Biên phòng - Chùa Thiên Mụ nằm ven sông Hương nước chảy lững lờ nơi xứ Huế. Xưa kia, nhiều chúa Nguyễn, vua Nguyễn cùng tao nhân mặc khách đến đây và để lại nhiều bài thơ, trong đó có bài “Ngự kiến Thiên Mụ tự bi minh”.
Đẹp nhất chùa chiền ở xứ Thần Kinh là chùa Thiên Mụ, thời Trần - Hồ thuộc xã Hà Khê, huyện Kim Trà xưa, ngày nay là đồi Hà Khê, phường Kim Long, cách trung tâm thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế khoảng 5km. Trong sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An (năm 1553) đã đề cập đến chùa Thiên Mụ: “Trên ở đỉnh núi, dưới gối dòng sông, vượt hẳn ba nghìn cõi thế, gần kề gang tấc cung trời. Khách có dạo bước lên chơi, bất giác nảy lòng lành, tan niềm tục. Đúng là một cảnh Tiên Phật vậy”.
Quả là đất địa linh, hợp phong thủy: Trước mặt có sông Hương (Minh Đường), hai bên là núi (tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ). Người xưa còn gọi thế đất này là “long bàn, hổ cứ” (rồng cuộn, hổ ngồi). Trước đó, ở mảnh đất này đã từng xây đền tháp thờ nữ thần bảo hộ xứ sở Po Naga ở vị trí này, nên sau này người Việt xây chùa, vẫn giữ nguyên cái nghĩa địa danh “Thiên Mụ”. Có thời, chùa còn được đổi tên là Linh Mụ.
Chúa Tiên Nguyễn Hoàng là người đầu tiên cho xây lại chùa. Năm 1558, chỉ sau có 3 năm vào đất Thuận Hóa lập nghiệp, ông đã cho xây lại chùa khang trang. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu, còn gọi là Minh Vương, là người sùng đạo Phật, đã đại trùng tu chùa Linh Mụ vào năm 1714. Mùa Đông năm sau, ông lên thăm chùa và cho dựng bia đá khắc bài minh của ông có tên là: “Ngự kiến Thiên Mụ tự” (Nhà chúa dựng chùa Thiên Mụ).
Tấm bia đá khắc bài văn của chúa Nguyễn Phúc Chu là 1 trong 5 tấm bia nổi tiếng được dựng quanh tháp Phước Duyên của chùa (nhiều người vẫn quen gọi là tháp Từ Nhân, hay tháp Thiên Mụ). Tấm bia này cổ nhất (1715) mang nhiều ý nghĩa. Chính vì vậy, mới đây, Nhà nước đã công nhận bia là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 88/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ký ngày 15-1-2020.
Bia cao 2,5m, làm bằng đá cẩm thạch. Riêng phần thân cao 1,93m, rộng 1,14m, dày 0,24m, tai bia dài 0,6m, chỗ rộng nhất 0,23m. Nét khắc còn rõ. Bia được đặt trên lưng tượng rùa bằng đá chiều dài 2m, cao 0,51m, hoa văn hình bát giác, được tạo khối đẹp, vững chãi. Rùa có cả mai, bốn chân, mắt, miệng, được tạc khá hiện thực. Trán bia hình bán nguyệt, thân bia hình chữ nhật. Trán và thân bia trang trí hình rồng tượng trưng cho bậc vua chúa. Ngoài ra, còn có hoa văn sóng nước, mây lửa.
Bài minh văn khá dài gồm 1.260 chữ, khắc chữ chân phương, ca ngợi đạo Phật, đất nước, quá trình tôn tạo, mô tả vẻ đẹp chùa Thiên Mụ. Đáng chú ý, cuối bài minh còn được khắc bài thơ nổi tiếng của chúa Nguyễn Phúc Chu:
Phiên âm Hán Việt như sau:
“Việt quốc chi nam hề, giai thủy giai san.
Bảo sát chi tráng hề, nhật chiếu thiền quan.
Tính chi thanh tĩnh hề, khê hưởng sàn sàn.
Quốc chi điện an hề, tứ cảnh u nhàn.
Vô vi chi hóa hề, Nho Thích đồng ban.
Ký tư thắng khái hề, nhân quả hồi hoàn.
Kiến tiêu lập đích hề, thành tồn tà nhàn”
Tạm dịch:
“Nước Việt phương Nam, non sông hùng vĩ thay,
Chùa chiền tráng lệ, cửa thiền sáng đêm ngày.
Trong tâm tĩnh tại, lắng nghe dòng suối chảy,
Đất nước thanh bình, cảnh đẹp lòng ngất ngây.
Vô vi đạo Phật, đạo Nho cùng giáo hóa,
Vài dòng cảm khái, trên đời có nhân quả,
Ta dựng bia, ngăn lòng tà, khuyến lòng ngay”
(Bản dịch của Trịnh Sinh).
Bài thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu đã phản ánh tâm thế của những người đi mở cõi phương Nam, vượt Hoành Sơn vào đất Thuận Hóa, dựng nên một đế chế mới nối dài 9 chúa, 13 vua nhà Nguyễn. Vượt qua những khó khăn buổi đầu, đến chúa Nguyễn đời thứ 6 là Nguyễn Phúc Chu đã tạo dựng được một xã hội thanh bình, dân tình chung sức xây đắp cuộc sống yên vui. Lúc này, đạo Phật và đạo Nho cùng thịnh hành trong tâm thế người Việt.
Đáng lưu ý, ngoài tấm bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự”, Nguyễn Phúc Chu còn cho đúc và cúng vào chùa Thiên Mụ quả chuông đẹp và vẫn lưu lại ở chùa đến ngày nay. Đó là quả Đại Hồng chung đúc ngày Phật đản năm 1710.
Các vua Thiệu Trị và Khải Định cũng có nhiều bài thơ được khắc bia để trong chùa. Những tấm bia “trăm năm bia đá... chẳng mờ” đã là những dấu son văn hóa của người Việt trên con đường mở đất phương Nam.
Giáo sư Trịnh Sinh