Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 25/09/2023 05:45 GMT+7

Bài học lịch sử xuyên thiên niên kỷ

Biên phòng - Người Việt ai cũng biết câu chuyện lâm ly đẫm nước mắt của mối tình Mỵ Châu-Trọng Thủy. Một nhà thơ nổi tiếng đã viết nên những dòng thơ ngậm ngùi thương cho số phận nàng công chúa nước Việt trót để trái tim lên đầu làm cho đất nước Âu Lạc của vua cha một sớm một chiều tan tác:

“Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu

Trái tim lầm chỗ để trên đầu

Nỏ thần vô ý trao tay giặc

Nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu”.

Hóa ra, câu chuyện truyền thuyết lại có một cốt lõi lịch sử khoảng 2.200 năm trước đây. Chỉ mới hơn chục năm gần đây, các nhà khảo cổ học lầm lũi đi tìm vết tích của “nỏ thần” ngay tại kinh đô xưa của Nhà nước Âu Lạc và đã tìm thấy. Bằng chứng xác đáng nhất là tìm được khá nhiều mũi tên đồng ở khu Cầu Vực, Cổ Loa và còn tìm được khuôn đúc bằng đá của chính loại mũi tên này trong thành Nội của thành Cổ Loa. Mũi tên loại này là mũi tên ba cạnh độc đáo, tìm được một kho hàng vạn chiếc và ngày càng được bổ sung thêm. Không những thế, trong khu thành Nội, các nhà khảo cổ còn tìm được khá nhiều lò đúc thủ công để đúc vũ khí và vật dụng bằng đồng.

5b0bbd0722f7c7e2e0000a94
Những mũi tên Cổ Loa có 3 cạnh. Ảnh: Trịnh Sinh

Các nhà khoa học còn tìm được các lẫy nỏ làm bằng đồng có hình dáng không khác gì các lẫy nỏ hiện nay. Bằng những phương pháp phân tích niên đại khoa học, chúng ta biết được các lẫy nỏ này cách đây đã hơn 2.000 năm vào đúng thời của Nhà nước Âu Lạc.

Vậy là, một chuỗi di vật của lịch sử để lại đã giúp cho các nhà khoa học dựng lại được bức tranh lịch sử đương thời dựa vào các mảnh ghép: Lẫy nỏ bằng đồng, mũi tên 3 cạnh bằng đồng, khuôn đúc và lò đúc mũi tên tìm được ở ngay khu vực An Dương Vương chấp chính - thành Nội trong tòa thành Cổ Loa. Hơn 20 thế kỷ trôi qua đọng lại một truyền thuyết nỏ thần lại hóa ra là có cốt lõi hoàn toàn có thật bên cạnh cái chất “thăng hoa” của truyền thuyết, lãng mạn hóa, tâm linh hóa mà biết bao thế hệ người Việt thêm thắt vào để “thiêng hóa” mà truyền lại cho đến ngày nay.

Trung tâm của truyền thuyết là bí mật của nỏ thần. Chuyện kể rằng, tướng quân Cao Lỗ đã giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa và chế tạo nỏ thần. Theo thư tịch và truyền thuyết thì một mũi tên bắn đi có thể giết nhiều người “nhất phát sát vạn nhân”. Thực ra, sự thật không phải thế, nếu có giết được từng ấy người thì chỉ có... bom nguyên tử mà thôi. Nhưng điều đó đã cho ta một thông điệp: Tên và nỏ thời An Dương Vương ắt phải là thứ vũ khí lợi hại nhất. Chẳng thế mà nhiều lần có được kỹ thuật chế tạo tên, nỏ mà An Dương Vương đã đẩy lui được quân xâm lược Triệu Đà.

Thông điệp cũng cho ta thấy, rõ ràng, Triệu Đà có binh hùng tướng mạnh như vậy nhưng về kỹ thuật vũ khí còn kém An Dương Vương. Mãi về sau, nhờ “nam kế” cho Trọng Thủy ở rể để ăn cắp được kỹ thuật chế tạo nỏ thần mới đánh bại được An Dương Vương. Truyền thuyết lại cho ta thấy, người Lạc Việt đã có đội quân chế tạo và sử dụng nỏ, tên hơn hẳn quốc gia láng giềng bấy giờ là Nam Việt. Sử sách còn chép lại, cha ông ta “thạo cung nỏ, giỏi thủy chiến” cũng là bắt nguồn từ thời Âu Lạc, thậm chí còn trước nữa từ thời Hùng Vương dựng nước.

Các nhà khảo cổ đào được nhiều mũi tên bằng đá trong làng xóm người Việt cổ. Mũi tên bằng đá này được xác định vào khoảng cách đây hơn 3.000 năm. Lúc đó là giai đoạn sử dụng cung tên: Thân tên bằng tre, mũi tên bằng đá. Đấy là loại vũ khí đánh xa lợi hại, đạt được tốc độ cao, sát thương lớn. Đến thời Nhà nước Âu Lạc, người Việt đã cải tiến, bước vào giai đoạn sử dụng “máy nỏ” bằng đồng, có lẫy nỏ lợi hại, tăng đáng kể lực bắn và độ xa. Có lẽ trong lịch sử vũ khí đánh xa, nỏ chỉ kém máy bắn đá và súng thần công mà thôi. Chưa kể những mũi tên 3 cạnh đào được ở Cổ Loa khá tân tiến về mặt kỹ thuật vũ khí: Mũi tên có 3 cạnh giúp cho đường “đạn” bay chính xác hơn mũi tên hai cạnh truyền thống, 3 rãnh ở đầu mũi tên giúp cho việc thoát máu khi sát thương nhanh hơn, hiệu quả hơn các loại mũi tên khác.

Trong lịch sử phát triển vũ khí của người Việt, có lẽ việc sử dụng cung nỏ đã rất phổ biến, hình ảnh chiến binh đội mũ cắm lông chim, tay cầm cung đã có mặt trên trống đồng Đông Sơn, hàng vạn mũi tên tìm được trong lòng đất đã chứng minh cho một đội quân tinh nhuệ với vũ khí hiện đại nhất bấy giờ. Trong thời Nhà nước Đại Việt, người Việt lại dùng cung nỏ và tên lắp thêm mồi lửa để bắn vào doanh trại giặc. Vậy thì, có thể đội quân này xứng đáng là tiền thân của Quân chủng Phòng không-Không quân, mà vị Tư lệnh đầu tiên chính là tướng quân Cao Lỗ.

snlf_18b
Chiếc lẫy nỏ bằng đồng của văn hóa Đông Sơn. Ảnh: Trịnh Sinh

Sau thời Âu Lạc, nước ta chịu phụ thuộc vào nước Nam Việt vào năm 179 trước Công nguyên. Trong ngôi mộ của Triệu Hổ, cháu Triệu Đà được phát hiện ở thành phố Quảng Châu (Trung Quốc), đã có cả những vật phẩm độc đáo của người Lạc Việt như 9 chiếc thạp đồng. Ngoài ra, còn có những mũi tên 3 cạnh, lẫy nỏ đồng. Phải chăng đấy là những vũ khí tùy táng có được từ người Lạc Việt hay học được của người Việt. Chứng tỏ những người Việt đã có đồ vật, vũ khí độc đáo được chôn trong mộ Nam Việt Vương cùng biết bao nhiêu đồ tùy táng quý giá khác mà Triệu Hồ muốn đem sang bên kia thế giới cùng mình.

Lịch sử Quân sự Việt Nam oai hùng ngay từ trang đầu tiên với cách đánh giặc bằng thứ vũ khí hiện đại nhất thời dựng nước và giữ nước: Cung nỏ. Trong bối cảnh khu vực bấy giờ, người Việt thời các vua Hùng, vua An Dương Vương đã lãnh đạo một cộng đồng dân tộc thông minh hàng đầu, biết đúc trống đồng Đông Sơn đẹp nhất, biết đến cách đánh giặc bằng cung nỏ lợi hại, quả cảm. Chỉ tiếc rằng “trái tim lầm chỗ” nặng tình mà cơ đồ nước Âu Lạc phải đắm bể sâu. Âu cũng là một bài học lịch sử xuyên thiên niên kỷ, cho đến hôm nay vẫn rất cần đối với những người con mang dòng máu Việt.

Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Sinh

Bình luận

ZALO