Biên phòng - 16 người chết, 3 người mất tích, 28 người bị thương là thiệt hại nặng nề do mưa lũ, sạt lở đất vừa gây ra cho thành phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tính đến ngày 20-11. Đây được coi là một thảm họa bất ngờ đối với người dân và cả chính quyền địa phương. Câu hỏi đặt ra là tại sao Nha Trang phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng như vậy và điều này có nằm ngoài dự báo?

Phân tích kỹ nguyên nhân gây ra hậu quả nặng nề trên, các chuyên gia chỉ ra rằng, nguyên nhân chủ yếu nhất là do việc phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng không tính đến yếu tố lồng ghép phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Đây cũng là bài học xương máu không chỉ cho thành phố Nha Trang, Khánh Hòa mà cho cả các địa phương đang có sự phát triển đô thị ồ ạt trong khi thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường.
Trong nhiều năm nay, Nha Trang chưa từng xuất hiện cơn mưa lớn bất thường nào thế nên trận mưa lịch sử lên tới hơn gần 400m do hoàn lưu bão số 8 khiến nhiều người dân ở đây không kịp trở tay. Cơn mưa dị thường này đã gây lũ quét, sạt lở đất tại nhiều khu vực.
Cụ thể, trận lũ cuốn xảy ra khoảng 7 giờ 18-11 tại khu vực xã Phước Đồng, TP Nha Trang cuốn trôi hàng chục ngôi nhà nằm ven núi, gây sạt lở đất làm 7 người chết. 3 người tử vong ở phường Vĩnh Trường cũng với nguyên nhân tương tự. 4 người trong 1 gia đình ở phường Vĩnh Hòa tử vong do bể chứa nước của Khu đô thị Hoàng Phú bị vỡ cuốn trôi đất đá vào nhà dân gây sập. 2 người chết ở phường Vĩnh Thọ do sập công trình chắn đất. Ngoài ra, hiện vẫn còn 3 người ở Phước Đồng mất tích gồm: Trần Duy Quyền (1955), La Hăng (1950) và Nguyễn Thị Lê (1960).
Từ trước tới nay, lũ quét và sạt lở đất thường xảy ra ở khu vực miền núi phía bắc, nơi có địa hình núi cao, độ dốc rất lớn, nhiều sông suối, dòng chảy mạnh. Vì vậy, trận lũ quét và sát lở đất ở Nha Trang - một thành phố biển phát triển bậc nhất ở miền Trung được coi là một sự bất thường.
Lý giải vì sao hoàn lưu bão số 8 lại có thể gây hậu quả thảm khốc đến như vậy, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích: “Việc phát triển kinh tế xã hội ở các khu vực xảy ra sạt lở đất diễn ra rất mạnh trong vòng 10 năm qua, đặc biệt là khu vực núi Hòn Rớ (xã Phước Đồng). Hình ảnh trên Google Maps cho thấy năm 2008, khu vực này cơ bản còn nguyên sơ. Đến năm 2018, chân núi Hòn Rớ đã bị bạt hết. Nhà cửa công trình hạ tầng với mật độ dày đặc. Ba phần tư xung quanh núi là các công trình hạ tầng, nhà cửa, chỉ còn duy nhất mặt hướng ra biển là còn nguyên. Khi mưa lớn cục bộ, nước thoát từ trên xuống mà không có dòng chảy thì đương nhiên sẽ gây lũ quét, sạt lở đất”.
Thứ hai là mưa cục bộ quá lớn lên tới trên 300mm trong vòng 12 tiếng đồng hồ trên khu vực hẹp, địa hình dốc. Toàn bộ lượng nước đổ xuống chân núi theo các khe tạo thành dòng chảy như thác xuống khu dân cư gây lũ quét, sạt lở đất. Ở khu vực này trong vòng 10 năm qua, chưa từng có cơn mưa nào lớn như vậy nên người dân không nghĩ tới sẽ xảy ra lũ quét và sạt lở đất và họ hoàn toàn không ngờ tới thảm họa này. Trong khi đó, công tác dự báo định lượng mưa hiện rất khó chính xác, từ đó cảnh báo cho người dân và chính quyền về nguy cơ xảy ra ở phạm vi hẹp rất khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Qua đó cho thấy, việc phát triển kinh tế - xã hội nếu không lồng ghép với phương án giảm nhẹ rủi ro thiên tai sẽ gây rủi ro thiên tai lớn cho người dân. Theo ông Sơn, rõ ràng, việc quy hoạch ứng phó với thiên tai trên thực tế có bộc lộ hạn chế, bất cập và người dân đã phải hứng chịu hậu quả nặng nề. “Thực tiễn đặt ra là phải lồng ghép phòng chống giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và điều này đã được luật hóa, tuy nhiên việc triển khai trên thực tế còn rất hạn chế. Đối với hệ thống công trình hạ tầng được xây dựng trước khi có luật, ta phải ứng xử với nó như thế nào cũng là vấn đề cần đặt ra. Theo tôi, chúng ta phải tiến tới phòng chống thiên tai theo hướng quản lý rủi ro. Đối với những khu vực không thể bố trí sắp xếp lại dân cư, phải làm các công trình để giảm nhẹ rủi ro. Bên cạnh đó, cần dự báo sớm cũng như đưa ra cảnh báo sớm cho người dân về thiên tai. Đồng thời, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng chống thiên tai cho chính quyền và người dân” – ông Sơn nhấn mạnh.
Thực tế, trong số người chết do mưa lũ tại Nha Trang có 4 người trong cùng một gia đình chết do vỡ hồ nhân tạo có sức chứa 400m. “Một hồ nhỏ làm cả một gia đình chết cho thấy công tác an toàn hồ đập, ao nhỏ cần được đặc biệt quan tâm”- ông Sơn lưu ý và cho biết thêm: Với lượng mưa lớn, cực đoan, tập trung ở khu vực hẹp trong thời gian ngắn sẽ đe dọa nghiêm trọng tới an toàn hồ đập. Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm công tác an toàn hồ đập cho hồ thủy lợi và hồ thủy điện và cả những ao, hồ nhỏ.
Trước thông tin dự báo vào cuối tuần, nhiều khả năng cơn bão mới nguy hiểm hơn bão số 8 sẽ hình thành và đổ bộ vào đúng khu vực tỉnh Khánh Hòa, ông Sơn khuyến cáo, công tác chuẩn bị phòng ngừa phải được tiến hành từ ngay bây giờ, nếu không thiệt hại sẽ vô cùng lớn. Trước tiên phải đảm bảo an toàn các hoạt động kinh tế trên biển, nhất là hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Cùng với đó, cần có cảnh báo sớm để người dân di chuyển lồng bè đến nơi an toàn, hoặc tiến hành thu hoạch sớm, hướng dẫn người dân cách neo lồng bè, bảo vệ lồng bè khi bão đổ bộ. “Đặc biệt, để tránh thảm họa sạt lở, lũ quét như vừa qua, tỉnh Khánh Hòa và các địa phương khác phải tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn” - ông Sơn nói.
Cơn bão Damrey tháng 12 năm ngoái và bây giờ là lũ quét, sạt lở đất ngay trong thành phố Nha Trang đã cho người dân và chính quyền tỉnh Khánh Hòa bài học xương máu. Đó cũng là bài học chung cho các tỉnh, thành phố khác khi trong công tác quy hoạch phát triển đô thị cũng như trong việc chuẩn bị kỹ các phương án phòng chống, giảm thiểu rủi ro thiên tai, đặc biệt là khâu tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng chống thiên tai cho cả người dân và chính quyền địa phương.
Bích Nguyên