Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 03/10/2023 05:56 GMT+7

Bài học sâu sắc từ cú lừa “việc nhẹ, lương cao” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng - Nạn mua bán người mặc dù chỉ mới xuất hiện và manh nha hình thành trên địa bàn biên giới tỉnh Gia Lai và Kon Tum, nhưng đã để lại nỗi đau, sự cùng quẫn đối với các nạn nhân, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của người dân trên các buôn làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Loại hình tội phạm nguy hiểm này đang ngày càng biến tướng, quy mô lan rộng, với nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi. Để loại bỏ thứ ung nhọt mang tên “mua bán người”, sự cương quyết trong đấu tranh, phòng chống của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa đủ. Giải pháp căn cơ nhất vẫn chính là ý thức của thanh thiếu niên nơi đất làng, lứa tuổi có nguy cơ cao nhất…

Đồn Biên phòng Ia O, BĐBP Gia Lai phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống nạn mua bán người. Ảnh: Thái Kim Nga

Đấu tranh linh hoạt đối với loại hình tội phạm mới

Địa bàn biên giới tỉnh Gia Lai là nơi sinh sống của đồng bào các DTTS, trong đó chủ yếu là bà con người Jrai. Những năm gần đây, điều kiện cuộc sống và trình độ dân trí của người dân ở đây nhìn chung đã được cải thiện, nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp bấp bênh do thời tiết, khí hậu biến đổi thất thường, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả đầu ra không ổn định. Điều này khiến cho “làn sóng” lao động tại chỗ rời quê lên phố càng dịch chuyển mạnh mẽ hơn. Trong số đó, có cả những thanh thiếu niên ham ăn chơi, đua đòi, nhưng lại thiếu hiểu biết, rất dễ sập bẫy cú lừa “việc nhẹ, lương cao” mà thực chất là tội phạm mua bán người trá hình.

Nổi lên trong thời gian vừa qua là Chuyên án GL622 do Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai thiết lập và đấu tranh. Đây được xem là một trong những chuyên án tiêu biểu, thể hiện sự nhanh nhạy, ứng phó linh hoạt của những người lính Biên phòng dù phải đối mặt với một loại hình tội phạm rất mới nhưng có thừa sự lọc lõi, ranh ma. Sau một thời gian rất ngắn triển khai lực lượng trinh sát điều tra, thu thập thông tin, ngày 3 và 4/7/2022, BĐBP Gia Lai đã phối hợp với các lực lượng chức năng của Việt Nam và Campuchia giải cứu thành công 7 nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia trở về đoàn tụ với gia đình.

Trước đó, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia O, BĐBP Gia Lai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi mua bán người đối với đối tượng Trần Quang Quyết, sinh năm 2001, thường trú tại thôn 7, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum. Qua đấu tranh, đối tượng Trần Quang Quyết khai nhận, thông qua mạng xã hội, hắn làm quen và dụ dỗ được 7 công dân ở làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai vào các tỉnh phía Nam làm việc, sau đó lừa bán sang Campuchia. Điều đáng nói là Trần Quang Quyết từng hai lần bị dính bẫy “việc nhẹ, lương cao” của bọn buôn người và gia đình hắn ta phải bỏ ra số tiền 170 triệu đồng để “chuộc thân”.

7 nạn nhân ở làng Kloong bị Quyết lừa bán sang Campuchia có dấu hiệu bị cưỡng bức, bóc lột lao động và tống tiền. Sau khi giải cứu thành công, Đồn Biên phòng Ia O tổ chức đưa các nạn nhân đến các thôn làng trong xã, để họ trực tiếp nói lên những điều “mắt thấy, tai nghe” về những chiêu thức, thủ đoạn lừa đảo của bọn buôn người, cũng như những trải nghiệm địa ngục trần ai khi phải làm thân phận của một “món hàng sống” để cảnh tỉnh những thanh thiếu niên siêng ăn nhác làm, thiếu khả năng nhưng có thừa sự mù quáng.

Cùng thời điểm này, BĐBP Kon Tum phối hợp với các đồng nghiệp ở tỉnh Tây Ninh và lực lượng chức năng Campuchia giải cứu thành công nạn nhân Y.L (16 tuổi, dân tộc Xê Đăng), trú tại thôn Kêi Joi, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum bị lừa bán năm lần bảy lượt bên đất bạn. Việc giải cứu các nạn nhân thoát khỏi móng vuốt của bọn buôn người thể hiện sự chủ động, nhạy bén, đấu tranh quyết liệt, nhưng đầy tính linh hoạt, uyển chuyển của lực lượng BĐBP nói chung, BĐBP 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum nói riêng.

Điều đọng lại sau vụ án

Không thể phủ nhận thực trạng mua bán người qua biên giới bằng chiêu thức “việc nhẹ, lương cao” diễn ra với tần suất dày đặc trong thời gian qua là do những mánh khóe lừa lọc, gian xảo của bọn tội phạm. Lòng tham của con người đã đẩy nhiều số phận đến bước đường cùng, thậm chí phải bỏ mạng nơi đất khách quê người. Tuy nhiên, lòng tham đó không chỉ tồn tại trên những thực thể đã biến dạng (bọn tội phạm), mà còn nhìn thấy rất rõ ở chính các nạn nhân.

Từ nạn nhân bị lừa bán sang bên kia biên giới, Trần Quang Quyết (ngồi giữa) trở thành tội phạm mua bán người. Ảnh: Thái Kim Nga

Câu hỏi được đặt ra là, tại sao chỉ bằng lời hứa hẹn rất vô căn cứ về “khoản thu nhập trong mơ” ở bên kia biên giới mà lại có nhiều nạn nhân bị sập bẫy? Phải chăng, họ đã bị bắt cóc, khống chế ngay từ khi rời khỏi quê hương, gia đình? Hoàn toàn không. Tất cả đều tự nguyện nghe theo sự chèo lái của tội phạm trước khi họ đặt chân sang bên kia biên giới, với một “góc nhìn” gần như đều giống nhau, đó chính là “đứng núi này trông núi nọ”. Không bằng lòng với mức thu nhập từ sản xuất nông nghiệp “một nắng hai sương” ở quê nhà, họ tìm đến các tỉnh, thành phía Nam làm công nhân trong khu công nghiệp, lao động phổ thông... Tại đây, vẫn không bằng lòng với những gì đang có mà còn phải gánh thêm nhiều khoản chi phí như tiền ăn, tiền ở, họ lại tiếp tục “lang thang” trên… mạng xã hội để tìm việc làm. Và, khi gặp “đối tác” hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao”, các nạn nhân như cá gặp được nước, cứ thế quàng đầu vào chiếc thòng lọng đang đợi sẵn.

Câu chuyện của 7 nạn nhân được BĐBP giải cứu ở làng Kloong (tỉnh Gia Lai), hay trường hợp của Y.L ở tỉnh Kon Tum mới đây đều dích dắc đi theo “cung đường” như thế. Qua điều tra, khảo sát của cơ quan chức năng và những thông tin chúng tôi ghi nhận được thì thực trạng “bỏ quê ra phố” đang trở nên rất thịnh hành ở các thôn, làng đồng bào DTTS địa bàn biên giới. Tất nhiên, xuất phát từ nhu cầu lao động rất chính đáng của phần lớn thanh niên khi rời xa quê hương, nhưng vẫn không thể phủ nhận mặt trái của vấn đề này khi ở một số địa bàn nhu cầu sử dụng lao động tại chỗ vẫn còn rất cao. Nhiều địa phương, nhất là những vùng dự án trồng cao su, cà phê, các doanh nghiệp vẫn mỏi mắt tìm lao động với mức thu nhập có thể nói là ổn định. Tuy nhiên, nguồn nhân lực tại chỗ lại chưa được khai thác hiệu quả, tình trạng thanh thiếu niên đi làm ăn xa còn rất phổ biến.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tại, trên địa bàn 7 xã biên giới của tỉnh Gia Lai có tới hàng ngàn lao động đi làm ăn xa, trong đó, có xã lên tới hơn 200 người. Tương tự, con số này ở tỉnh Kon Tum cũng rất lớn, thể hiện trong những đợt thực hiện giãn cách xã hội, có xã, số người phải cách ly khi đi làm ăn xa trở về hơn 300 người. Điều này rất đáng lưu tâm, bởi trong số lao động địa phương đi làm ăn xa, có những thanh thiếu niên cá biệt, ham chơi lêu lổng, rất dễ trở thành “con mồi” béo bở của bọn tội phạm. Từ bước xuất phát đó, nếu không được giải cứu kịp thời thì ranh giới giữa nạn nhân với tội phạm là hết sức mong manh (như trường hợp của đối tượng Trần Quang Quyết), không chỉ mất tiền, thậm chí là mất mạng mà còn mang tội.

Thiết nghĩ, bên cạnh biện pháp đấu tranh cương quyết, tuyên truyền, giáo dục thường xuyên ngay tại cộng đồng, cần quản lý chặt chẽ số lao động đi làm ăn xa và đặc biệt bản thân những người lao động phải thay đổi suy nghĩ “đứng núi này trông núi nọ” để tránh rơi vào cái bẫy nguy hiểm của bọn buôn người.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO