đã “tiến quân đến châu Thạch Lâm, thắng trận; Khắc Thiệu phải chạy rồi chết; bắt được Đắc Thái. Kéo quân về”.

Thư tịch ghi rõ khắc bia ở châu Thạch Lâm, trấn Thái Nguyên. Nhưng tìm khắp cả tỉnh Thái Nguyên hiện tại đều không có, vì địa danh đã thay đổi qua nhiều thời đại. Các sử gia đã tìm trong Đại Nam nhất thống chí thời Nguyễn mới biết: Có một thời châu Thạch Lâm thuộc Trấn Thái Nguyên, nhưng sau đó, đến thời Minh Mạng năm thứ 16 mới tách châu Thạch Lâm thành Thạch Lâm và Thạch An và chính Thạch An là nơi có di tích bia Lê Lợi, đây cũng là tên huyện Thạch An của huyện Cao Bằng ngày nay. 

Đại Nam nhất thống chí còn ghi chi tiết trong phần khảo tả núi Khắc Thiệu: Cách huyện Thạch Lâm 19 dặm về phía Tây, đời Lê Thuận Thiên (niên hiệu của Lê Lợi), Bế Khắc Thiệu nghe tin thổ tù Nông Đắc Thái được thần cho cung tên bằng đồng, hễ bắn phát nào là trúng phát đó, bèn cho người mời Đắc Thái đến, cho làm Võ Kính tướng quân, rồi đánh thuốc độc giết đi, chiếm lấy cung tên. Khắc Thiệu tự cho là được quỷ thần giúp sức, bèn có ý hùng cứ. Lê Thái Tổ tự làm tướng đi đánh, Khắc Thiệu giương cung bắn, không thấy ứng nghiệm, nên bị Lê Thái Tổ bắt được. Vì bắt được Khắc Thiệu ở núi này, nên đặt tên núi như thế. Một đoạn khác, Đại Nam nhất thống chí ghi lại về thành Na Lữ, một thời Lê Lợi đóng quân ở đó để đánh thổ tù Bế Khắc Thiệu làm phản. Ở núi đá về phía Tây Bắc của thành có bài thơ ngự chế khắc vào đá có ghi niên đại Thuận Thiên tứ niên Tân Hợi, chính là bài thơ được chép lại trong Đại Việt sử ký toàn thư.

Cho đến năm 2010, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Khắc Thuân đi khảo sát tư liệu Hán Nôm tại tỉnh Cao Bằng mới biết được bài thơ đầu tiên khắc trên vách đá của Lê Lợi nằm bên một ngọn núi nhỏ bên bờ sông Dẻ Rào còn gọi là núi Tiết Điểm, người địa phương còn gọi là Phya Tém. Địa điểm này nay thuộc xã Minh Khai, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Đặc biệt, bài thơ “Thân chinh Thái Nguyên châu” được khắc lại có 8 câu thơ, chứ không phải chỉ có 4 câu thơ như một số thư tịch ghi lại. Bốn câu cuối được bổ sung là:

“Trung lương tự khả ưng đa phúc

Bạo bột chung nan bảo nhất khu

Đới lệ bất di thần tử tiết

Danh thùy vạn thế dữ sơn câu”.

Dịch nghĩa: Người trung lương tự khắc được hưởng phúc, kẻ cường bạo rút cục khó mà toàn thân. Lời thề năm xưa không quên khí tiết của kẻ bề tôi, tên tuổi sẽ cùng với núi này mà còn mãi. Bài thơ còn có dòng ghi niên đại: Ngày 20 tháng Giêng năm 1431.

Vậy là, quanh bài thơ khắc trên đá của Lê Lợi ở Cao Bằng, những mảnh vỡ của lịch sử đã được ghép. Cả ba bài thơ Lê Lợi đều nói lên sự khó khăn, vất vả của ông khi thân chinh dẹp loạn nơi biên giới. Bế Khắc Thiệu vốn là thổ tù có công, được Lê Lợi cử về chống quân Minh ở Cao Bằng, sau làm phản. Chính Lê Lợi phải thân chinh lên trị tội.

Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Sinh 

Bình luận

ZALO